Thursday, October 3, 2019

Thứ Năm, ngày 03 tháng 10 năm 2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh&Đồng Tâm trình bày sau đây.

KÝ GIẢ THẾ GIỚI YÊU CẦU VIỆT NAM TRỪNG PHẠT HUNG THỦ ĐÁNH NHÀ BÁO
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vào hôm qua ra thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải truy tìm và trừng trị những kẻ đã đánh đập dã man nhà báo Kiều Đình Liệu khiến ông này bị chấn thương sọ não, đang hôn mê trong bệnh viện.

Vụ hành hung ông Kiều Đình Liệu, phóng viên tạp chí Luật sư Việt Nam, xảy ra vào ngày 26/9 ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, khi ông Liệu đến nơi đây để làm phóng sự về một vụ tranh chấp đất đai. Trên đường về, ông bất ngờ phát giác một chiếc xe chở gỗ lậu và thông báo cho giới kiểm lâm. Vài tiếng sau đó, khi đang ngồi uống cà phê tại thành phố Pleiku thì bị 3 người đàn ông xông vào đánh tới tấp khiến ông bất tỉnh.
Trong thông cáo, RSF nhấn mạnh là việc nhà báo Kiều Đình Liệu điều tra tham nhũng và trình báo việc vận chuyển gỗ lậu là vì lợi ích cộng đồng, vì thế việc hành hung ông là điều không thể tha thứ. Thông cáo cũng nhấn mạnh, vụ tấn công trả thù này không gây ngạc nhiên cho bất cứ ai vì rất nhiều nhà báo Việt Nam từng lâm vào thảm cảnh tương tự.
Tuy nhiên, tổ chức Phóng viên Không biên giới cảm thấy các vụ này không đúng luật pháp và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cần phải trừng trị nghiêm khắc các hung thủ.
GIỚI ĐẤU TRANH TẠI VIỆT NAM TỰ LẬP GIẢI THƯỞNG NHÂN QUYỀN
Giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Sài Gòn đã thành lập một giải thưởng nhân quyền, mang tên “Cống Hiến”, nhằm vinh danh những người đã cống hiến sức lực và trí tuệ cho cuộc đấu tranh này.
Hai thành viên trong ban tổ chức giải thưởng nói trên là ông Nguyễn Đại và bà Trần Thu Nguyệt. Giải thưởng tạm thời được đặt ra là 10 triệu đồng Việt Nam, tức khoảng 400 Mỹ kim, dành cho 10 ứng viên của năm 2019 này.
Nhận định về việc này, Luật sư Võ An Đôn, một trong các ứng viên nói trên, cho biết là ông cảm thấy vui mừng khi tham gia giải “Cống Hiến”. Theo ông thì giải thưởng này có tính khích lệ rất lớn và là chỗ dựa cho giới đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam trong bối cảnh bị bạo quyền đàn áp khốc liệt và bị xếp vào “thành phần phản động”.
BỘ SỞ NÀO NHẬN TRÁCH NHIỆM VỀ VỤ BÁN 21 LÔ ĐẤT CHO TRUNG CỘNG
Hơn hai tuần sau khi thừa nhận một số công dân Trung Cộng đang sở hữu 21 lô đất sát phi trường quân sự Nước Mặn, không cơ quan nào của thành phố Đà Nẵng đứng ra nhận trách nhiệm về chuyện này.
Phát biểu với báo chí vào hôm qua, thứ Tư 2/10, ông Nguyễn Trọng Ninh, một quan chức cao cấp của bộ xây dựng tuyên bố Bộ Xây dựng không đặc trách về đầu tư ngoại quốc, vì thế việc công dân Trung Cộng núp bóng đầu tư để mua bất động sản là trách nhiệm của bộ kế hoạch đầu tư.
Việc phủi tay không nhận trách nhiệm của giới quan chức CSVN không phải là điều lạ lùng suốt nhiều thập niên qua. Ví dụ mới nhất là vụ án bán thuốc ung thư giả vừa xét xử, các quan chức y tế liên quan vẫn phủ nhận trách nhiệm về việc tiếp tay cho công ty Pharma nhập cảng số thuốc giả nói trên.
CHÁY CHỢ CÒNG Ở THANH HÓA, 400 GIAN HÀNG RA TRO
Gần 400 gian hàng và mấy trăm tấn hàng hóa, đã biến thành tro bụi sau vụ hỏa hoạn tại chợ Còng thuộc thị trấn Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vào rạng sáng thứ Tư 2/10.
Theo lời kể của nhân chứng, ngọn lửa bốc lên tại trung tâm ngôi chợ vào lúc 2 giờ sáng hôm qua, sau đó bao trùm cả khu chợ. Dù nhân viên cứu hoả nỗ lực dập lửa kéo dài 4 tiếng, chợ Còng vẫn biến thành một bãi tro tàn, khiến hàng trăm tiểu thương khóc ròng vì lâm vào cảnh trắng tay.
Theo giải thích của nhà cầm quyền thị trấn Tĩnh Gia thì đây là ngôi chợ tạm thời sinh hoạt trong thời gian xây dựng một khu chợ hiện đại hơn ở gần đó.
CHIẾN HẠM TRUNG CỘNG LẠI ÁP SÁT BÃI CỎ MÂY CỦA PHILIPPINES
Ngoại trưởng Philippines vào hôm qua cho biết đã gửi công hàm phản đối các chiến hạm Trung Cộng áp sát Bãi Cỏ Mây hiện do nước Phi kiểm soát.
Công hàm phản đối được gửi đi hai ngày sau khi báo chí Phi loan tin là tổng tham mưu trưởng quân đội Phi, tướng Noel Clement, đã báo cáo lên thượng viện Phi về sự hiện diện của chiến hạm Trung Cộng gần Bãi Cỏ Mây. Trong báo cáo, tướng Clement cho biết các tàu hải cảnh Trung Cộng đã lảng vảng quanh bãi cạn này từ 4 đến 5 hải lý.
Bãi Cỏ Mây hiện có một đơn vị binh sĩ Phi trú đóng trên một chiếc tàu cũ kỹ mà quân đội Phi cho đánh đắm tại bãi cạn này để làm chỗ trú ngụ. Từ tháng 5 vừa qua, chiến hạm Trung Cộng đã nhiều lần ngăn chặn các tàu tiếp tế của Phi đến Bãi Cỏ Mây.
DÂN HỒNG KÔNG PHẢN ĐỐI CẢNH SÁT BẮN ĐẠN THẬT VÀO NGƯỜI BIỂU TÌNH
Sau một ngày giao chiến dữ dội với cảnh sát, hàng ngàn người dân Hồng Kông vào hôm qua lại mở cuộc tọa kháng trước cổng ngôi trường có một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn đạn thật vào ngực trong cuộc xuống đường tẩy chay ngày quốc khánh Trung Cộng.
Đây là lần đầu tiên mà cảnh sát Hồng Kông bắn đạn thật vào dân, kể từ khi diễn ra phong trào biểu tình đòi dân chủ tại vùng đất vốn là một thuộc địa của Anh suốt 99 năm.
Theo biện hộ của cảnh sát Hồng Kông, vụ nổ súng bắn đạn thật là vì một nhân viên cảm thấy tính mạng bị đe dọa trước sự tấn công của người biểu tình. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, tay cảnh sát đã lao ra từ phía sau đồng đội và rút súng bắn thẳng vào đám biểu tình.
BẮC HÀN PHÓNG PHI ĐẠN TỪ TÀU NGẦM SAU KHI MỸ ĐỒNG Ý ĐÀM PHÁN
Vào sáng thứ Tư 2/10, Bắc Hàn đã phóng một phi đạn tầm trung từ tàu ngầm chỉ mấy ngày sau khi Hoa Kỳ đồng ý nối lại đàm phán với Bắc Hàn.
Giới chức quân sự Nam Hàn cho biết vụ phóng phi đạn xuất phát từ vùng biển đông bắc thành phố Wonsan thuộc tỉnh Gangwon, vào lúc 7 giờ sáng. Phi đạn được ước đoán có thể bay cao hơn 910 cây số, và vượt một đoạn đường khoảng 450 cây số trước khi rơi xuống vùng biển của Nhật. Hội đồng An ninh Quốc gia Nam Hàn đã mở cuộc họp khẩn cấp để tìm hiểu ý đồ của Bắc Hàn vì chỉ một ngày trước đó, Bắc Hàn cũng đồng ý mở lại các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ vào tuần tới.

No comments:

Post a Comment