Monday, June 10, 2019

Tin Tức: Thứ Hai, ngày 10/06/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân Hà và Nguyên Khải.

1) VIỆT NAM CẢNH BÁO VỀ LÀN SÓNG CÁC CÔNG TY BỊ DÂN TÀU THU MUA
Cục Đầu tư Nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, vừa đưa ra lời cảnh báo về làn sóng các công ty bị người Tàu thôn tính bằng thu mua qua hình thức cổ phần.

Theo số liệu mà cục này trưng dẫn, trong vòng 5 tháng đầu năm nay, các tập đoàn Hoa Lục, Hồng Kông và Đài Loan đã đầu tư gần 8 tỷ Mỹ kim ở Việt Nam, vượt qua mặt Nhật Bản và Nam Hàn về số lượng đầu tư tại Việt Nam.
Theo cảnh báo, việc người Tàu bỏ vốn lớn vào Việt Nam có thể mang đến một số hệ lụy, ví dụ như kỹ thuật lạc hậu và gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Bên cạnh đó, làn sóng công nhân Tàu xuất hiện đông đảo ở một số địa phương, sẽ khiến cho người dân Việt càng thêm mất thiện cảm với người Tàu.
Trong một diễn biến khác, Bộ Công an Việt Nam vào cuối tuần qua đã trục xuất 77 công dân Trung Cộng, về tội tổ chức một đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. 77 tội phạm này bị bắt vào tuần qua ở tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng. Đường dây này có hơn 300 đại lý, phụ trách lôi kéo người đánh bạc ở Hoa Lục, Philippines, Campuchia và Việt Nam.
2) HOA KỲ SẼ MỞ CUỘC ĐIỀU TRA TÔM VIỆT NAM VÌ CÁO BUỘC TRỐN THUẾ
Công ty tôm Minh Phú sẽ bị Hoa Kỳ điều tra, sau khi có người tố cáo là trốn thuế và bán phá giá.
Theo đơn tố cáo, công ty Minh Phú đã mua tôm Ấn Độ để chế biến rồi bán sang Mỹ. Trước tố cáo này, một dân biểu Hoa Kỳ đã gửi thư đề nghị Bộ Thương mại mở cuộc điều tra các công ty Mỹ nhập cảng tôm Việt, để xác minh là có trốn thuế và bán phá giá hay không.
Vào cuối tuần qua, trả lời chất vấn của báo chí, công ty Minh Phú thừa nhận là có nhập cảng khoảng 10% lượng tôm từ Ấn Độ, nhằm bù đắp lượng thiếu hụt trong nước. Theo các báo cáo, lượng tôm của Minh Phú chiếm đến 20% tổng sản lượng xuất cảng tôm của Việt Nam vào năm ngoái. Vào tháng 7 năm 2016, Hoa Kỳ đã bỏ thuế chống phá giá đối với tôm Minh Phú.
3) HƠN 9 NGÀN MẪU RỪNG Ở TỈNH GIA LAI BỊ XÓA SỔ
Giới thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, trong mấy năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh này đã làm mất hơn 9 ngàn mẫu rừng ở huyện Đức Cơ và chia nhau bỏ túi hàng trăm triệu đồng.
Con số vừa đưa ra khiến dư luận rùng mình, vì 9 ngàn mẫu đất là 90 cây số vuông, thế nhưng có thể bị phá hủy chỉ trong vòng 8 năm. Chỉ tính riêng trong 4 năm, từ năm 2011 đến năm 2014, gần 6 ngàn mẫu rừng bị lấn chiếm hay đốn gỗ lậu. Nhưng ban quản trị chỉ báo cáo là 7 mẫu rừng bị lấn chiếm.
Theo ghi nhận tại chỗ của thanh tra tỉnh Gia Lai, ở một số khu vực, người dân ngang nhiên thành lập trang trại sản xuất gỗ. Hiện kết quả điều tra đã chuyển sang Bộ Tư pháp để chờ truy tố lực lượng kiểm lâm.

4) NAM HÀN ĐIỀU TRA ĐƯỜNG DÂY LÀM BẰNG LÁI XE GIẢ Ở VIỆT NAM

Cảnh sát Nam Hàn cho biết, hàng chục nghi can đã bị câu lưu vì dính líu đến đường dây làm bằng lái xe giả ở Việt Nam, để đổi bằng lái xe tại Nam Hàn.
Nhật báo Korean Times vào tuần trước loan tin, giới hữu trách thành phố Busan đã bắt giữ một người đàn ông Việt Nam và câu lưu 4 người khác, với cáo buộc làm giả giấy tờ để giúp các di dân lấy bằng lái xe Nam Hàn. Ngoài ra, 26 công dân Việt Nam cũng bị bắt giữ vì “chi tiền” mua bằng lái xe của Nam Hàn, với giá từ 600 đến 800 Mỹ kim.
Nam Hàn công nhận bằng lái xe Việt Nam và cho phép chuyển đổi sang bằng lái Nam Hàn mà không cần phải thi lại. Theo yêu cầu của Nam Hàn, cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol đã mở cuộc điều tra về đường dây làm bằng lái giả tại Việt Nam.
5) HÀNG TRĂM NGÀN NGƯỜI HỒNG KÔNG BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT DẪN ĐỘ
Trong một cuộc xuống đường rầm rộ nhất kể từ sau phong trào Dù Vàng vào năm 2014, hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông vào hôm Chủ nhật 9/6, đã tràn ra đường phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Hoa Lục mà nghị viện Hồng Kông đang chờ thông qua.
Cuộc xuống đường diễn ra chỉ vài ngày sau khi 3 ngàn luật sư Hồng Kông, với trang phục màu đen tuần hành phản đối dự luật này.
Bà Carrie Lâm, tổng đốc Hồng Kông, muốn dự luật này được thông qua trước tháng 7. Tuy nhiên, giới đấu tranh bảo vệ nền dân chủ của Hồng Kông không chấp nhận dự luật mà họ cho là “quá nguy hiểm”, khi giao tính mạng của các nghi phạm cho bộ tư pháp Trung Cộng xét xử.

6) DÂN TÀU ĐIÊU ĐỨNG VÌ VẬT GIÁ LEO THANG QUÁ NHANH

Cuộc thương chiến Mỹ – Hoa đã ảnh hưởng nặng đến đời sống tại Hoa Lục, nhiều người Tàu đang than phiền vật giá leo thang quá nhanh, đặc biệt là rau cải và hoa quả trở nên “đắt như vàng”.
Theo ghi nhận của giới quan sát viên, ngay tại chợ bán sỉ Xinfandi ở phía nam Bắc Kinh, các sạp bán hoa quả đều ế khách vì giá táo gia tăng gấp đôi, lên đến 2 Mỹ kim một ký. Không chỉ hoa quả, mà rau cải tươi cũng tăng giá mỗi ngày. Và vì dịch tả heo Phi châu vẫn đang hoành hành, nên mọi loại thịt ở Hoa Lục cũng tăng giá một cách chóng mặt.
Mặc dù tập đoàn lãnh đạo Trung Cộng liên tục trấn an người dân là nguồn thực phẩm vẫn còn dồi dào, giá cả vẫn bình ổn, nhưng khi đến thăm một vựa hoa quả ở tỉnh Sơn Đông vào cuối tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng sửng sốt khi thấy giá táo tăng lên đến 2 Mỹ kim một ký.

7) DÂN VENEZUELA LẤY HÀNG ĐỔI HÀNG NHƯ THỜI NGUYÊN THỦY

Trước tình trạng siêu lạm phát khiến đồng tiền trở thành đống giấy lộn, người dân Venezuela đã quay về thời nguyên thủy là dùng hàng đổi hàng.
Đồng bolivar của Venezuela đã mất giá gần 100% từ khi ông Nicolas Maduro lên làm tổng thống vào năm 2013. Chính vì thế, tại các vùng nông thôn, người dân không dùng tiền để mua sắm hàng hóa, mà dùng hàng hóa để đổi lấy hàng hóa. Theo tỷ lệ trao đổi, tại thủ phủ trồng cà phê ở tỉnh Lara, một 100 ký cà phê có giá trị bằng 200 lít xăng dầu.

No comments:

Post a Comment