Sunday, June 23, 2019

Tin Tức: Chủ Nhật 23.06.2019

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

1) Phúc trình của Mỹ tố cáo Việt Nam tiếp tục đàn áp các tôn giáo
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới năm 2018, trong đó liệt kê nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo mà họ không thừa nhận. Bản phúc trình đã liệt kê hàng loạt sự kiện chứng tỏ Việt Nam không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đối với Giáo hội Phật giáo Thống nhất, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, và một số tôn giáo khác.
Các lãnh đạo tôn giáo, nhất là những giáo phái nằm ngoài sự kiểm soát của đảng tiếp tục bị đàn áp dưới nhiều hình thức, từ tấn công bạo lực, bắt giữ, truy tố, giám sát hạn chế đi lại, tịch thu hay hủy hoại tài sản và nhất là bác bỏ hoặc không phản hồi hồ sơ xin đăng ký.
Vẫn theo phúc trình, những người tu tập theo Pháp Luân Công đã bị sách nhiễu ở nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước. Các tù nhân cũng không được tự do thực hành niềm tin tôn giáo của mình.
(https://www.voatiengviet.com/a/phúc-trình-của-bng-mỹ-việt-nam-tiếp-tục-đàn-áp-các-nhóm-tôn-giáo-chống-đối/4969147.html)
2)Cảnh sát Hồng Kông mở cuộc điều tra những người phong tỏa trụ sở cảnh sát
Vào thứ bảy 22/06, cảnh sát Hồng Kông thông báo bắt đầu điều tra về những người biểu tình đã phong tỏa trụ sở bộ tư lệnh cảnh sát để đòi đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức. Họ cho rằng hành động của những người biểu tình nói trên là «bất hợp pháp» và «phi lý». Hôm thứ sáu 21/6, hàng ngàn người, mặc y phục màu đen, mang theo dù, đã tập trung trước bộ tư lệnh cảnh sát Hồng Kông để đòi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, đòi trả tự do cho những người biểu tình bị bắt và đòi điều tra về vụ cảnh sát đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình. Một số người biểu tình đã dựng hàng rào ngay trước trụ sở cảnh sát, một số người khác thì ngăn chận các máy quay phim. Đến 4 giờ sáng thứ bảy, những người biểu tình mới giải tán.
Từ nhiều tuần qua, người dân Hồng Kông đã ồ ạt xuống đường để phản đối dự luật cho phép dẫn độ bất cứ ai ở đặc khu này sang Trung cộng. Cuộc biểu tình quy tụ có lúc lên đến gần 2 triệu người.
(http://vi.rfi.fr/chau-a/20190622-hong-kong-dieu-tra-ve-nhung-nguoi-phong-toa-tru-so-canh-sat)

3)Ông Trump hủy lệnh tấn công Iran

Thứ sáu 21/06, sau khi chấp thuận oanh kích các vị trí quân sự của Iran để trả đũa việc Iran bắn rớt chiếc máy bay không người lái của Hoa Kỳ vào thứ năm 20/6, nhưng 10 phút trước giờ hành động, tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ lệnh tấn công này nhằm tránh thiệt hại hằng trăm nhân mạng cho Iran.
Phát ngôn viên của quân đội Iran cảnh cáo Hoa Kỳ là bất cứ một cuộc tấn công nào của Hoa Kỳ vào lãnh thổ Iran sẽ có những hậu quả «vô vùng nặng nề» đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Đài truyền hình Iran đã chiếu những bức ảnh chụp xác của chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi, rồi khẳng định là chiếc máy bay này đã rơi trong vùng biển của Iran. Nhưng phía Hoa Kỳ lại xác định xác chiếc máy bay này rơi trong vùng biển quốc tế. Thay vì một chiến dịch quân sự với những hậu quả tiềm tàng rất nặng nề, tổng thống Hoa Kỳ đã chọn giải pháp siết chặt trừng phạt đối với Iran.
(http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190622-teheran-canh-cao-hoa-ky-ve-%C2%AB-nhung-hau-qua-nang-ne-%C2%BB-neu-tan-cong-iran)
4)Tổng thống Trump bổ nhiệm tân bộ trưởng Quốc Phòng
Thứ sáu 21/06, tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Mark Esper làm tân bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Trước đó 3 hôm, tức thứ ba 18/6, ông Esper đã thay thế ông Patrick Shanahan trong cương bị quyền bộ trưởng Quốc Phòng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Esper đang chờ được thượng viện Hoa Kỳ chuẩn y.
(http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190622-tin-doc-nhanh)
5)Hoa Kỳ khởi động chiến dịch trục xuất di dân
Giới hữu trách di trú Hoa Kỳ đã lên kế hoạch khởi động một chiến dịch sâu rộng vào hôm nay để trục xuất người di dân mới tới Mỹ một cách bất hợp pháp. Chiến dịch dự kiến sẽ trục xuất khoảng 2 ngàn gia đình tại 10 thành phố ở Hoa Kỳ bao gồm Houston, Chicago, Miami và Los Angeles.
Số di dân bị chặn bắt vì đã vượt biên giới Mỹ-Mexico trong tháng 5 tăng tới mức cao nhất kể từ năm 2006, nhiều người trong số này chạy lánh bạo lực và đói nghèo ở Trung Mỹ. Riêng tại Texas, thống đốc cho hay tiểu bang này đang điều động 1 ngàn binh sĩ Vệ binh Quốc gia tới biên giới sau khi có hơn 45 ngàn người bị bắt vì vượt biên bất hợp pháp trong ba tuần qua.
Tính đến ngày 19/6, theo các giới chức Mexico, gần 14 ngàn người đã bị gửi ngược về Mexico. Chính quyền Trump dự tính lập các tòa án di trú tạm thời dọc theo đường biên giới để thụ lý hồ sơ của những di dân bị trả về bên kia biên giới Mexico.
Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất trong ngày chủ nhật, tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn việc trục xuất những di dân bất hợp pháp lại 2 tuần để tìm sự đồng thuận của quốc hội.
(https://www.voatiengviet.com/a/my-khoi-dong-chien-dich-truc-xuat-di-dan-/4969121.html) (https://www.voatiengviet.com/a/my-tang-cuong-tra-di-dan-ve-ben-kia-bien-gioi-mexico-/4969102.html)
6) Hoa Kỳ trừng phạt 5 hãng công nghệ Trung cộng
Thứ sáu 21/06, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo đưa thêm 5 tập đoàn công nghệ Trung cộng vào danh sách đen. Nạn nhân lần này là tập đoàn Sogun, một hãng điện tử hàng đầu của Trung cộng cùng với ba chi nhánh của hãng này chuyên sản xuất các chip điện tử và một viện tin học trực thuộc quân đội Trung cộng. Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho rằng những công ty này có những hoạt động chống lại an ninh quốc gia hay các lợi ích của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trung cộng cũng nhanh chóng trả đũa bằng việc ra thông báo thành lập một danh sách đen để cấm cửa các doanh nghiệp nước ngoài mà họ gọi là không đáng tin cậy.
Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung cộng tăng thêm một nấc, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
(http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190622-hoa-ky-trung-phat-5-hang-cong-nghe-trung-quoc)

No comments:

Post a Comment