Wednesday, June 5, 2019

Bệnh tật ông Nguyễn Phú Trọng và cuộc chiến chống tham nhũng

Bình Luân

Dưới tầm nhìn của một bình luận gia chính trị tây phương có uy tín thì muốn chống tham nhũng mà tiếp tục độc tài chuyên chính như CSVN thì không khác nào thi đua đi tìm sừng thỏ hay lông rùa.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của David Brown- do Song Phan chuyển ngữ với tựa đề: “Bệnh tật ông Nguyễn Phú Trọng và cuộc chiến chống tham nhũng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay

David Brown
Song Phan chuyển ngữ
Ở tuổi 76, Nguyễn Phú Trọng là một người đang vội vã tìm cách cứu đảng Cộng sản Việt Nam khỏi tham nhũng, tiêu cực và mất tính chính danh. Ý nghĩa đối với Việt Nam là quan trọng, vì Đảng Cộng sản khẳng định độc quyền về quyền lực chính trị, chủ yếu dựa trên việc họ tự cho mình có đạo đức cao cả.

Ông Trọng chính là một nhà lý luận mác-xít. Qua nhiều thập kỷ, ông đã cố sức trong bóng tối, chửi đổng về việc đánh mất chất Mác-Lênin của đảng viên và than van về sự xói mòn tính chính đáng cách mạng của đảng. Nhưng, 3 năm trước đây, Trọng đã dàn xếp việc loại bỏ thủ tướng 2 nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, là kẻ đáng ghét của ông. Hiện nay, ông vừa là Chủ tịch nước lẫn Tổng bí thư của đảng, một nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ và là tai họa cho quan chức cấp cao nào cấu kết với các doanh nhân vô đạo đức, sang đoạt của cải nhà nước.
Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 4, ông Trọng ngã bệnh trong chuyến đi kiểm tra tỉnh Kiên Giang. Truyền thông nhà nước được phép tường thuật rằng ông đã phải nhập viện, nhưng không cho phép biết lý do vì sao. Các bài báo trên mạng xã hội săm soi về những hậu quả gây mất ổn định nếu ông không đủ thể lực hoặc chết. Và rồi, đúng 1 tháng sau, truyền hình nhà nước đã phát một đoạn clip, cho thấy cảnh ông Trọng chủ toạ một cuộc họp được dàn cảnh cẩn thận với vài cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Trong khi thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và trợ lý chính của ông Trọng, ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí thư chăm chú lắng nghe, ông Trọng có vẻ khỏe mạnh và đã hứa “sẽ tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực với tinh thần kiên quyết và kiên định”.
Vào tháng 5 năm 2019, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, nhà nước đã “kết thúc điều tra 28 vụ, [sắp] khởi tố 24 vụ, đưa 29 vụ ra xét xử, xét xử phúc thẩm 7 bản án và xác minh 36 vụ án khác”. Trong đó có vụ truy tố hai cựu bộ trưởng thông tin và em trai Giám đốc điều hành của tập đoàn VinGroup, vì đã thông đồng sử dụng quỹ nhà nước để mua một công ty cung cấp truyền hình cáp nhỏ với giá cao hơn rất nhiều giá trị thật của nó.
Cuộc truy quét sâu rộng về tham nhũng không phải toàn tin tốt. Một chế độ mang ý định đè bẹp tham nhũng và cho thăng tiến sự nghiệp của một nhóm “cán bộ chiến lược” (dự tính của Ông Trọng xác định các đảng viên trung thực, năng động) cũng sẽ có một cái nhìn mờ nhạt về những lời chỉ trích từ bất kỳ phía nào. Do đó, kể từ Đại hội đảng lần 12, công an Việt Nam đã thực hiện uỷ nhiệm sâu rộng hơn nhiều để dập tắt những ý kiến bất đồng chính trị.
Các nhà quan sát chính trị Việt Nam và chế độ đảng Cộng sản vẫn chưa thống nhất được, liệu cá nhân ông Trọng có dành ưu tiên vào việc dập tắt những ý kiến bất đồng bên ngoài hàng ngũ đảng hay không. Cho đến khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời hồi tháng 9 năm 2018, được cho rằng Quang là nhà lãnh đạo quan tâm và lo ngại hơn với phát ngôn nổi loạn. Chính ông Quang đã dẫn đầu ủng hộ việc thông qua luật an ninh mạng rất nghiêm ngặt, vốn hình sự hoá ngay cả việc chia sẻ những bài viết bị nhà cầm quyền coi là “độc hại”. Là kẻ, khi là đồng minh, khi là đối thủ của ông Trọng, ông Quang đã qua đời, nhưng so với thời ông Dũng, tình trạng người bất đồng chính kiến vẫn còn nguy hiểm hơn nhiều.
Ông Trọng dường như vẫn còn thể lực trong mong đợi của người có 76 tuổi, vấn đề ngắn hạn là ai, khi nào và bằng cách nào, một người nào đó – hay có nhiều khả năng là một vài người – sẽ đảm nhận các vai trò khác nhau của ông Trọng sau Đại hội 13. Chỉ còn khoảng 19 tháng nữa là khai mạc đại hội đó, hình như ông Trọng đang giữ kín suy nghĩ của mình. Trong khi đó, một nhóm người đang cố gắng tìm cách phô biến sự sẵn sàng của họ. Nhóm đó bao gồm ông Vượng và Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính, là người chịu trách nhiệm phát hiện cán bộ chiến lược và sắp xếp việc đề bạt họ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thường được nhắc đến như một người kế nhiệm; mặc dù ông không gần gũi với ông Trọng, nhưng ông là người đứng đầu chính phủ, trung thành và có thẩm quyền.
Cũng chưa rõ liệu ông Trọng có sẵn sàng bàn giao tất cả các chức vụ vào năm 2021 hay không. Rất có thể ông chọn ở lại trong vai trò chủ tịch nước, một chức vụ vốn không đòi hỏi cao. Chỉ có điều chắc chắn là, để mắt đến di sản của mình, ông Trọng sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với các quyết định về nhân sự này.
Quan trọng hơn và đáng lo ngại hơn cho Việt Nam, ngoài cuộc chiến chống tham nhũng, thời ông Trọng có thể được nhớ đến như một thời cơ bị bỏ lỡ.
Được thúc đẩy bởi sự đầu tư quá lớn từ nước ngoài, cùng với lực lượng lao động còn non trẻ, nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Trong khi đó, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản thân hữu đã nảy sinh những vấn đề cấp bách, trong đó có sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng, suy thoái môi trường, và sa sút của cả hai hệ thống giáo dục và y tế công thiếu vốn đầu tư. Một chế độ không chịu lắng nghe dư luận và coi khinh những sáng kiến đổi mới xuất hiện từ cơ sở, thường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết những thách thức đó.
Ngoài ra, trong một hệ thống chính trị thiếu các cơ chế hạn chế khả năng lạm quyền của các quan chức, tham nhũng có hệ thống cũng sẽ không bị xóa sổ – bất kể có bao nhiêu “cán bộ chiến lược” mà ông Trọng và các đệ tử có thể triển khai./.

No comments:

Post a Comment