Saturday, June 29, 2019

Ngọc Hân Công Chúa

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, triều đình Tây Sơn ngắn ngủi nhưng lắm oai hùng và bi thương, trong đó phải kể đến mối tình của người anh hùng áo vải và một nàng công chúa của nhà Hậu Lê. Nàng công chúa này về sau trở thành vị hoàng hậu nổi tiếng trong sử Việt về tài sắc vẹn toàn, được hậu thế ngưỡng mộ … Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Ngọc Hân Công Chúa” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái
Lê Ngọc Hân sinh ngày 25/5/1770, là con thứ 9 của vua Hiển Tông và bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.

Thuở nhỏ có diện mạo thanh tú và xinh xắn, bản tánh thùy mị và dịu dàng, công chúa Ngọc Hân chưa tròn 10 tuổi đã nổi tiếng về cầm kỳ thi họa, thuộc làu kinh điển và thông thạo văn thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm.
Tháng 5 năm 1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh xong, đến yết kiến vua Lê Hiển Tông. Trong dịp này, do mai mối của tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ thành hôn với Ngọc Hân công chúa.
Năm 1788, sau khi đại thắng quân Thanh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung và phong cho Ngọc Hân công chúa là Bắc Cung Hoàng hậu.
Vua Quang Trung “yêu vì nết, trọng vì tài”, giao cho Ngọc Hân nhiệm vụ xem và giữ các văn thư quan trọng, phong cho chức Học sĩ, dạy dỗ các con cái và cung nữ. Trong thực tế, Ngọc Hân trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lãnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng.
Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, Quang Toản tức Cảnh Thịnh đế lên thay, Ngọc Hân đưa con ruột ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền ở Huế, bên cạnh điện Đan Dương thờ chồng, nuôi con.
Sau khi chồng băng hà, bà viết bài Tế vua Quang Trung và áng văn khóc chồng qua bài thơ Ai Tự Vãn gồm 164 câu theo thể song thất lục bát (để bày tỏ nỗi đau cùng cực và niềm tiếc thương vô hạn cho người chồng vắn số) với lời thơ thống thiết, điển hình như các trích đoạn sau đây:
“… Buồn thay nhẽ! sương rơi gió lọt,
Cảnh điều hiu thánh thót châu sa!
Tưởng lời di chúc thiết tha,
Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê.
Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở,
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong.
Quyết liều mong vẹn chữ tòng
Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e!
Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình thân chưa thoát được đi.
Vậy thì nấn ná đợi khi,
Hình thì tuy ở, phách thì đã theo.
… Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng,
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau.
Mấy lời tâm sự trước sau,
Đôi vòng nhật nghuyệt trên đầu chứng cho.”
Năm 1799, lúc vua Cảnh Thịnh bị thất thủ trước quân Nguyễn Ánh. Bà và hai con lẩn trốn vào nhà dân ở tỉnh Quảng Nam. Khi bị quân Nguyễn Ánh phát giác, 2 đứa con bà bị xiết cổ chết, bà uống thuốc độc quyên sinh vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, hưởng dương 29 tuổi.
Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền ở Bắc Ninh thuê người vào Quảng Nam, lén lấy thi hài Ngọc Hân và 2 cháu ngoại về chôn cất ở bãi Đầu Voi, đầu làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn 5 bài văn tế Ngọc Hân cùng các con và người thân của bà cho Vua Cảnh Thịnh đọc trước linh cửu. Và bà được truy tặng danh hiệu Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả 5 bài văn tế được ghi chép trong sách Dụ Am văn tập.
* * *
Trong số những công chúa thuộc các triều đại Việt Nam, Ngọc Hân công chúa là một trong những phụ nữ được các sử gia nhắc nhở khá nhiều với tấm lòng kính trọng. Theo ghi chép trong cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí, ngay trong lần gặp mặt đầu tiên, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã rung động trước tài sắc của cô công chúa trẻ tuổi. Cũng vì thương yêu Ngọc Hân mà mà Nguyễn Huệ ủng hộ anh ruột của công chúa là Lê Duy Kỳ lên ngôi, tức vua Lê Chiêu Thống, và sự việc này khiến cho người anh của Ngài là vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc bất mãn.
Như cụ Nguyễn Du đã viết trong “truyện Kiều”, Ngọc Hân công chúa đã không tránh khỏi số phận bi thảm vì “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Trời xanh không ghen nhưng phe cánh Hoàng hậu mới đã ra tay trả thù sau khi vua Quang Trung băng hà.
Nhưng thê thảm hơn nữa là quyết tâm tận diệt của vua Gia Long đối với những ai có dây mơ rễ má với triều đình Tây Sơn. Trước sự truy cùng đuổi tận đó, Ngọc Hân công chúa đã chọn cách tự tử để khỏi lâm vào cảnh ô nhục dưới tay quân tướng nhà Nguyễn.
Và đó có lẽ một trong những lý do mà hậu thế đã kính trọng Bà. Kính trọng một phụ nữ tuy ban đầu là bị vua cha ép gả cho Bắc Bình Vương Nguyệ Huệ để níu kéo quyền lực, nhưng sau đó Bà đã thật lòng thương yêu người chồng đã hủy diệt triều đình Hậu Lê, mà bài Tế vua Quang Trung là bằng chứng hùng hồn cho tình yêu đó.
Chính vì thế, Ngọc Hân công chúa xứng đáng là bậc anh thư tiết liệt trong lịch sử của dân tộc Việt.

No comments:

Post a Comment