Tuesday, June 18, 2019

TIN TỨC: Thứ Ba 18/06/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh và Bá Cơ.

1) NHÀ ĐẤU TRANH HUỲNH THỤC VY BỊ PHẠT VẠ VÌ RỜI NƠI CƯ TRÚ
Bà Huỳnh Thục Vy, nhà đấu tranh nhân quyền, vừa bị nhà cầm quyền thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc, phạt vạ 2 triệu rưởi đồng với cáo buộc rời nhà đi chơi xa mà không xin phép. Trong văn thư phạt vạ mà bà Vy đưa lên mạng xã hội vào hôm qua, được ký vào ngày 14/6, ghi rõ là bà Vy tuy được tạm hoãn án tù nhưng không được rời khỏi nơi cư trú.

Như tin đã loan, vào tháng 11 năm ngoái, nhà đấu tranh này bị nhà cầm quyền Đắc Lắc tuyên án 2 năm 9 tháng tù với cáo buộc “xúc phạm lá quốc kỳ”. Nhưng vì có con nhỏ dưới 3 tuổi nên tòa án đồng ý cho bà Vy được tạm hoãn việc đi tù.
Tuy nhiên, bà Vy cho biết là sau phiên tòa nói trên, vì công ăn việc làm, bà nhiều lần rời khỏi nơi cư trú mà không bị làm khó dễ gì cả. Bà Vy kể thêm, cha của bà là ông Huỳnh Ngọc Tuấn, nhiều lần bị nhà cầm quyền địa phương phạt vạ với đủ thứ tội danh, nhưng gia đình không bao giờ nộp phạt. Vì thế, lần này, bà Vy cũng sẽ không đóng tiền phạt, vì cho rằng lệnh cấm rời nơi cư trú hay cấm xuất cảnh là vi phạm nhân quyền.

2) BỊ HÀNH HUNG KHI ĐI THĂM ĐỒNG ĐỘI Ở TRẠI NAM HÀ

Ông Trương Minh Hưởng, một nhà đấu tranh Dân chủ ở tỉnh Hà Nam, đã bị công an hành hung sau khi đến thăm những đồng đội tại trại giam Nam Hà vào hôm Chủ nhật 16/6.
Năm nay đã 70 tuổi, ông Hưởng bị đám công an chặn đánh gẫy xương sườn số 10 khi đến thăm 7 tù nhân lương tâm ở trại giam Nam Hà. Theo lời kể của ông Hưởng, vụ hành hung xảy ra vào lúc 1 giờ chiều ngày 16/6 khi ông đang trên đường ra về. Ông bị 4 công an chặn xe ở dốc Gần Vồng, sau đó bị đấm đá tới tấp. Khi đến bệnh viện thì được xác nhận là gãy xương sườn số 10.
Trại tù Nam Hà hiện đang giam giữ một số tù nhân lương tâm nổi tiếng như Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh, Hồ Đức Hòa, Vũ Quang Thuận, Phạm Văn Trội và Nguyễn Viết Dũng.

3) TAI NẠN GIAO THÔNG THẢM KHỐC Ở HÒA BÌNH: 3 NGƯỜI CHẾT VÀ 31 NGƯỜI TRỌNG THƯƠNG

Một chiếc xe tải chở 5 tấn sắt vụn, mang bảng số của nước Lào, đã tông vào một xe đò ở tỉnh Hòa Bình vào nửa đêm Chủ nhật 16/6, khiến 3 người chết và 31 người khác bị thương nặng.
Tai nạn xảy ra trên quốc lộ 6, ở địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, khiến cho hai chiếc xe biến thành đống sắt vụn. Một người chết tại chỗ, trong khi hai người khác qua đời trên đường đưa đến bệnh viện. Một số người bị thương cũng ở trong tình trạng nguy kịch.
Theo xác nhận của công an thì chiếc xe tải chở sắt vụn mang bảng số nước Lào, nhưng chưa xác định là đến từ tỉnh nào.

4) TÀU CÁ VIỆT CỨU 22 NGƯ DÂN PHI LÀ ĐẾN TỪ TỈNH TIỀN GIANG

Nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang đang tổ chức chào đón các ngư dân trở về bến bờ để vinh danh việc họ cứu vớt 22 ngư dân Phi bị tàu cá Trung Cộng húc văng xuống biển vào hôm 9/6 ở Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo tường thuật của báo chí nhà nước, chủ nhân chiếc tàu Tiền Giang là ông Ngô Văn Thẻng ở thị xã Gò Công. Sau khi cứu vớt 22 ngư dân Phi, chiếc tàu Việt đã đưa họ vào bờ và trao cho hải quân Phi vào hôm thứ Sáu 14/6. Sau đó họ tiếp tục việc đánh cá vì ra khơi chưa đầy một tháng.
Tuần qua, các nạn nhân Phi cũng khẳng định là họ được các ngư dân Việt cứu vớt sau khi bị một tàu Trung Cộng húc văng xuống biển, nhằm phản bác việc Trung Cộng tuyên bố là các ngư dân Phi được một tàu cá Phi cứu vớt chứ không phải tàu cá Việt Nam.

5) ĐÀI LOAN BẮT GIỮ THÊM 246 NGƯỜI VIỆT LAO ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP

Sở Di trú Đài Loan vào hôm thứ Bảy 15/6 loan tin đã bắt giam 413 người ngoại quốc đang làm việc trái phép tại đảo quốc này, trong số đó có 246 người Việt.
Từ đầu năm nay, cảnh sát và an ninh Đài Loan đã mở chiến dịch lùng bắt các công nhân ngoại quốc đang lao động trái phép. Trong đợt bố ráp vào hôm thứ Bảy 15/6, hơn 173 địa điểm đã bị khám xét với 413 người bị bắt và 118 chủ nhân các cơ xưởng cũng bị câu lưu để thẩm vấn. Đa số các nam công nhân làm việc tại các công trường, trong khi các phụ nữ thì làm tiếp viên ở các nhà hàng và cửa tiệm.
Những người bị bắt giữ có thể bị phạt vạ từ 4500 Mỹ kim đến 24 ngàn Mỹ kim,và giới chủ nhân Đài Loan có thể bị phạt đến vài trăm ngàn Mỹ kim về tội tuyển mộ công nhân bất hợp pháp.

6) THỦ LÃNH BIỂU TÌNH HỒNG KÔNG ĐƯỢC TRẢ TỰ DO

Chủ nhật 16/6, anh Joshua Wong, người thủ lãnh trẻ tuổi của phong trào Dân chủ , lãnh đạo cuộc xuống đường Dù Vàng vào năm 2014, đã mãn hạn tù 2 tháng vì bị buộc tội khinh mạn tòa án, liên quan đến việc tham gia vào các cuộc biểu tình năm 2014 nhằm thúc đẩy tiến trình bầu cử dân chủ ở thuộc địa cũ của Anh.
Ngay sau khi ra tù, anh Joshua Wong ( Hoàng Chí Phong) tuyên bố sẽ tham gia cuộc chống đối dự luật dẫn độ về Hoa Lục và yêu cầu bà Carrie Lâm, tổng đốc Hồng Kông, phải từ chức vì đã cáo buộc người biểu tình là “gây ra bạo loạn”.
Trong khi đó, bạo quyền Bắc Kinh tuyên bố vẫn ủng hộ bà Lâm trong vị trí tổng đốc Hồng Kông, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy bà Lâm sẽ bị Bắc Kinh mang ra làm dê tế thần để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng. Môt trong những dấu hiệu đó là đại sứ Trung Cộng ở Anh vào hôm qua tuyên bố dự luật dẫn độ là do bà Lâm tự đề ra chứ không phải là đề nghị của Bắc Kinh.
7) TẬP ĐOÀN HOA VI THIỆT HẠI NẶNG VÌ CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CỦA HOA KỲ
Tổng giám đốc kiêm sáng lập viên tập đoàn viễn thông Huawei, ông Nhậm Chính Phi, vào hôm qua cho biết là mức thiệt hại của tập đoàn này rất lớn so với mức dự tính trước đây.
Theo tiết lộ của ông Phi, lệnh cấm của Hoa Kỳ khiến Hoa Vi thiệt hại hơn 30 tỷ Mỹ kim về doanh thu, tức khoảng 40% tổng lợi nhuận trong năm nay. Ông Phi cho biết ông vẫn tin tưởng là tập đoàn Hoa Vi sẽ hồi phục vào năm tới.
Như tin đã loan, với lý do an ninh quốc gia, chính phủ Donald Trump đã xếp Hoa Vi vào danh sách đen, theo đó thì các công ty Hoa Kỳ bị cấm cung cấp phụ tùng, thiết bị và nhu liệu cho Hoa Vi, trừ phi có giấy phép đặc biệt.
Trong một diễn biến khác thì tập đoàn điện tử Samsung sẽ đóng cửa cơ xưởng cuối cùng tại Hoa Lục để dời sang quốc gia khác. Cơ xưởng này hoạt động ở tỉnh Quảng Đông, vào 8 năm trước đã cung cấp đến 20% số điện thoại di động tại Hoa Lục. Nhưng sắp tới đây, nhà máy này cũng sẽ đóng cửa sau khi Samsung di dời các nhà máy ở Thiên Tân và Thâm Quyến sang các quốc gia khác.

No comments:

Post a Comment