Thursday, August 3, 2017

“Giới Trí Thức Việt Nam: Bầy Việt Điểu Sẽ Mọc Cánh Trở Lại

Người Dân Tự Quyết

Giới trí thức Việt Nam, qua nhiều chế độ, suốt dòng lịch sử bất hạnh tới nay, vẫn chỉ là những con chim Việt Điểu gẫy cánh, đầy thương tích, đầy mặc cảm tự ti, tự tôn lẫn lộn, nên đã trở thành một loại nhân-sinh-vật hiếm hoi, dần dà tuyệt diệt chăng?

Loại nhân-sinh-vật này tự nó cũng đủ thú đau thương, đủ tàn lực tự hủy,[2] nếu thả lỏng, nếu không còn gì làm hơn là an phận, ngồi xé lịch đợi ngày qua.
Nên chế độ quen dùng bạo lực cũng chả cần thêm gậy gộc, cung nỏ, súng đạn. Chả cần thêm hận thù, đày ải. Vô ích. Với cái đà ù lì, bất di bất dịch trong nước, người Việt trí thức sẽ tự dưng biến mất khỏi môi trường phi nhân, phi nghĩa. Như những dòng sông khô lòng, không bao giờ thấy biển cả.
Người trí thức Việt Nam ngày hôm nay nếu ý thức được như vậy, chắc không để tự cứu lấy mình, vì quá muộn, quá yếu kém trước bạo quyền.
Dù sao họ vẫn còn ly do để tồn tại, để trở thành hữu ích: họ chỉ cần dồn lực trao trả lại các thế hệ sau những sự thật lịch sử của một dân tộc bị nạn tập thể, hơn 70 năm qua; họ chỉ cần chia sẻ những thử thách, những thách đố của người đi trước trong cuộc hành trình tìm lại dân tộc, qua những cuộc giao tranh ý thức hệ hao mòn, diệt chủng. Lịch sử mà họ dấn thân tách mảnh sẽ giúp thế hệ hậu duệ thấy rõ hơn, hiểu biết nhiều hơn về thực trạng khai mở, thiếu sót của một quá khứ cần hoàn chỉnh. Họ sẽ phanh phui với thế hệ trẻ những kinh nghiệm máu mủ, những lầm lẫn mà họ đã mắc phải. Họ sẽ nhắn nhủ con cháu họ về trách nhiệm bảo trọng lấy mình và tha nhân. Họ sẽ căn dặn giới trẻ tránh xa những thủ đoạn lừa lọc, bất nhân, bất nghĩa để chọn lấy một con đường sống nhân bản, tự trọng, tự quyết.
Và như một phép lạ, bầy Việt Điểu Trẻ của các thế hệ nhập cuộc ngày hôm nay sẽ mọc cánh trở lại, trên toàn không gian Việt.
Suốt 42 năm qua, đa số người Việt tự do tại hải ngoại luôn luôn đùm bọc, hỗ trợ người trong nước. Vì liên hệ máu mủ, vì những tình cảm linh thiêng, vì thiện chí tự nguyện, họ đã đem lại kinh nghiệm và hy vọng chính đáng giúp đồng bào, đồng hương sớm thoát khỏi cảnh tù đầy quốc nội.
Song song, tư tưởng dân chủ chân chính phải là những cánh cửa mở rộng tiếp đón kiến thức và tâm thức, khi tự nguyện soi sáng, biết mình, biết người, biết đời để sống còn. Như vậy, người dân trong nước phải tự nguyện dấn thân vào cuộc hành trình của chính mình, không ai ép buộc, không ai quyết định hộ.
Kiến thức và tâm thức trong cuộc sống tự phát hữu hiệu còn là một ý niệm kết sinh vẹn toàn: “lương tri” và “lương tâm” cần đi song song, rồi hội nhập. Cái “biết” dù cao siêu tới mấy, nhưng nếu bất nhân, bất nghĩa, nếu khinh mạn phẩm giá con người, nếu miệt thị công lý nhân đạo, chỉ là thứ diễn biến phá hoại, bất tất, bất hạnh, nên vô nghĩa.
Bất cứ ở môi trường nào, tri thức không lương tâm chỉ là tinh thần tự hủy .
Bất cứ ở xã hội nào, kẻ ác tâm sẽ tự hủy vì dùng mưu trí và tà lực để chà đạp, phá phách, phương hại xã hội và nhân loại. Họ chỉ là những hung thần tăm tối, những pho tượng làm bằng đất mót từ bùn, không nung đủ lửa sạch khí phách, nên dễ vỡ, dễ đổ.
Ngược lại, người trí thức chân chính sẽ dùng sức mọn để lọc nhơ bẩn ra tinh khiết, loại bỏ hà tì, nguy nan để hướng về lẽ sống trân trọng con người. Và tuy chỉ là những dấu ấn có thể bị xoá bỏ bất kỳ lúc nào, người trí thức chân chính vẫn có thể cùng lúc soi sáng những mục tiêu, những lộ trình cởi mở, thân thiện, hữu ích. Vì quyết tâm sống còn. Vì quyền lợi chung, vì tương lai chung của một dân tộc.
Người trí thức năm xưa, dù ngày nay là những con chim Việt Điểu gẫy cánh, nếu còn ý thức lột xác, gạt bỏ sai lầm, tháo gỡ mặc cảm phù phiếm, sẽ đủ cơ hội truyền hơi tiếp sức thân thiện tới tấm lòng non nớt, trong sáng của các thế hệ đến sau. Như thế cũng đã hoàn tất sứ mạng tự trọng khi vượt thắng lấy chính mình.
Không may, vẫn còn những ngoại lệ như trường hợp sinh viên du học nào sắp hoàn tất bằng tiến sĩ ngành wireless technology tại University of Southern California (USC) lại thổ lộ: “Cháu chỉ có 5 năm thật trong sạch khi về nước, sau đó vào trong guồng máy thì ai sao tôi vậy khi có gánh nặng gia đình”.
Phải chăng hệ luỵ gia đình và guồng máy xã hội-chính trị tại Việt Nam ngày nay vẫn là những khối nặng cục mịch đè nén đến độ nghiến nát nhân cách con người, dù có cơ hội “trau dồi kiến thức…trong sạch”? Chỉ tiếc là để tái diễn cái nghiệp truyền kiếp “ai sao tôi vậy” thì cần gì phải dấn thân ra nước ngoài tu luyện khổ nhọc bằng này, cấp nọ. Trường hợp tương tự “ai sao tôi vậy”, tụ nghiệp ngay trong nước đôi khi còn hữu hiệu, nhanh chóng hơn nhiều.
Thật ra, đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình khốn đốn, hay vin cớ xã hội suy thoái, guồng máy tệ đoan, chỉ là những cái cớ để người trí thức chân chính trốn tránh trách nhiệm với chính bản thân. Vì gia đình hay xã hội, và cả guồng máy công quyền cũng do con người tạo ra, tốt hay sấu. Và chính con người — thành viên gia đình, xã hội, chính trị, tôn giáo, trí thức — cố tình hay mặc nhiên, trực tiếp hay a tòng huỷ hoại từng giá trị căn bản.
Đã tới kỳ hạn giới trí thức ngưng đổ lỗi này-nọ và nhận lấy trách nhiệm của chính mình.
Được như vậy, chả mấy lúc bầy Việt Điểu Trẻ sẽ mọc cánh trở lại…
Tiễn Sĩ Lưu Nguyễn Đạt

No comments:

Post a Comment