Thursday, August 31, 2017

“…Dường như trong tự điển cuộc đời của bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến không hề có hai chữ ‘xấu hổ’?…”

Người Dân Tự Quyết

Trong bài “Văn hóa ‘nhận trách nhiệm và xin từ chức’, tác giả Ngô Khôn Trí (Exryu Canada) có viết :
“Văn hóa ‘nhận trách nhiệm và xin từ chức’ là một văn hóa dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo khi nhận thấy khuyết điểm, lỗi lầm của mình và khi nhận thấy mình không còn xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ được giao phó.”

Và trong thực tế lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới đã có văn hóa “nhận trách nhiệm và xin từ chức” mỗi khi có những sai phạm, tổn hại xảy ra trong hệ thống mình đang có trách nhiệm quản lý, cho dù họ hoàn toàn không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả.
“Tại Bỉ, ngày 22/3/2016 tại sân bay ở Brussels, Bỉ đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết làm 16 người thiệt mạng. Nguyên nhân là do sự thiếu sót nghiêm trọng trong các khâu giám sát, soi chiếu hành lý và nhiều khâu kiểm soát an ninh khác. Nếu lập luận như bà Bộ Trưởng Y tế của Việt Nam, bà Bộ trưởng giao thông Bỉ có thể nói “ Ơ hay, nhiều sân bay quá, nhiều cửa hải quan quá, làm sao tôi quản lý cho xuể …”, thì bà đã nhận không phải nhận trách nhiệm là đã tắc trách trước các nguy cơ an ninh quốc gia và xin từ chức.”
Nếu học cách trốn chạy trách nhiệm của bộ trưởng Y tế của Việt Nam, vị huấn luyện viên Leonid Slutski của đội tuyển bóng đá Nga cũng đã dõng dạc nói rằng : “ Điều khiển trận đấu trong sân là do các cầu thủ, thắng thua là do họ, tôi làm sao mà can thiệp được ?” Thế nhưng, vào ngày 21/6/2016, ông đã xin từ chức sau thất bại 0-3 trước xứ Wales trong giải bóng đá Euro 2016.
Nếu như có thể nói được như bà Bộ Trưởng Y tế của Việt Nam rằng : “ Tôi không có thẩm quyền trong việc thay đổi thiết kế mới và chi phí xây dựng quá cao hơn dự định thì việc chậm xây sân vận động cho Olympic Tokyo 2020 làm sao thuộc trách nhiệm của tôi được ?”, thì hẳn rằng vị Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Hakubun Shimomura của Nhật Bản đã không từ chức.
Đơn cử vài ví dụ như thế cho thấy trong một xã hội hiện đại thì không thể thiếu văn hóa “nhận trách nhiệm và từ chức” . Vì đó là một trong những điều kiện để xây dựng một đất nước hưng thịnh, một dân tộc có tự do và dân chủ.
Vậy thì vì sao tại Việt Nam văn hóa “nhận trách nhiệm và từ chức” lại trở nên quá xa lạ trong tư duy và hành động của những người lãnh đạo ?
Trong cuộc họp Quốc Hội vào năm 2012, đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc đã có câu hỏi với Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng:
“Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”
Vị Cựu Thủ Tướng đã trả lời: “ Đảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi… Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng, Quốc Hội bỏ phiếu bầu thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc Hội” .
Vậy là rõ rồi nhé, chỉ khi nào Đảng không còn tín nhiệm thì các vị lãnh đạo mới thôi “tiếp tục làm nhiệm vụ”, bằng không, cứ “bình chân như vại” mặc cho dân kêu than hay mất tin tưởng.
Như thế cũng để hiểu vì sao trước sự phẩn nộ của dư luận xã hội, bà Bộ Trưởng vẫn tựa như “người ngoài hành tinh” với những vụ giết người hàng loạt do công ty VN Pharma gây ra trong hệ thống quản lý của mình. Là một công ty dược nhỏ theo nhận định của bà Bộ Trưởng nhưng hiệu quả làm ăn của nó là rất to: Trúng thầu cung cấp thuốc tại nhiều bệnh viện trung ương và địa phương với hơn 476 tỉ đồng trong năm 2014. Thế mà Bộ Trưởng Y tế vẫn ung dung nói rằng mình không nghe, không biết, không thấy và không nhận ra điều gì khác lạ về “hiện tượng Pharma”.
Bà Bộ Trưởng Y tế một mực khăng khăng rằng: “Tôi làm gì sai tôi chịu trách nhiệm” và phản bác tin đồn bà từ chức. Nhưng xin thưa rằng, cho dù bà không làm gì sai (?) đi nữa thì nếu là một lãnh đạo có “phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh”, “khi nhận thấy mình không còn xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ được giao phó” bà cũng nên xin từ chức. Làm bộ Trưởng Y tế mà công ty dược bán hơn 9000 hộp thuốc giả, các bác sĩ nhận 7,5 tỉ đồng hoa hồng để kê toa thuốc giả, gây thiệt hại về tính mạng cũng như tiền bạc của biết bao người dân mà còn cho rằng mình vẫn còn xứng đáng đảm nhận nhiệm vụ được giao phó chỉ vì mình không làm gì sai? Dường như trong tự điển cuộc đời của bà Bộ Trưởng Y tế không hề có hai chữ “ Xấu hổ” ?
Mà thật ra xưa nay trong hàng ngũ lãnh đạo của nước CNXHCNVN cũng chưa có tiền lệ “nhận trách nhiệm và từ chức”, do vậy, cách trả lời một cách vô trách nhiệm trước người dân của bà Bộ Trưởng Y tế về vụ án thuốc giả của công ty VN Pharma cũng là chuyện “bình thường”, tựa như “thuốc ung thư giả là bình thường” theo như phát biểu của nguyên giám đốc công ty VN Pharma vậy.
Cuối cùng, từ lâu rồi, sự cam chịu và chấp nhận của người dân trước những điều “bình thường” trên cũng đã trở thành “bình thường” mất rồi ! Duy chỉ đây mới là điều Không Bình Thường của một dân tộc mà thôi.Người dân tự quyết
Điền Phương Thảo

No comments:

Post a Comment