Thursday, August 17, 2017

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang?

Bình Luân

Vụ Trịnh Xuân Thanh, người từng đào thoát khỏi Việt Nam một cách bí ẩn hồi tháng Chín năm ngoái, đột nhiên biến khỏi Berlin (nơi anh ta tá túc lâu nay) vào ngày 23/7 trước khi ra “đầu thú” tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ngày 31/7 đang khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Mặc dù giới chức Việt Nam cho rằng Trịnh Xuân Thanh đã “tự nguyện” về Việt Nam “đầu thú”, song hầu hết mọi người vẫn tin vào những gì mà Bộ Ngoại giao Đức đưa ra, theo đó tình báo Việt Nam đã thực hiện một vụ bắt cóc theo kiểu luật rừng ngay tại Berlin. Và một khi Ngoại trưởng Đức đã lên tiếng về vụ việc, cho biết Berlin đang xem xét những biện pháp đối với Hà Nội về vụ bắt cóc này thì người ta hiểu rằng đây là một vụ khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.
Đức là quốc gia đầu tàu của Liên minh Châu Âu (EU) và là một cường quốc trên thế giới. Vì vậy, vụ khủng hoảng ngoại này không đơn giản là chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương Việt – Đức, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Việt Nam với EU cũng như giữa Việt Nam với phương Tây. Quả thực, đây là một dịp hiếm có khi hầu như tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế lớn, từ BBC, CNN cho đến Washington Post… đều đồng loạt đưa tin về một vụ việc liên quan đến Việt Nam.
Trong hệ thống phẩm trật ở Việt Nam, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh là một quan chức bình thường, hay phỏng theo lối nói thịnh hành trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập Cận Bình phát động ở Trung Quốc thì anh ta chỉ là một quan chức “hạng ruồi”. Dĩ nhiên, việc xử lý một quan chức “hạng ruồi” không phải là đích đến cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt cho bằng được.
Không ít người cho rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng quyết tâm bắt Trịnh Xuân Thanh là để “xử” cựu Bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng hoặc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Từ sau Đại hội XII cho đến nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Đinh Thế Huynh thì vừa mới được thông báo là đang trong thời gian “điều trị bệnh” và vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thay thế từ ngày 1/8. Sau suốt 3 tháng im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nay lại được thông báo là đang chữa bệnh và chiếc ghế của mình thì đã được (tạm) giao cho người khác, cơ hội của ông Đinh Thế Huynh xem ra chỉ còn trên lý thuyết.
Sự biến mất bí ẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến ông Trần Đại Quang càng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng Bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng “băn khoăn” trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này.
Xem ra công chúng bây giờ quan tâm đến số phận của ông Trần Đại Quang còn hơn cả “diễn viên chính” Trịnh Xuân Thanh. Đơn giản, những gì liên quan đến số phận chính trị của nhân vật “dưới một người và trên muôn người” này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình đất nước. Và sau đây là những kịch bản khả dĩ về số phận của ngài Chủ tịch nước trong một vụ việc mà dư luận cả trong nước lẫn quốc tế đang chăm chú dõi theo:
Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, đặc biệt là trước viễn cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam vĩnh viễn không được thông qua, cộng với sự chống đối, phản kích của phe nhóm Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang kể từ sau vụ bắt cóc ngày 23/7 đến nay sẽ bị xoá bỏ. Ông Trần Đại Quang qua đó sẽ “thoát hiểm”, không chỉ ung dung trở lại mà còn tỏ ra “lợi hại hơn xưa”, bởi giờ đây ông ta không còn phải e dè với kẻ thù công khai của mình nữa. Việc ông ta tiếp quản chiếc ghế TBT coi như chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Ông Trần Đại Quang đầu hàng Bắc Kinh và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh.
Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một “ông phỗng” và “ngồi chơi xơi nước” trên chiếc ghế Chủ tịch nước để “giữ bình” (tránh đổ vỡ trong hệ thống).
Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Chúng ta hãy chờ xem kịch bản nào sẽ xảy ra trong thực tế, bởi lúc này xem ra hãy còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.
Lê Anh Hùng

No comments:

Post a Comment