Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ SỐ LƯỢNG NHÀ VĂN BỊ CẦM TÙ Ở VN ĐỨNG THỨ 3 TRÊN THẾ GIỚI
Tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) xếp Việt Nam đứng thứ 3
trên thế giới về số nhà văn bị cầm tù trong năm 2023, tăng thêm 3 bậc so với
năm trước, cho thấy tình trạng bắt bớ những người cầm bút ngày càng nghiêm
trọng hơn.
Trong báo cáo chỉ số tự do viết lách năm 2023, công bố vào ngày
1/5, PEN America nói Việt Nam hiện đang giam giữ 19 nhà văn trong khi 30 người
khác đang bị đe doạ.
Trong số những người đang bị cầm tù được liệt kê có nhà
báo, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang, hai blogger của đài Á châu
Tự do là Trương Duy Nhất và Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức
và ông Đường Văn Thái…
Báo cáo viết rõ là Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong chỉ số, với 19
nhà văn bị cầm tù, trong khi bạo quyền VN ngày càng siết chặt quyền tự do ngôn
luận vào năm 2023. Báo cáo cũng chỉ trích việc bạo quyền Hà Nội xử dụng các
điều luật mang tính cách mơ hồ như điều 117 tuyên truyền chống phá chế độ, hay
điều 331 lợi dụng quyền tự do dân chủ, để bỏ tù hàng loạt người bất đồng chính
kiến.
Báo cáo cho biết thêm là các trang mạng xã hội như Facebook
và YouTube là một số không gian còn lại mà người dân Việt Nam có thể thảo luận
và bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến. Tuy nhiên những không gian này cũng
ngày càng bị bạo quyền Việt Nam kiểm duyệt gắt gao.
2/ ÔNG VƯƠNG ĐÌNH
HUỆ CHÍNH THỨC MẤT CHỨC CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Sau khi
ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm chức chủ tịch quốc hội vào hôm qua 2/5, phó chủ
tịch thường trực Trần Thanh Mẫn đã lên thay thế chức vụ này.
Ông Trần Thanh Mẫn, một ủy viên bộ chính
trị, sẽ điều hành hoạt động của quốc hội Việt Nam. Việc giao ghế cho ông Mẫn diễn ra ngay sau khi
quốc hội tước chức chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và chiếc ghế đại biểu quốc
hội của ông này.
Theo lý lịch thì ông Trần Thanh Mẫn 62
tuổi, quê quán ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế và cử nhân chính trị. Ông là ủy
viên trung ương đảng, từng nắm ghế bí thư trung ương đảng và trở thành ủy viên bộ
chính trị khóa này.
Ông Trần Thanh Mẫn từng có thời gian dài
làm việc ở đoàn Thanh niên tại các tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ. Từ năm 2008, ông
làm phó bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố Cần Thơ. Đến năm 2011, ông Mẫn
nắm ghế bí thư thành ủy Cần Thơ, trước khi giữ chức phó chủ tịch cái gọi là Mặt
trận Tổ quốc VN.
Tháng 7 năm 2021, ông tiếp tục được bầu
giữ chức phó chủ tịch quốc hội và tiếp tục đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch
thường trực quốc hội khóa này. Cũng ở năm này, ông Mẫn được bầu vào bộ chính
trị.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czkvpedx2kdo
3/ CÁ CHẾT HÀNG LOẠT Ở HỒ SÔNG MÂY TỈNH ĐỒNG NAI
Vào ngày 1/5 vừa qua, người dân cho biết là hàng trăm ngàn con cá đã chết
trong một hồ nước ở tỉnh Đồng Nai sau những đợt nắng nóng cực kỳ khắc nghiệt.
Giống như phần lớn khu vực Đông Nam Á, nơi lượng điện xử
dụng trong thời gian gần đây đã tăng vọt và các trường học buộc phải đóng cửa
sớm, miền nam và miền trung Việt Nam đang bị thiêu đốt bởi thời tiết nắng nóng
khủng khiếp.
Một người dân ở huyện Trảng Bom cho biết là toàn bộ cá ở hồ Sông Mây
đều chết vì thiếu nước và cuộc sống của người dân bị xáo trộn từ 10 ngày qua vì
mùi hôi thối. Theo ghi nhận của giới báo chí, khu vực này đã không
có mưa trong suốt nhiều tuần qua và nước trong hồ Sông Mây quá cạn để
các sinh vật có thể sống sót.
Ban quản trị hồ Sông Mây trước đây đã xả nước để cố gắng cứu
các cây trồng ở hạ lưu, sau đó tìm cách cải tạo hồ nước bằng cách đưa máy bơm
vào để hút bùn ra ngoài cho cá có nhiều không gian và nước hơn. Tuy
nhiên, những nỗ lực này đã không thành công và cá đã chết ngay lập tức. Theo
báo chí địa phương, có thể đã có tới 200 tấn cá chết.
Hồ Sông Mây là nguồn cung cấp nước tưới cho cây trồng ở
huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Giới chức trách đang điều tra vụ này
và nhanh chóng trục vớt cá chết ra khỏi hồ.
4/ MỸ TỐ CÁO NGA XỬ DỤNG HÓA CHẤT BỊ CẤM ĐỂ TẤN CÔNG
QUÂN UKRAINE
Vào hôm qua 1/5, Hoa Kỳ đã lên tiếng tố cáo Nga đã xử
dụng hóa chất Chloropicrine, vốn đã bị cấm xử dụng trong các cuộc xung đột, để
tấn công lực lượng Ukraine.
Theo báo cáo do bộ ngoại giao Mỹ công bố, Nga không chỉ xử
dụng hóa chất bị cấm trong chiến tranh Ukraine, mà còn xử dụng các hóa chất chống bạo
động khác và như vậy là « vi phạm Công ước cấm vũ khí hóa học.
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết thêm là việc xử dụng những hóa
chất nói trên không phải là một biến cố cá biệt mà rất có thể là được thúc đẩy bởi
mong muốn của quân Nga nhằm đánh bật lực lượng Ukraine khỏi các công sự và nhằm
đạt được những bước tiến chiến thuật trên chiến trường.
Cần biết chất hóa học Chloropicrine là một loại hóa chất
rất độc, thường có trong thuốc trừ sâu diệt cỏ, việc hít phải chất này sẽ gây
nguy hiểm cho sức khỏe con người. Vào thời đệ nhất thế chiến, Chloropicrine đã
từng được xử dụng trong các trận đánh khiến đối phương ngạt thở, nhưng nay đã
bị cấm xử dụng trong các cuộc xung đột, theo công ước Cấm Vũ khí Hóa học.
Vào hôm qua, điện Kremlin đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc nói
trên của bộ ngoại giao Mỹ.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Nga bị tình nghi xử
dụng các chất hóa học trong chiến tranh Ukraine. Báo Pháp Le Figaro nhắc lại
binh sĩ Ukraine đã nhiều lần báo cáo về tác động từ “các chất bí ẩn”. Trong
thông cáo vào cuối tháng 12 năm ngoái, bộ tổng tham mưu Ukraine thống kê là Nga
đã thực hiện 81 vụ tấn công hóa học.
Về phía Nga, vào
tháng 2 vừa qua, Moscow cũng cáo buộc Ukraine dùng máy bay không người lái mang
theo các hóa chất độc hại, trong đó có Chloropicrine, để tấn công vào vị trí của
quân đội Nga ở vùng Zaporijjia.
No comments:
Post a Comment