Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương
1.VĂN BÚT MỸ TRAO GIẢI TỰ DO SÁNG TÁC CHO TNLT PHẠM ĐOAN TRANG
Tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America) hôm 16/5 đã trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Tổ chức này gọi bà Trang là “nhà văn, nhà hoạt động tiêu biểu trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác ở Việt Nam”.
Ông Dinaw Mengestu, tiểu thuyết gia và nhà văn người Mỹ gốc Ethiopia, đồng thời là phó chủ tịch Văn Bút Mỹ, đã trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 cho hai đại diện của bà Trang là luật sư Đặng Đình Mạnh và bà Trần Quỳnh Vi - một người bạn và là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV).
Giải thưởng của Văn Bút Mỹ ra đời vào năm 2016, đặt theo tên của ông Peter Barbey, giám đốc điều hành của nhà xuất bản Reading Eagle, có trụ sở ở bang Pennsylvania, Mỹ. Giải thưởng này được thiết kế để hàng năm vinh danh một nhà văn bị bỏ tù vì các tác phẩm của mình.
Phạm Đoan Trang (46 tuổi) hiện đang thụ án 9 năm tù giam trong nhà tù An Phước, Bình Dương, Việt Nam vì các hoạt động cho nhân quyền, dân chủ.
2.TƯỚNG CÔNG AN TÔ LÂM SẼ LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC
Hội nghị Trung ương 9 khoá 13 nhằm sắp xếp nhân sự lãnh đạo đã bế mạc hôm 18/5.
Truyền thông lề đảng đưa tin, Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an để Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, việc “giới thiệu” chỉ là hình thức. Trên thực tế, Tô Lâm đã cầm chắc chế ghế Chủ tịch nước sau hàng loạt vụ thanh trừng do ông này thực hiện.
Đại tướng Tô Lâm (67 tuổi), quê huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Lâm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị, đáng chú ý nhất là chức Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 8/2010. Tháng 4/2016, Lâm lên làm Bộ trưởng công an. Đầu năm 2019, Lâm được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thăng quân hàm lên đại tướng.
Ông Tô Lâm hiện là Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban.
Ông Trần Thanh Mẫn 62 tuổi, quê huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; tiến sĩ Kinh tế. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng ba khóa 11-13, Bí thư Trung ương Đảng khóa 12, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, đại biểu Quốc hội ba khóa 13-15.
Từ tháng 4/2021, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Ngày 2/5, ông Mẫn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sau khi Quốc hội miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ.
3.NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN TIẾN TRUNG ĐIỀU TRẦN NHÂN QUYỀN TẠI GENEVA
Hôm 14/5, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, người đang tị nạn chính trị tại Đức vừa có cuộc điều trần trong một Hội nghị nhân quyền quốc tế được tổ chức ở Geneva, Thụy Sỹ. Đây là một trong các diễn đàn bên lề Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Geneva.
Ông Trung nói: “Trong nhiều thập kỷ, chính quyền đã làm mọi thứ có thể để đè bẹp phe chính trị đối lập. Họ rình rập, quấy rối, bỏ tù và tra tấn bất cứ ai dám phản đối, họ tỏ ra ít quan tâm đến nhân quyền”.
Diễn đàn Geneva Summit là nơi các nhà hoạt động và cựu tù nhân chính trị điều trần công cuộc đấu tranh cá nhân của họ cho dân chủ và tự do, đồng thời xây dựng một cộng đồng quốc tế để chống lại các chế độ độc tài.
Hôm 15/5, tại Hội nghị Thượng đỉnh Geneva vì Nhân quyền và Dân chủ, được tường thuật trực tiếp, ông Trung phát biểu: “Hai thập niên đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ của tôi đã phải trả giá đắt. An ninh mặc thường phục canh gác nhà tôi vào ban ngày và đột kích vào ban đêm. Họ đe dọa người chủ doanh nghiệp nên không ai dám thuê tuyển tôi. Họ muốn cô lập tôi về mặt kinh tế lẫn xã hội”. Hội nghị Thượng đỉnh Gevena năm nay, tập hợp của 25 tổ chức nhân quyền quốc tế, được tổ chức song song với các phiên họp chính thức thường niên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Phiên họp này là nơi các bộ trưởng ngoại giao tập trung tại Geneva để đưa các vấn đề quan trọng vào chương trình nghị sự quốc tế.
Sau chuyến đi Thuỵ Sĩ, ông Trung chia sẻ với Đáp Lời Sông Núi rằng: “Thông điệp chính trong bài diễn văn của tôi, ngoài việc kể lại câu chuyện của mình, là kêu gọi phong trào dân chủ các nước liên kết lại để hỗ trợ nhau, cũng như các nước dân chủ cần hỗ trợ các phong trào dân chủ một cách thực chất hơn, vì các chế độ độc tài đang liên kết lại với nhau chặt chẽ để tìm cách xé bỏ luật lệ quốc tế.”
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983, là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng từ khá sớm, khoảng hai mươi năm trước. Trung từng tham gia Đảng Dân Chủ Việt Nam của cố giáo sư Hoàng Minh Chính. Năm 2009, Nguyễn Tiến Trung bị bắt và sau đó bị kết án cùng các nhà hoạt động khác như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long.
Ra tù, ông Trung vẫn
tiếp tục tham gia các hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Ông buộc
phải đi tị nạn chính trị vào năm ngoái 2023 sau khi bị công an CSVN truy bức.
4.PUTIN HOÃN CHUYẾN THĂM VIỆT NAM DO CÁC “XÁO TRỘN CHÍNH TRỊ”
Đã có nhiều đồn đoán về việc ông Putin tới Việt Nam sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Hoa hôm 17/5/2024. Tuy nhiên, chuyến thăm đã không diễn ra và “những xáo trộn chính trị” trong nội bộ đảng cầm quyền được xem là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định trên.
Cần nhắc lại, hôm 26/3, ông Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin sang thăm và Tổng thống Nga đã nhận lời nhưng “ngày giờ chuyến thăm chưa được ấn định”.
Trên thực tế, sẽ không ai có chức vụ tương đương để tiếp đón Putin nếu ông này đến Hà Nội theo diện thăm viếng cấp nhà nước.
Tháng trước, chuyến thăm của vua và hoàng hậu Hòa Lan đã bị Việt Nam đơn phương hủy bỏ với lý do “nội bộ”, và ít ngày sau đó Võ Văn Thưởng bị phế truất.
Cho đến khi Việt Nam sắp xếp xong các vị trí chủ chốt, sẽ không có cuộc viếng thăm nào cấp nhà nước được diễn ra.
No comments:
Post a Comment