Thursday, May 30, 2024

Vì sao không ai ngồi lâu được ở ghế chủ tịch nước?

Bình Luận

Sự kiện cựu bộ trưởng công an Tô Lâm đăng quang chức chủ tịch nước, một mặt nói lên bản chất công an trị của chế độ CSVN, nhưng mặt khác cũng cho thấy Tô Lâm bị các đối thủ chính trị “đá lên lầu” vào một chức vụ hữu danh vô thực, chờ ngày bị xử theo luật cung đình.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trần Quốc Kim/ Dân Làm Báo với tựa đề: “Vì sao không ai ngồi lâu được ở ghế chủ tịch nước? sẽ được Miên Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trần Quốc Kim/ Dân Làm Báo 

40 năm sau khi Cộng hòa XHCN Việt Nam trình làng, từ 2016 tới nay, việc thay chủ tịch nước diễn ra như “thay áo.”

Trần Đại Quang, chủ tịch nước thứ tám – chỉ tại nhiệm hai năm 172 ngày rồi đột tử. Bà Ngọc Thịnh làm quyền chủ tịch nước chỉ 43 ngày và được thay thế bởi ông Trọng. Tuy nhiên ông Trọng, chủ tịch nước thứ chín chỉ tại nhiệm hai năm 164 ngày rồi thôi.

Thời gian tại nhiệm của Nguyễn Xuân Phúc, người thứ mười – còn ngắn hơn (chỉ một năm 288 ngày). Giống như bà Thịnh, khi đảm nhiệm vai trò quyền chủ tịch nước, bà Ánh Xuân chỉ tại vị 43 ngày.

Thời gian tại vị của Võ Văn Thưởng, người thứ 11 – còn ngắn hơn nữa (một năm 18 ngày) nên bà Xuân mới bị đẩy ra “thế thân” lần hai. Chẳng ai dám chắc sau khi Việt Nam có chủ tịch nước thứ 12, bà Xuân có bị đẩy đến chỗ phải “thế thân” lần ba hay không!

Ai cũng thấy nhà cầm quyền Việt Nam phải đổi chủ tịch nước xoành xoạch bởi “dường như” các chủ tịch nước đã bảo kê cho một số doanh nghiệp thuộc loại thân hữu. Nếu Trần Đại Quang không đột tử, có lẽ Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” vẫn còn “chọc trời, khuấy nước”.

Việc điều tra – xét xử hàng loạt vụ án liên quan tới Phan Văn Anh Vũ cho thấy, may mà chủ tịch nước thứ tám đột tử chứ không thì ít nhất ông cũng phải “từ chức” như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng.

Dẫu nguyên nhân dẫn đến việc Phúc, Thưởng “tự nguyện” xin “thôi giữ tất cả các chức vụ trong đảng và chính quyền” không được thông báo cụ thể nhưng việc họ “tự nguyện” thoái lui đã xác nhận tất cả “tin đồn” về việc họ đỡ cả… đầu lẫn… đuôi cho một số doanh nghiệp, khiến những doanh nghiệp này lớn nhanh như thổi là hoàn toàn chính xác. Đó cũng là lý do không thể đoan chắc chính trị sẽ “ổn định”.

Khác với Quang, Phúc và Thưởng trở thành chủ tịch nước giữa làn sóng về “tin đồn”, sau đó “sự nghiệp chính trị” mới tan tành, phải tự kết liệu “sinh mạng chính trị” vì “dường như” tin đồn hoàn toàn chính xác – ít nhất có một “tin chính thức” về trách nhiệm của ông Tô Lâm trong việc thổi doanh nghiệp thành “Thánh Gióng” nhưng ông vẫn được đảng khóa 13 “thống nhất rất cao” để giới thiệu làm chủ tịch nước thứ 12.

Năm 2018, theo đề nghị của Thanh tra chính phủ, Bộ Công an Việt Nam khởi tố vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra khi Mobifone (một doanh nghiệp nhà nước) mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị).

Thương vụ ấy trở thành “đại án” vì giá trị 95% cổ phần của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ nhưng được thổi lên thành… 8.900 tỉ, khiến công quỹ thiệt hại khoảng… 7.000 tỉ đồng. Vụ án vừa đề cập có nhiều điểm ly kỳ, chẳng hạn, hai năm sau khi thương vụ hoàn tất, AVG đột nhiên “tự nguyện” hoàn trả 8.900 tỉ đồng đã nhận của Mobifone.

Chẳng hạn Thanh tra chính phủ chỉ công bố Kết luận thanh tra sau khi hai bên (Mobifone và AVG) hoàn tất việc hủy “thỏa thuận chuyện nhượng cổ phần” một… ngày, nhờ vậy, Vũ người “đưa hối lộ” chỉ bị phạt ba năm tù, còn Nguyễn Bắc Son (cựu bộ trưởng Thông tin Truyền thông) bị phạt tù chung thân, Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị phạt 23 năm tù), ông Trương Minh Tuấn (bộ trưởng Thông tin Truyền thông) bị phạt 14 năm tù.

Song đáng chú ý nhất là Mobifone không thể trả hớ cho AVG khoản tiền lên tới… 7.000 tỉ đồng nếu như Bộ Công an không nhân danh “an ninh quốc gia”, khuyến cáo Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, chỉ đạo các bên có liên quan và báo chí xếp thương vụ này vào loại “mật” để cấm thông tin và bình luận.

Thậm chí Bộ Công an còn khẳng định, khoản tiền 8.900 tỉ đồng mà Mobifone bỏ ra để mua 95% cổ phần của AVG là… “thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá”, bởi vậy, bất chấp đơn tố cáo bay như bươm bướm đến các cá nhân, cơ quan hữu trách, thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vẫn hoàn tất.

Cũng vì vậy, Thanh tra chính phủ xác định, ba công văn của Bộ Công an “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định” và đề nghị “thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản.”

Cả ba công văn mà Thanh tra chính phủ đề cập đều do Tô Lâm – khi ấy là thứ trưởng Công an ký. Nếu chịu khó tham khảo hồ sơ vụ này thì sẽ thấy Tô Lâm “hết sức nhiệt tình” trong việc thúc đẩy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG sớm hoàn tất.

Vậy thì liệu chủ tịch nước thứ 12 có tiếp tục “bình an vô sự” hay sẽ phải ngậm ngùi giã biệt chính trường như những người tiền nhiệm?

No comments:

Post a Comment