Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1.HAI DÂN BIỂU HOA KỲ RA NGHỊ QUYẾT LÊN ÁN VIỆT NAM VI PHẠM NHÂN QUYỀN
Một nghị quyết mang tên “Lên án đảng cộng sản Việt Nam (VCP) bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo, và những tiếng nói đối lập tại Việt Nam” vừa được đưa ra vào ngày Nhân quyền Việt Nam 11 tháng 5 bởi hai Dân biểu Hoa Kỳ là bà Michelle Steel và ông Lou Correa. Hai Dân biểu này cũng là đồng chủ tịch Ủy ban Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo Nghị quyết, Việt Nam đang cầm tù ít nhất 170 người bởi các lý do chính trị, tôn giáo và thực thi quyền tự do biểu đạt.
Nghị quyết lên án Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền.
Hai dân biểu nói trên đề nghị Chính phủ của Tổng thống Biden hỗ trợ cho những sáng kiến giúp những người sống còn qua tra tấn và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Bà Michelle Steel nói: “Hoa Kỳ phải kiên quyết nỗ lực gây áp lực lên Đảng Cộng sản Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền. Đó là lý do tại sao tôi tự hào được tham gia cùng với Dân biểu Correa trong nỗ lực buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm và sát cánh cùng những công dân Việt Nam vô tội và người thân của họ ở Hoa Kỳ”.
Nghị quyết này cũng tố cáo Việt Nam ngược đãi các tù nhân lương tâm đồng thời kêu gọi chế độ độc tài này trả tự do vô điều kiện cho những nhà hoạt động đang bị giam cầm.
2.VIỆT NAM BÁC BỎ BÁO CÁO CỦA USCIRF
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ báo cáo thường niên năm 2024 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao nói trước báo giới hôm 9/5 rằng: “Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo của USCIRF”.
USCIRF, cơ quan độc lập giám sát các hoạt động tự do tôn giáo quốc tế do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập, nhận định tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam năm 2023 “không có gì thay đổi” so với năm 2022.
Theo luật của Hoa Kỳ, một quốc gia bị xếp vào danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) trong một thời gian nhất định mà không có sự cải thiện sẽ bị đưa vào CPC, đồng nghĩa với việc các quan chức chính quyền có hành vi vi phạm tự do tôn giáo sẽ bị Washington chế tài và trừng phạt.
3.HRW TỐ VIỆT NAM GIAN DỐI KHI ĐƯA TIN VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nói Việt Nam đã đưa ra “các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm” cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác hầu mong đạt được quy chế kinh tế thị trường để được hưởng các ưu đãi thương mại.
Phiên điều trần hôm 8/5 do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức nhằm duyệt xét và quyết định sẽ được đưa ra vào ngày 6 tháng 7 tới.
HRW khẳng định Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về quyền lao động cần thiết để được xem là nền kinh tế thị trường và cho biết sẽ là sai lầm khi nói rằng người lao động Việt Nam có thể tổ chức được công đoàn hoặc tiền lương của họ là nhờ vào thương lượng tự do.
Ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu của HRW nói trong một tuyên bố. “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình”.
Ông cũng dùng các cụm từ như “tuyên bố sai lệch trắng trợn”, “ngôn từ và lời hứa sáo rỗng” để mô tả về các báo cáo của phía Việt Nam.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng phía Việt Nam “nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường” và nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam “còn làm tốt hơn” so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.
4.LIÊN HIỆP QUỐC ỦNG HỘ NỖ LỰC GIA NHẬP CỦA PALESTINE
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu đã công nhận Palestine đủ điều kiện để gia nhập tổ chức lớn nhất hành tinh này với tỉ lệ áp đảo. Đại Hội đồng cũng đưa ra đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ “xét lại vấn đề một cách thuận lợi.”
Đại hội đồng thông qua một nghị quyết với 143 quyết thuận và chín biểu quyết chống - bao gồm Mỹ và Israel - trong khi 25 quốc gia không biểu quyết. Nó không trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của LHQ mà chỉ công nhận họ có đủ điều kiện để gia nhập.
Palestine vận động để trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc diễn ra bảy tháng sau chiến tranh nổ ra giữa Israel và các phần tử chủ chiến người Palestine Hamas ở Dải Gaza.
Nghị quyết của Đại hội đồng được thông qua hôm thứ Sáu sẽ trao cho Palestine một số quyền và đặc quyền bổ sung từ tháng 9 năm 2024 - như một ghế trong số các thành viên LHQ trong hội trường - nhưng họ sẽ không được quyền biểu quyết trong cơ quan này.
Palestine hiện là một quốc gia quan sát viên phi thành viên.
No comments:
Post a Comment