Thursday, May 9, 2024

Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Bình Luận

Dân Việt cả 2 miền nam bắc đã hòa giải với nhau từ lâu. Chỉ còn đảng CSVN là còn nuôi dưỡng hận thù. Chính vì thế dân Việt từ nam chí bắc cần nắm tay nhau, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, lật đổ CSVN.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích từ báo Người Việt với tựa đề: “Không cần hòa giải, cần đấu tranh! sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay. 

Hiếu Chân/Người Việt 

Đã 49 năm ngày miền Nam thất thủ, chẳng mấy chốc là tròn nửa thế kỷ. Cũng như nhiều người Việt Nam khác, người viết mấy hôm rồi tâm trạng nặng nề, không yên, không viết được chữ nào dù vẫn ngồi đồng suốt ngày trước màn hình máy tính.

Sáng 30 Tháng Tư thấy “vài dòng viết vội” trên Facebook của ông bạn ở Georgia, một cựu binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), bỗng gợi lên nhiều suy nghĩ. Ông bạn viết: “Cũng đã 49 năm rồi, những người thuộc bên thua cuộc có thật sự cần hòa giải, hòa hợp chi nữa không? Điều đó có còn quan trọng với họ không? Tôi nghĩ rằng không. Thế hệ đó nay đã già nua, đã đi xa yên phận, hoặc sắp xuống lỗ cả rồi. Đất nước, xứ sở đó không còn thuộc trách nhiệm của họ nữa. Dân tộc đó, vinh quang hay lụn bại hoàn toàn là trách nhiệm của những người bên thắng cuộc, họ chịu trách nhiệm với lịch sử về điều này. Đã sau 49 năm, chuyện hòa giải, hòa hợp trở thành vô nghĩa.” 

Thời gian là liều thuốc chữa lành nhiều nhiều vết thương. Nếu như trước đây, nói “hòa hợp hòa giải” người ta thường nghĩ tới chuyện xóa bỏ hận thù giữa người thắng và kẻ thua, giữa miền Bắc với miền Nam, giữa quốc gia và cộng sản… thì sau 49 năm, điều đó đã thay đổi. 

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280,000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.” 

Trong mỗi cộng đồng dân cư, nhất là ở các đô thị như Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… khó phân biệt ai là người Nam, ai là người Bắc sau nửa thế kỷ hòa trộn. Đây đó rải rác vẫn có những sự chia rẽ, kỳ thị giữa các vùng miền, từ giọng nói đến lối sống, thói quen ăn uống… nhưng tình trạng thù nghịch đã không gay gắt nữa như xưa, gần như chỉ còn trong đầu óc của những kẻ cực đoan, cạn nghĩ. Có thể khẳng định người Việt hiện nay hoàn toàn không cần một cuộc hòa giải hòa hợp nào nữa. 

Với người Việt ngoài nước cũng vậy. Không có thống kê để biết trong hơn 2 triệu người Việt định cư ở Mỹ chẳng hạn có bao nhiêu người từng theo Cộng Sản. Không ai cất công tìm hiểu những chuyện đó và cũng không có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử nào đáng kể giữa những người Việt quốc gia tị nạn với những người đến đây từ miền Bắc. Trái lại, ngày càng có nhiều người trong nước sang Mỹ du lịch, du học, kết hôn hoặc định cư theo các chương trình đầu tư, bảo lãnh thân nhân. Ở phía ngược lại, ngày càng nhiều người Việt hải ngoại trở về du lịch, thăm viếng họ hàng, cũng đã có không ít người chọn về Việt Nam sinh sống sau nhiều năm tha hương vất vả và khi tuổi tác đã về chiều. Hố ngăn cách giữa người Việt trong và ngoài nước đã thu hẹp đáng kể, gần như không còn tồn tại.

Nếu có một mâu thuẫn mang tính lịch sử thì đó là giữa người dân và đảng CSVN độc tài toàn trị. Mâu thuẫn này không thể hòa giải được. 

Lịch sử hơn 90 năm của đảng CSVN thấm đầy máu của lương dân vô tội qua vô số cuộc thanh trừng, đàn áp từ thời Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, năm 2020. Hàng triệu sinh linh và núi xương sông máu hy sinh chỉ đem lại quyền lực và quyền lợi cho một nhóm người tự cho mình có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối trên đầu dân tộc bằng bàn tay sắt man rợ. 

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi đã giành được quyền cai trị trên cả nước, đảng CSVN đã có thời cơ đoàn kết dân tộc, khai triển sức mạnh của toàn dân để xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, theo kịp các lân bang. Nhưng với đường lối sai lầm, đầu óc ngu tối, tâm lý thù hận và kiêu ngạo, họ đã phạm vô số tội lỗi không thể sửa chữa hay tha thứ. 

Hậu quả là hơn 1.5 triệu người Việt phải bỏ xứ ra đi, trong đó 200,000 người bị mất mạng trên biển, 90 triệu dân còn ở lại trong nước bị tước bỏ mọi quyền tự do căn bản của con người… 

Đến nay sau 49 năm hòa bình, Việt Nam vẫn ngụp lặn trong bãi lầy của thể chế độc tài toàn trị với đảng CSVN như một thứ tai ách quàng lên cổ mà không biết bao giờ mới thoát ra được. Những vụ đấu đá giành quyền lực trong tầng lớp chóp bu của đảng, những vụ tham nhũng khủng khiếp, những thủ đoạn câu kết kiểu tư bản bè phái để trục lợi, những vụ bắt bớ tràn lan những tiếng nói bất đồng… phơi bày hàng ngày hàng giờ trước công chúng một thể chế chính trị đã mục nát tận xương tủy.

Trở lại với “vài dòng” trên Facebook của ông bạn ở Georgia đã nhắc tới ở đầu bài: “…Đất nước, xứ sở đó không còn thuộc trách nhiệm của họ nữa. Dân tộc đó, vinh quang hay lụn bại hoàn toàn là trách nhiệm của những người bên thắng cuộc, họ chịu trách nhiệm với lịch sử về điều này.” Họ ở đây là những người “bên thua cuộc,” “đã già nua, đã đi xa yên phận, hoặc sắp xuống lỗ cả rồi.” 

Tôi không nghĩ như vậy. Người Việt, dù sống đâu cũng nặng lòng với quê hương xứ sở, nơi có bà con thân thuộc, có mồ mả tổ tiên. Không ai buộc họ phải chịu trách nhiệm với xứ sở mà họ đã ra đi nhưng tấc lòng thương nước khiến cho họ luôn theo dõi và trăn trở với quê hương, không thể yên phận. Như cụ Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, từng trăn trở:“Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.”

Đúng là trách nhiệm với tương lai của dân tộc, vinh quang hay lụn bại, đặt trên vai người Việt ở trong nước, còn người Việt hải ngoại giỏi lắm chỉ có thể hỗ trợ. Không còn cầm súng theo tiếng gọi “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” thì người Việt ở hải ngoại vẫn có cách đóng góp vào công cuộc đấu tranh đòi dân chủ cùng đồng bào trong nước và bảo tồn văn hóa ngôn ngữ Việt Nam ở nước ngoài. Cách nào thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng người, miễn là ngọn lửa ái quốc chưa tàn lụi trong trái tim.

No comments:

Post a Comment