Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ HAI TNLT CÁO BUỘC TIẾP TỤC BỊ HÀNH HẠ TẠI TRẠI TÙ NGHỆ AN
Hai tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận và Đặng Đình Bách vừa
cho thân nhân biết việc tiếp tục bị ngược đãi tại trại tù số 6, tỉnh Nghệ An.
Trước tình trạng hành hạ đó, ông Thuận đã tiến hành tuyệt thực để phản đối,
riêng gia đình ông Bách đã làm đơn khiếu nại.
Tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận 43 tuổi đã bắt đầu tuyệt
thực từ ngày 25/5, trong khi đang thọ bản án 8 năm tù với cáo buộc “tuyên
truyền chống phá chế độ”. Ông cho gia đình biết về vụ tuyệt thực kéo dài 5
ngày. Bà Trịnh Thị Nhung, vợ ông Thuận, cho biết lý do mà chồng mình tuyệt thực
là nhằm phản đối việc ngược đãi của trại tù và yêu cầu phải cho các tù nhân
chính trị được ra khỏi phòng giam để sinh hoạt.
Cần biết là trước đây trong dịp cuối tuần, đám cai tù thường
mở cửa cho các tù nhân chính trị ở ra khu vui chơi chung để họ tập thể dục. Tuy
nhiên gần đây, không rõ vì lý do gì mà đám cai tù rút lại quyết địng nói trên,
khiến họ phải ở trong phòng giam chật hẹp vào mùa hè oi bức ở miền trung thường
có gió Lào khô nóng.
Ông Thuận cũng cho biết là từ khi chuyển sang phân trại chính
trị từ đầu tháng 4 vừa qua, bệnh viêm khớp của ông tái phát, mà ông cho là có
nguyên do là bị giam trong buồng chật hẹp và không có không gian để vận
động.
Trong khi đó, tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách, cũng bị
ngược đãi trong trại tù này. Vợ ông, bà Trần Phương Thảo, cho biết vào ngày
24/5 vừa qua bà đã gửi đơn tới trại giam để khiếu nại về việc nhà tù này không bảo
đảm các quyền lợi hợp pháp của chồng mình.
Bà cho biết là ông Bách đang bị giam cùng với nhà đấu tranh
Trần Huỳnh Duy Thức trong một buồng giam chỉ rộng khoảng 10 thước vuông gồm cả
bệ ngủ và khu vệ sinh. Ông đã đề nghị được trại giam cấp thêm quạt nhưng cho
tới nay vẫn chưa trả lời. Thêm nữa, vì ông Bách ăn chay nên ông đề nghị trại
giam thay thế thực phẩm từ động vật thành thức ăn thực vật, nhưng đề nghị của
ông vẫn bị lờ đi.
2/ HỌC SINH LỚP 1 KHÔNG ĐƯỢC DỰ
TIỆC LIÊN HOAN VÌ KHÔNG ĐÓNG TIỀN
Bộ giáo dục VN đang xác minh thông tin là một học sinh lớp 1
không được ăn liên hoan do mẹ không đóng tiền, gây xôn xao dư luận.
Đại diện bộ giáo dục vào hôm 27/5 cho biết là bộ này phải nhập
cuộc bởi thông tin liên quan đến giáo viên và phụ huynh học sinh gây “ầm ĩ”
trên mạng dù chưa rõ thực hư. Quan chức này cho biết bộ giáo dục sẽ rà soát để
xem xét vụ này, nếu xác định là có thực thì ở khu vực nào và xảy ra ở trường nào.
Khi nắm được tình hình cụ thể, bộ giáo dục sẽ thông tin chính thức tới báo chí
và dư luận.
Cần biết là trước đó, nhiều trang mạng đăng tải lại bài
viết với nội dung một phụ huynh tố cáo đứa con học lớp 1 không được ăn liên
hoan vì người mẹ không đóng quỹ phụ huynh. Theo nội dung, vị phụ huynh này phẫn
nộ cho rằng quỹ lớp thì ông đóng, riêng quỹ hội thì là khoản phí không bắt
buộc, ai thích thì đóng. Thế nhưng cả lớp đều ăn liên hoan mà đứa con ông thì
không được dự tiệc.
Trong khi đó thì Ngân hàng Nhà nước VN ngừng các vụ đấu
thầu vàng miếng vì không đạt được mục đích bình ổn thị trường khiến giá vàng
trong nước luôn cao hơn thế giới. Kế hoạch này sẽ bị ngưng vào ngày 3/6 tới đây
sau 9 lần đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 19/4 vừa qua. Thế nhưng cứ sau mỗi
lần đấu thầu thì giá vàng SJC lại tiếp tục gia tăng, cao hơn giá vàng thế giới
khoảng 17 triệu đồng mỗi lượng.
3/ UKRAINE CÓ QUYỀN XỬ DỤNG VŨ
KHÍ PHƯƠNG TÂY ĐỂ TẤN CÔNG NGA
Người cầm đầu ngành ngoại giao của Liên
hiệp Âu châu, ông Josep Borrell, vào hôm qua 28/5 tuyên bố là Ukraine có quyền xử
dụng vũ khí phương Tây viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Phát biểu khi khai mạc cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng
Liên hiệp Âu châu tại Bruxelles, ông Borrell cho rằng phải có sự cân bằng giữa
mối lo ngại leo thang với nhu cầu tự vệ của Ukraine. Ông tuyên bố là theo các luật lệ về chiến tranh, điều này hoàn toàn có thể
làm và không hề có sự mâu thuẫn. Người
ta có thể đáp trả hoặc chiến đấu chống kẻ tấn công từ lãnh thổ của kẻ đó.
Cần biết là việc cho phép Ukraine xử dụng vũ khí viện trợ
của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga hiện đang gây tranh cãi giữa các
nước đồng minh của Ukraine. Ukraine thường xuyên thúc giục các nước đối tác,
nhất là Mỹ, cho phép họ xử dụng các vũ khí của phương Tây có tầm bắn xa hơn để
tấn công vào các mục tiêu ở Nga.
Tổng thư ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg, đã bày tỏ sự
ủng hộ này, nhưng nhiều nước đồng minh khác, trong đó có Đức và Hoa Kỳ, vẫn
không đồng ý vì sợ dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.
Tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại
Bruxelles vào hôm qua, nước Bỉ cam kết sẽ cung cấp cho Kiev tổng cộng 30 chiến
đấu cơ F-16 từ đây đến năm 2028, để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với
Nga.
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, Tổng thống Zelensky
đến Bruxelles để ký một hiệp định an ninh song phương với nước Bỉ nhằm tăng
cường các phương tiện quân sự cho Kiev. Kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh xâm
lăng Ukraine, nước Bỉ đã hứa viện trợ tổng cộng hơn 1 tỷ Âu kim cho Kiev. Bộ quốc
phòng Bỉ cũng đã huấn luyện cho gần 2500 binh sĩ Ukraine.
4/ HỎA TIỄN PHÓNG VỆ TINH CỦA BẮC
HÀN NỔ TUNG TRÊN BẦU TRỜI
Bạo quyển Bắc Hàn vào hôm 27/5 đã thất
bại nặng nề khi phóng một hỏa tiễn đưa một vệ tinh do thám lên quỹ đạo, với hỏa
tiễn này đã nổ tung trên bầu trời.
Vụ này xảy ra chỉ vài giờ sau khi Bắc
Hàn loan tin về kế hoạch phóng vệ tinh và bị Nam Hàn lẫn Nhật Bản chỉ trích.
Theo bản tin của Bắc Hàn, nỗ lực phóng vệ tinh trinh
sát "Vạn Lý Kính-1-1" đã thất bại sau khi thiết bị phát
nổ trên không ngay trong bước đầu tiên. Giới chuyên gia kết luận
là "nguyên nhân của vụ tai nạn là do động
cơ mới được phát triển gặp biến cố".
Trước đó, Nam Hàn tố cáo vụ phóng vệ tinh này là hành động khiêu khích, vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo
an Liên Hiệp Quốc là cấm Bắc Hàn xử dụng kỹ thuật phi đạn tầm xa.
Bộ tư lệnh Ấn Độ và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng gọi vụ
phóng là hành động vi phạm trắng trợn nhiều nghị
quyết của Liên Hiệp Quốc, có nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trong khu vực. Nhật Bản đã ra cảnh báo kêu gọi người dân ở tỉnh Okinawa tìm nơi
trú ẩn, nhưng cảnh báo đã được dỡ bỏ vài phút sau đó.
Cần biết là việc đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo từ lâu
đã là ưu tiên của chế độ Bắc Hàn và nước này tuyên bố đã thành công vào tháng
11 năm ngoái, sau hai lần thất bại trước đó. Nam Hàn khẳng định Bắc Hàn đã nhận
được những hỗ trợ kỹ thuật của Nga cho vụ phóng nói trên, và đổi lại thì Bắc
Hàn gửi vũ khí tới Nga để nước này xử dụng ở chiến trường Ukraine.
No comments:
Post a Comment