Tuesday, May 28, 2024

Tổng bí thư không hoàn thành nhiệm vụ

Bình Luận

Tình hình quốc tế đang rối ren, đặc biệt là tranh chấp tại Biển Đông đang vào giai đoạn nóng, đe dọa lãnh thổ, lãnh hải và quyền lợi quốc gia. Thay vì dồn nổ lực và tâm trí đối phó giặc ngoài, thì Nguyễn Phú Trọng và bè lũ lại quyết tâm tàn sát lẫn nhau, tranh dành quyền lực, bất chấp quốc thể và dân chúng lầm than. Bao giờ TBT Nguyễn Phú Trọng mới ăn năn, sám hối, tự kiểm điểm, tự phê, nhận lỗi với nhân dân và từ quan về đuổi gà cho vợ?

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phú Nhuận/VNTB với tựa đề: “Tổng bí thư không hoàn thành nhiệm vụ sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Phú Nhuận 

Với những gì đã và đang diễn ra, công chúng có quyền ngờ vực về cái gọi là “Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Quy định số 214-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 2-1-2020 đã quy định “khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, trong đó phần tiêu chuẩn chung về năng lực và uy tín, ghi: 

“Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tốt.

 Năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, dám đương đầu với khó khăn, thách thức; nói đi đôi với làm; có thành tích nổi trội, có kết quả và “sản phẩm” cụ thể góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ. 

Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao” – trích phần 1.4. 

Phần “tiêu chuẩn, chức danh cụ thể” về “Tổng bí thư”, ghi: 

“Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”. 

Đến nay Quy định số 214-QĐ/TW vẫn hiệu lực, và căn cứ về các yêu cầu của quy định này cho thấy chính khách đang là Tổng bí thư đã không đáp ứng yêu cầu trong một thời gian khá dài, thể hiện khá rõ nét với một số viện dẫn như sau: 

Vào ngày 26-1-2021, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trình bày tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, đã đưa ra nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Thực tế sau đó là loạt bê bối nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, xảy ra tại các cơ quan chính phủ Việt Nam. Cũng trong tình cảnh đại dịch Covid-19 còn có vụ nâng khống giá kit test Việt Á liên quan đến nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy cầm quyền của Đảng. 

Một năm trở lại đây là xảy ra hàng loạt cán bộ cấp chiến lược buộc phải chấp nhận rời chính trường để đổi lại tránh lao lý. 

Và như tự nhìn nhận mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tình hình tư tưởng trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân, bên cạnh mặt tích cực là cơ bản, cũng có những biểu hiện đáng lo ngại. Nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề”. 

Thế nhưng người ta vẫn chưa thấy việc tự kiểm điểm của đảng viên Nguyễn Phú Trọng về việc có thực sự đáp ứng Quy định số 214-QĐ/TW hay không; nói một cách khác, tầm nhìn của Tổng bí thư có thật sự xứng tầm “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”?

No comments:

Post a Comment