Thursday, May 16, 2024

70 năm nói láo

Bình Luận

Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự chiến thắng của đảng csVN, và cũng là tai họa cho dân tộc, là khả năng gian dối vô giới hạn của đảng.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trúc Phương/ Người Việt với tựa đề: “70 năm nói láo sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trúc Phương/Người Việt

Việt Nam đang tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều mỉa mai và khôi hài nhất là nhân dịp ông Sébastien Lecornu, bộ trưởng Quân Đội Pháp, công du Hà Nội, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã đưa ông đến viếng mộ những “siêu nhân Điện Biên Phủ.” Bài báo Người Lao Động ngày 7 Tháng Năm khi tường thuật sự việc, viết rằng “Bộ trưởng Quân Đội Pháp đã lắng nghe giới thiệu về liệt sĩ Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…”

Không rõ mức độ “lắng nghe” của ông Sébastien Lecornu như thế nào nhưng người dân trong nước đã “lắng nghe” những Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… suốt 70 năm qua.

Với lịch sử Cộng Sản, huyền thoại và sự thật luôn có một khoảng cách. Đó là khoảng cách được tạo ra từ sự nhào nặn của bộ máy tuyên truyền, từ chuyện “bác” biết gần 40 thứ tiếng đến những “gương anh hùng trong thời kỳ chống Pháp lẫn chống Mỹ cứu nước.”

Trong khi một số siêu nhân như “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” được giải ảo một cách hiếm hoi thì nhiều “huyền thoại” được thêu dệt từ sự tưởng tượng tiếp tục “sống mãi,” chẳng hạn trường hợp ba “anh hùng Điện Biên Phủ” gồm Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, và Bế Văn Đàn. Những nhân vật này, mà sự tồn tại của họ luôn là câu hỏi, lại được “chính danh hóa” khi được đưa vào sách vở, vào những tài liệu sử và được đặt tên cho nhiều con đường lẫn trường học.

Về Bế Văn Đàn, tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 4 Tháng Tư ghi lại: “Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội quân ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: ‘Kẻ thù trước mặt, bắn chết chúng nó đi, trả thù cho đồng đội.’ Pù nghiến răng nổ súng quật ngã hàng chục tên, địch hốt hoảng bỏ chạy, đợt phản kích của chúng bị bẻ gãy”…

Về “anh hùng” Phan Đình Giót, tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 1 Tháng Tư thuật: “Chiều ngày 13-3-1954, Trung Đoàn 141, Đại Đoàn 312 được lệnh nổ súng tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đại Đội 58, Tiểu Đoàn 428, Trung Đoàn 141, Đại Đoàn 312 của Phan Đình Giót triển khai đội hình chiến đấu từ 15 giờ. Anh em truyền tay nhau đọc thư Bác Hồ và lệnh động viên của đại tướng tổng tư lệnh (…) Các chiến sĩ Đại Đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng anh vẫn xung phong đánh quả tiếp theo (…)

Phan Đình Giót nhìn trừng trừng vào hỏa điểm địch rồi anh ép người sát mặt đất, bò nhích lên từng tý, thận trọng gần đến lỗ châu mai (…) Anh nâng khẩu tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai. Hết đạn, anh thay băng khác tiếp tục bắn. Nhưng khi xung kích xung phong lên thì hỏa điểm địch vẫn bắn ra ác liệt. Mọi người thấy anh đứng lên ngồi xuống bên lỗ châu mai địch. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: ‘Quyết hy sinh vì đảng, vì dân,’ rồi rướn người, lấy đà, tay bám chặt vào những thân cây gỗ phía trên lỗ châu mai rồi xoay người thật nhanh lại, áp lồng ngực vào lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão…”

Với các tác giả kịch bản viết về những “siêu nhân” này, yếu tố logic không bao giờ tồn tại. Một chiếc xe Jeep dân sự nặng khoảng 2 tấn thì cỗ pháo nặng bao nhiêu? Thế mà “đồng chí Tô Vĩnh Diện” vẫn có thể lấy thân chèn cỗ đại bác đang tuột dốc, thay vì bị cỗ pháo nghiền nát như quả chuối!

Và trong trường hợp “Bế Văn Đàn,” trừ phi khẩu trung liên của “đồng chí Chu Văn Pù” là súng đồ chơi, hẳn không có “bờ vai” siêu nhân nào có thể chịu nổi độ giật của một khẩu súng bắn liên thanh. Và với “Phan Đình Giót,” chỉ cần “hứng” một viên bắn ra từ lỗ châu mai thì đồng chí đã gục chết thẳng cẳng ngay tại chỗ, có sức đâu mà gồng lên bịt được cái lỗ châu mai đang khạc lửa đạn như mưa?

Những điều phi lý như thế vẫn tồn tại, sau 70 năm, giờ đây thậm chí được mang ra để khoe với một kẻ thù Điện Biên Phủ năm xưa mà người đại diện bây giờ là ông Bộ Trưởng Quân Đội Pháp Sébastien Lecornu. Không chỉ thời Điện Biên Phủ, giai đoạn “chống Mỹ cứu nước” cũng sản sinh vô số siêu nhân.

Có vài điểm dễ nhận ra sự bịp bợm trong việc xây dựng hình ảnh “siêu nhân Việt Cộng” của bộ máy tuyên truyền Cộng Sản Việt Nam. Ngoài yếu tố phi logic (hiển nhiên), hình tượng luôn được kể lại mà chẳng bao giờ có bằng chứng hoặc nhân chứng. Điểm dễ nhận ra nữa là ngôn ngữ thể hiện. Tất cả luôn được viết như một thứ văn mẫu, với văn phong giống nhau, lối xưng tụng giống nhau, bài viết không chỉ nhắc đến “tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước” mà thường kèm hình ảnh “bác” lẫn “đảng.”

Cuối cùng, yếu tố “truyền khẩu” là chi tiết rõ ràng nhất giúp cho thấy các bài viết về những nhân vật ngụy tạo là sản phẩm được đẻ ra từ một nguồn, từ một lò tuyên truyền. Gần như chẳng bao giờ có tên tác giả cụ thể mục kích sự việc, tên một phóng viên chiến trường cụ thể, hay tên một nhân chứng cụ thể.

Bộ máy bịp bợm đã hoạt động như vậy suốt nhiều thập niên. Và nhiều thập niên qua, người ta vẫn thắp nhang “tưởng niệm” những nhân vật không có thật. Nhiều năm qua, người ta vẫn giả dối đóng vai những tên đạo đức luôn “ghi nhớ công lao” những “anh hùng dân tộc,” mà trong thâm tâm, họ biết chẳng có thằng quái nào trong lịch sử tên là Bế Văn Đàn hay Phan Đình Giót.

No comments:

Post a Comment