Saturday, May 11, 2024

Tổng đốc Hoàng Diệu

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Lịch sử Việt Nam thời cận đại ghi lại nhiều vị tướng tuẫn tiết khi thành thất thủ theo quan niệm “Sinh vi tướng, tử vi thần”. Trong số đó có một vị tướng trấn thủ thành Hà Nội, khi thành thất thủ ông tuẫn tiết bằng cách thắt cổ, để tránh thương vong cho dân chúng.

Trong tiết mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Tổng đốc Hoàng Diệu” của Việt Thái qua phần trình bày của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa,

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên.”

Tạm dịch:

Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất,

Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.

Đó là 2 câu đối nói về Tổng đốc Hoàng Diệu trong đền Trung Liệt tại gò Đống Đa.

Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai, về sau mới đổi tên Hoàng Diệu. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý (1828), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Sử chép, gia đình Hoàng Diệu có một người đỗ Phó bảng, ba người đỗ Cử nhân, hai người đỗ tài trong các kỳ thi dưới thời vua Tự Đức.

Trong các anh em, Hoàng Diệu là người nổi bật nhất, năm Mậu Thân (1848) lúc 20 tuổi đỗ Cử nhân cùng với anh trai Hoàng Kim Giám trong khoa thi Hương tại Thừa Thiên.

-Năm 25 tuổi, ông đỗ Phó Bảng khoa Quý Sửu.

-Năm 1851, được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tri huyện Tuy Phước, thăng lên Tri phủ Tuy Viễn, Bình Định.

-Năm 1868, ông ra Bắc giữ các nhiệm vụ: Tri phủ Đa Phúc, Tri phủ Lạng Giang, Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh. Trong 9 năm, ông lập nhiều công lớn trong việc diệt cướp an dân, nên được dân chúng trong vùng thương mến và kính trọng.

-Năm 1873, ông được triệu về kinh đô Huế giữ các chức vụ Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại kiêm Đô Sát Viện.

-Năm 1878, đổi làm Tuần phủ Quảng Nam, thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ AnHà Tĩnh), nhưng vì Tổng đốc Nguyễn Chính vẫn còn lưu nhiệm nên ông ở lại Huế, làm Tham tri bộ Lại. Chẳng bao lâu, ông được sung chức Phó Toàn quyền, làm Đại thần đàm phán với Sứ thần Tây Ban Nha trong một hiệp ước giao thương.

-Năm 1873, sau khi chiếm được miền Nam, Pháp chuẩn bị tiến ra miền Bắc. Vua Tự Đức giao cho ông làm Tổng đốc Hà Ninh, sau đó giữ chức Thượng thư bộ Binh.

Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngay khi tới Hà Nội, ông đã chú tâm đến việc xây dựng thành lũy, chuẩn bị lực lượng để chống Pháp.

-Từ năm 1880 đến năm 1882, ông thường dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế.

-Rạng ngày 25/4/1882, Pháp cho 4 tàu chiến bắn đại bác yểm trợ cho 450 quân và một số thân binh đổ bộ chiếm thành Hà Nội, nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt nên rút quân. Trong lúc chiến sự diễn ra khốc liệt thì kho thuốc súng trong thành Hà Nội nổ tung, dẫn tới đám cháy lớn, làm cho quân hoang mang. Quân Pháp thừa cơ tấn công, phá được cửa Tây thành Hà Nội.

Trong tình thế tuyệt vọng, ông vẫn tiếp tục chỉ huy quân sĩ chiến đấu. Cuối cùng, biết không thể giữ được thành, ông đã ra lệnh cho quân sĩ tan hàng để tránh thương vong, một mình vào hành cung thảo tờ di biểu, sau đó ra trước Võ Miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi.

*****

Từ khi Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, phong trào kháng chiến chống Pháp bắt đầu lan rộng khắp nơi, cái chết oanh liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu trở thành tiếng chuông đánh động lòng yêu nước trong giới sĩ phu, mở ra cuộc kháng chiến cứu nguy dân tộc. Hàng chục ngàn người đã nằm xuống trong suốt thời gian giặc Pháp đô hộ, với hàng chục nhóm nghĩa quân và các tổ chức đấu tranh chống Pháp ra đời trước khi có đảng CSVN.

Điều đáng buồn là những hy sinh to lớn của họ bị lãng quên sau khi Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945. Thê thảm hơn nữa là hàng chục ngàn con dân yêu nước không chết dưới họng súng của thực dân Pháp, mà bị đảng CSVN núp dưới chiêu bài Việt Minh tàn sát và thủ tiêu để độc chiếm quyền lực suốt 9 năm.

Hàng triệu con dân thiệt mạng trong cuộc chiến Quốc - Cộng kéo dài 21 năm, đất nước VN chỉ độc lập trên lý thuyết, thực tế chỉ là một chư hầu của Tàu Cộng, lãnh thổ và lãnh hải bị tập đoàn CSVN dâng hiến cho phương Bắc.

Và nếu đem so sánh với quân dân tử thủ thành Hà Nội, thì CSVN chỉ là "con cọp giấy", không dám lên tiếng khi Biển Đông bị Tàu Cộng xâm phạm, mà chỉ biết trả thù Quân - Cán - Chính VNCH, khiến cho hàng trăm ngàn thương phế binh phải sống vất vưởng bên lề xã hội.

Nỗi đau thương bất hạnh của người dân khi sống dưới chế độ độc tài CS không bút mực nào tả xiết.

Hơn thế nữa họ còn bịt miệng, đày đọa các tù nhân lương tâm, cũng như bỏ tù và giết hại những người dân yêu nước. Hành động hèn hạ này đã bị thế giới tự do chỉ trích là vô nhân đạo. Đây là vết nhơ của đảng CSVN và là điều ô nhục lớn nhất trong sử Việt suốt mấy ngàn năm qua.

No comments:

Post a Comment