Tuesday, May 28, 2024

Tin Tức: Thứ Ba 28.05.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.

1/ PHILIPPINES PHẢN ĐỐI LỆNH CẤM ĐÁNH CÁ CỦA TRUNG CỘNG

Chính phủ Philippines vừa lên tiếng phản đối Trung Cộng áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương kéo dài 4 tháng ở Biển Đông.

Việc áp đặt lệnh cấm đánh cá hằng năm đã làm gia tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông, theo tuyên bố của bộ ngoại giao Philippines. Bộ này đồng thời kêu gọi Trung Cộng đình chỉ các hành động bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền của Philippines.

Trong thông cáo đưa ra vào hôm qua 27/5, bộ ngoại giao Phi phản đối lệnh cấm này thông qua một công hàm ngoại giao, cho biết là nó bao trùm các vùng biển trong hải phận của nước này.

Tòa đại sứ Trung Cộng tại Manila không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Tuy nhiên vào tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Phi Gilberto Teodoro tuyên bố các quy định của Trung Cộng về việc hải cảnh của họ có thể bắt giữ người ở Biển Đông là một "sự khiêu khích".

Cần biết là Trung Cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một hải lộ quan trọng của thế giới, với số hàng hóa qua lại trị giá hơn 3 ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm. Các yêu sách của Trung Cộng bao gồm các vùng biển mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Mã Lai và Brunei có chủ quyền.

Năm 2016, một tòa án trọng tài quốc tế ra phán quyết là các yêu sách của Trung Cộng không có cơ sở lịch sử và pháp lý, nhưng Trung Cộng đã bác bỏ phán quyết này.

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-trung-quoc-lenh-cam-danh-bat-ca/7628525.html

2/ DO THÁI BỊ CÁO BUỘC THẢM SÁT THƯỜNG DÂN Ở RAFAH

Vào đêm 26/5, bộ y tế Gaza do Hamas kiểm soát đã cáo buộc Do Thái oanh kích một khu tị nạn của người Palestine ở Rafah, khiến ít nhất 35 người chết, trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên phía Do Thái khẳng định là không quân đã oanh kích với vũ khí “có độ chính xác cao” nhằm tiêu diệt một chỉ huy cao cấp của tổ chức Hamas.

Nhiều quốc gia trong khu vực như Ai Cập và Saudi Arabia đã lên án vụ thảm sát này. Qatar, quốc gia trung gian cho các đàm phán giữa Do Thái và Hamas, cảnh báo là vụ tấn công có thể cản trở tiến trình đúc kết một thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ sự phẫn nộ về các vụ oanh kích của Do Thái tại Rafah, đồng thời khẳng định tại khu vực này không có nơi nào là an toàn cho thường dân. Ông Macron yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức.

Những hình ảnh như ngày tận thế tại dải Gaza lại xuất hiện sau một cuộc không kích của Do Thái, với ngọn lửa bùng lên thiêu rụi các khu lều trại cùng những người tị nạn. Những cột khói bốc lên ngùn ngụt, với người cứu nạn đổ xô đến để hỗ trợ các nạn nhân.

Những nơi ở tạm bợ được làm từ các tấm vải nhựa đã nhanh chóng bắt lửa, với các khung sườn bằng sắt và các thi thể cháy đen. Một thường dân cho biết là nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, với thi thể tan nát sau vụ oanh kích kinh hoàng của Do Thái.

Địa điểm bị tấn công là một trại tị nạn. Nhiều người đã dồn vào khu vực này vì quân đội Do Thái cam đoan đây là khu vực an toàn. Quân đội Do Thái sau đó đã ra một thông cáo khẳng định cuộc tấn công đã được tiến hành nhằm chống lại các mục tiêu hợp pháp, theo luật quốc tế. Thông cáo cho biết không quân đã tấn công vào một căn cứ của Hamas ở Rafah. Tuy nhiên quân đội Do Thái thừa nhận là có nhiều thường dân bị thương, và hiện mở cuộc điều tra về vụ này.

Do Thái cho biết trong ngày 26/5, có đến 8 vụ bắn hỏa tiễn từ vùng Rafah, cách Tel Aviv khoảng 100 cây số, nhắm vào lãnh thổ Do Thái. Tuy nhiên chưa có thông tin thiệt hại về tính mạng sau đợt tấn công này. Lực lượng al-Qassam, cánh vũ trang của tổ chức Hamas, khẳng định đã bắn sang Do Thái để trả đũa các cuộc thảm sát nhắm vào thường dân.

Vào hôm qua 27/5, trước cuộc họp các ngoại trưởng Âu châu và Ả Rập, người cầm đầu ngoại giao Âu châu nhấn mạnh là Do Thái cần phải tuân thủ phán quyết chấm dứt các cuộc tấn công tại Rafah. Phán quyết đưa ra vào hôm 24/5 của tòa án Hình sự Quốc tế mang tính cưỡng chế về pháp lý, nhưng định chế tư pháp cao nhất của Liên Hiệp Quốc này không cơ chế để thực thi phán quyết.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240527-israel-b%E1%BB%8B-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-th%E1%BA%A3m-s%C3%A1t-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-d%C3%A2n-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%99t-tr%E1%BA%A1i-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-%E1%BB%9F-rafah

3/ CON SỐ NGƯỜI CHẾT Ở PAPUA NEW GUINEA LÊN ĐẾN HƠN 2 NGÀN NGƯỜI

Vụ sạt lở đất lớn ở Papua New Guinea đã chôn vùi hơn 2 ngàn người, theo công bố của chính phủ nước này. Vì địa hình hiểm trở cản trở viện trợ đã làm giảm hy vọng tìm thấy người sống sót.

Trung tâm Thảm họa Papua New Guinea đưa ra con số 670 người chết trên trong một bức thư gửi Liên Hiệp Quốc. Con số chênh lệch này cho thấy địa điểm hẻo lánh và khó khăn trong việc ước tính dân số chính xác. Cuộc điều tra dân số đáng tin cậy cuối cùng của đảo quốc Thái Bình Dương này là vào năm 2000, với nhiều người sống trong những ngôi làng trên núi biệt lập.

Bộ trưởng quốc phòng Billy Joseph cho biết khoảng 4 ngàn người sống trong 6 ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Enga, nơi vụ sạt lở đất xảy ra vào sáng sớm ngày thứ Sáu 24/5 trong khi hầu hết mọi người còn đang ngủ.

Hơn 150 ngôi nhà bị chôn vùi dưới đống đổ nát, với lực lượng cấp cứu nghe thấy tiếng la hét từ dưới đất. Hơn 72 giờ sau vụ sạt lở đất, người dân vẫn phải dùng xẻng, gậy và hai bàn tay trần để cố gắng di dời đống đổ nát. Theo chính quyền tỉnh, chỉ có 5 thi thể được tìm thấy.

Thiết bị hạng nặng và viện trợ đến chậm do địa điểm hẻo lánh trong khi chiến tranh giữa các bộ tộc gần đó đã khiến các nhân viên cứu trợ phải di chuyển trong các đoàn xe do binh lính hộ tống. Chiếc máy ủi đầu tiên chỉ đến được địa điểm vào hai ngày sau đó.

Nước Úc đã công bố khoản viện trợ ban đầu trị giá 2 triệu rưởi Úc kim vào hôm qua và cho biết sẽ cử các chuyên gia kỹ thuật đến giúp đỡ. Trung Cộng, nước đang ve vãn các đảo quốc Thái Bình Dương, cũng tuyên bố sẽ viện trợ nhưng không biết là bao nhiêu.

https://www.voatiengviet.com/a/papua-new-guinea-sat-lo-dat/7628781.html

4/ BẮC HÀN NỔI ĐIÊN TRƯỚC LỜI KÊU GỌI GIẢI TRỪ HẠT NHÂN

Bạo quyền Bắc Hàn vào hôm qua 27/5 đã lên án Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn về lời cam kết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Hàn mô tả tuyên bố chung của ba nước sau hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi ở Seoul là một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng.

Bắc Hàn cũng thông báo về kế hoạch phóng một phi đạn trước ngày 4/6 để triển khai một vệ tinh, khiến ba nước kêu gọi Bắc Hàn ngưng bước đi này.

Tại hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên ở Seoul kể từ năm 2019, ba nước đã tìm cách hợp tác về an ninh, nhắc lại lập trường về hòa bình, ổn định khu vực và phi hạt nhân hóa bán đảo. Tuy nhiên phát ngôn nhân bộ ngoại giao Bắc Hàn nhanh chóng phản bác là các cuộc thảo luận này là một sự xúc phạm không bao giờ được tha thứ và là một lời tuyên chiến chống lại Bắc Hàn.

Phát ngôn nhân Bắc Hàn cho biết thảo luận về phi hạt nhân hóa đã trở thành một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng và vi phạm chủ quyền của Bắc Hàn.

Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường đã không nêu đích danh Bắc Hàn mà chỉ kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng. Dù Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi Bắc Hàn từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh do thám thứ hai lên quỹ đạo, ông Lý Cường không hề đề cập đến vụ phóng này.

Trung Cộng đã khiến Bắc Hàn tức giận khi chấp thuận các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn từ năm 2006 đến 2017, nhưng trong những năm gần đây Trung Cộng đã cùng Nga lên tiếng kêu gọi nới lỏng các biện pháp cấm vận đối với Bắc Hàn.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-giai-tru-hat-nhan-hoi-nghi-thuong-dinh-seoul/7628725.html

 

No comments:

Post a Comment