Tuesday, May 14, 2024

Tin Tức: Thứ Ba 14.05.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.

1/ THÊM 2 TÙ NHÂN ĐỒNG TÂM RA TÙ, MỘT NGƯỜI TỐ CÁO BỊ TRA TẤN

Một trong hai người dân trong vụ án Đồng Tâm vừa ra tù vào cuối tuần qua đã lên tiếng tố cáo bị các công antra tấn,ép buộc phải nhận tội.

Vào hôm 9/5, hai ông Bùi Văn Tiến và Lê Đình Quân được trả tự do trước thời hạn tám tháng so với bản án tù 5 năm với cáobuộc “chống người thi hành công vụ”. Cả hai nằm trong số 29 người dân bị bắt vào rạng sáng ngày 9 /1 năm 2020 khi công an thành phố Hà Nội điều động gần 3 ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành ở xã Đồng Tâm và bắn chết cụ Lê Đình Kình tại phòng ngủ.

Trong phiên toà ngày 14/9 năm 2020, có 19 người được chuyển tội danh từ "giết người" sang "chống người thi hành công vụ", với 10 người trong số này bị tuyên án tù treo, 9 người bị án tù giam và bà Bùi Thị Nối, con nuôi của cụ Kình, là vẫn còn thụ án 6 năm tù với tội danh này.

Ông Lê Đình Quân 48 tuổi đi làm ăn ở các tỉnh xa và về nhà để nghỉ Tết được hai ngày thì vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra.Thời điểm tấn công vào làng Hoành, ông Quân ra khỏi nhà đánh kẻng báo động, rồi chạy đến nhà cụ Kình nhưng bị bắt ở giữa đường.

Ông Quân cho biết tại trại tạm giam, ông bị ép phải nhận là thành viên của tổ Đồng Thuận, một nhóm người Đồng Tâm có nhiệm vụ giữ đất và thương thuyết với nhà cầm quyền về mảnh đất Đồng Sênh. Công an cũng ép buộc ông phải khai là ông Kình nhận tiền của người ở nước ngoài và chia chác cho người khác, trong đó có ông.

Vì không chịu nhận những lời khai theo kịch bản của công an nên ông bị đánh đập bởi công an trong lúc hỏi cung. Ông cho biết là bị đánh gẫy hết các răng cửa và đến bây giờ vẫn còn đau đớn. Trong phiên tòa, ông có tố cáo về việc công an dùng nhục hình nhưng chủ toạ phiên toà phớt lờ.

Hơn một tháng trước đó, ba người dân Đồng Tâm khác gồm các ông Lê Đình Uy, Lê Đình Quang và Nguyễn Văn Quân cũng trở về nhà trước thời hạn chín tháng.Ngoài bà Bùi Thị Nối, 6 người khác bị cáo buộc tội danh "giết người" vẫn đang bị giam giữ, trong đó có hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, ông Lê Đình Doanh án chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù giam, Bùi Quốc Tiến 13 năm và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/one-of-two-freed-residents-in-dong-tam-accuses-hanoi-police-of-torture-05132024061547.html

2/ TỔNG THỐNG NGA CÓ THỂ SẮP VIẾNG THĂM VN

Giới chức Việt Nam hy vọng sẽ có chuyến thăm không báo trước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà Nội, có thể sớm nhất là vào tuần tới trên đường ông sang Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Cộng.

Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm sẽ cho phép nhà lãnh đạo Nga chứng minh là những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập chính phủ Putin vì cuộc xâm lược Ukraine đã thất bại, đồng thời thúc đẩy nỗ lực của Hà Nội nhằm tìm kiếm một trung gian giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

Việt Nam cũng dự trù sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí với đồng minh lâu dài của mình khi các thiết bị quân sự thời Liên Xô của nước này đã lỗi thời và quá tuổi thọ xử dụng.

Trong cuộc điện đàm vào ngày 26/3, Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm Hà Nội. Theo thông tấn xã Việt Nam, Tổng thống Putin nhận lời mời và đồng ý để hai bên sắp xếp vào thời điểm thích hợp.

https://www.voatiengviet.com/a/putin-co-the-sap-tham-viet-nam/7609629.html

3/ TẬP ĐOÀN SAMSUNG CAM KẾT ĐẦU TƯ 1 TỶ MỸ KIM MỖI NĂM TẠI VN

Tập đoàn Samsung của Nam Hàn dự trù đầu tư thêm một tỷ Mỹ kim mỗi năm vào Việt Nam trong thời gian tới. Đó là cam kết được ông Park Hark Kyu, tổng giám đốc phụ trách tài chính của Samsung, cho biết tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 9/5 vừa qua ở Hà Nội.

Trong cuộc gặp gỡ này, đại diện Samsung cho biết công ty đã đầu tư hơn 22 tỷ Mỹ kim vào Việt Nam tính đến nay. Tập đoàn này đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ các nhà máy chế tạo điện thoại di động đến các cơ sở nghiên cứu và phát triển.

Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với bốn nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Sài Gòn. Sản lượng điện thoại di động của Samsung sản xuất tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của hãng này trên toàn cầu.

Để đổi lại, thủ tướng Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cung cấp các điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Samsung tại Việt Nam. Ông Chính cũng đề nghị đề nghị tập đoàn Samsung tiếp tục xem Việt Nam là một căncứ chiến lược cho sản xuất và xuất cảng các mặt hàng then chốt cho thị trường thế giới.

Trong khi đó, phó chủ tịch hãng Hyosung của Nam Hàn mới đây đã gặp Phó thủ tướng Lê Minh Khái để thảo luận việc xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Sài Gòn. Hyosung hiện cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba của Nam Hàn ở Việt Nam sau Samsung và LG Electronics. Từ năm 2007, hãng này đã đầu tư hơn 4 tỷ Mỹ kim vào Việt Nam trong các lãnh vực về vật liệu thô, dệt, hóa chất và hệ thống điện công nghiệp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/samsung-doubles-down-on-vn-05132024094235.html

4/ NƯỚC NGA CÓ TÂN BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG LÀ DÂN SỰ

Trong một cuộc cải tổ bất ngờ, vào tối ngày 12/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thay thể bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm.

Ông Putin đề nghị tân lãnh đạo bộ quốc phòng Nga là một nhà kinh tế, ông Andrei Belousov, tức là thuộc thành phần dân sự, không có chút kinh nghiệm nào về quân sự.

Giữ chức bộ trưởng quốc phòng từ năm 2012, ông Shoigu nay chuyển sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Việc thay thế bộ trưởng quốc phòng là điểm đáng chú ý nhất trong cải tổ nội các theo đề nghị tối qua của tổng thống Nga. Tân bộ trưởng quốc phòng Andrei Belousov là một nhân vật bên phía dân sự, nguyên là bộ trưởng kinh tế và cho tới nay là một trong những phó thủ tướng sau một thời gian dài làm việc với Tổng thống Putin.

Về mặt chính thức, theo lời phát ngôn nhân điện Kremlin, việc bổ nhiệm ông Belousov vào chức vụ này chính là nhằm kích thích sự sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng canh tân.

Nhưng ông Sergei Shoigu không hẳn là bị gạt bỏ. Với tư cách thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông sẽ tiếp tục can dự vào lãnh vực mà ông nắm rõ. Việc ông Shoigu bị mất chức bộ trưởng là do vụ bắt giữ một trong những thứ trưởng của ông về tội tham nhũng, cũng như do vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào tháng 6 năm ngoái.

Trong lúc quân Nga đang tiến đánh vào vùng Kharkov và vào nhiều địa điểm ở vùng Donbass, bây giờ phải chờ xem tác động của việc thay đổi bộ trưởng quốc phòng đối với tình hình chiến sự ở Ukraine. Để tránh tình trạng vô chủ kéo dài, tổng tham mưu trưởng Valeri Gerasimov vẫn đảm trách nhiệm vụ chỉ huy trên chiến trường, mà không bị tân bộ trưởng quốc phòng “lấn sân”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240513-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-n%E1%BB%99i-c%C3%A1c-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-thay-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng

No comments:

Post a Comment