Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.
1/ ÔNG TÔ LÂM LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC, HỨA ĐOÀN KẾT TRONG ĐẢNG.
Vào
sáng hôm qua 22/5, Bộ trưởng công an Tô Lâm đã được quốc hội bỏ phiếu chập
thuận làm chủ tịch nước. Nghị quyết bầu ông Tô Lâm làm
chủ tịch nước được quốc hội thông qua với đại đa số phiếu tán thành.
Trên thực tế, chiếc ghế chủ tịch nước của
ông Tô Lâm đã được đảng cs VN quyết định từ hôm 18/5. Đáng chú ý là lúc đó quốc
hội cho biết sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng công
an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng công an.
Vào hôm 19/5, Tổng thư ký quốc hội Bùi
Văn Cường đã thông báo là hội nghị trung ương đảng "chưa giới thiệu nhân
sự để bổ nhiệm làm bộ trưởng công an", do đó quốc hội không đưa nội dung
miễn nhiệm bộ trưởng công an Tô Lâm và phê chuẩn bộ trưởng mới vào kỳ họp lần
này.
Thông tin trên đã làm dấy lên tranh luận
về tính hợp hiến của việc một người làm chủ tịch nước mà vẫn giữ chức bộ trưởng
công an. Cần biết là chế độ công an trị tại VN có hai quan chức cao cấp nhất
xuất thân từ công an là ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tính cả ông
Chính và ông Lâm thì bộ chính trị CSVN có năm nhân vật xuất thân từ công an.
Điều đáng chú ý hơn nữa là trong lễ nhậm
chức của ông Tô Lâm đã không có sự hiện diện của Tổng bí thư cs VN Nguyễn Phú
Trọng. Trong lời tuyên thệ, ông Lâm hứa hẹn sẽ đoàn kết trong nội bộ ban chấp
hành trung ương đảng, bộ chính trị và ban bí thư.
Trong vòng ba năm qua, người dân Việt Nam
đã chứng kiến ba lần tuyên thệ nhậm chức của ba chủ tịch nước khác nhau. Trong
đó, hai người đã bị miễn nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ do liên quan đến sai
phạm, đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1816966m9o
2/ HOA KỲ YÊU CẦU KÝ QUỸ ĐỐI VỚI
NHÔM CUỘN VN.
Bộ thương mại Hoa Kỳ vào hôm 7/5 đã công bố kết luận sơ
khởi vụ kiện chống bán phá giá đối với nhôm cuộn từ Việt Nam, với yêu cầu áp
dụng biện pháp tạm thời là ký quỹ cho mặt hàng này của Việt Nam xuất cảng vào
Mỹ.
Mức thấp nhất là gần 3% và cao nhất là 42% cho mặt hàng
này, theo quyết định của bộ thương mại Hoa Kỳ. Bộ này mở cuộc điều tra vào ngày 24/10 năm
ngoái, dựa trên đơn kiện của liên minh
nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp Hoa Kỳ, với thời gian điều tra về bán phá giá từ
ngày 1/4 năm ngoái.
Theo thông báo mới của bộ thương mại Hoa Kỳ, vụ kiện với
nhôm cuộn của Việt Nam đã qua 4 bước đầu tiên trong tổng số 9 bước. Hiện vụ
kiện ở bước thứ 4 là có kết luận sơ khởi và áp dụng biện pháp tạm thời bao gồm
việc ký quỹ. Sau bước này, cuộc điều tra về việc bán phá giá vẫn được tiếp tục.
Cần biết là các hàng hóa xuất cảng của Việt Nam sang các
nước khác đang phải đối mặt với một loạt các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Báo cáo thường niên của bộ công thương VN vào năm 2023 cho biết là hàng xuất
cảng của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ điều tra tại các quốc gia Ấn Độ, Mỹ
và Úc.
3/ VN PHỦ NHẬN VIỆC KÊU GỌI CÁC
CÔNG TY GIẢM XỬ DỤNG 30% ĐIỆN.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ thông tin
kêu gọi của giới chức trách về việc giảm 30% mức xử dụng điện đối với một số
công ty ở miền bắc.
Báo chí lề đảng vào hôm qua 22/5 đưa tin về lời cải chính
nói trên của tập đoàn điện lực sau khi thông tấn xã Reuters loan tin là giới
chức Việt Nam vừa có yêu cầu Foxconn, hãng cung cấp sản phẩm cho Apple, phải
cắt giảm xử dụng điện đến 30% tại các nhà máy phía bắc nước này để tránh tình
trạng thiếu điện trong mùa hè đang đến.
Tập đoàn Điện lực VN đưa cải chính cho rằng trong tháng 6
và các tháng tiếp theo của năm 2024, Tập đoàn này đã cập nhật tăng trưởng nhu
cầu xử dụng điện và đã xây dựng các phương pháp để điều hành hệ thống nhằm bảo
đảm điện năng cho phát triển kinh tế và đời sống người dân trong mọi tình
huống. Tuy nhiên các khách hàng nên tiếp tục thực hiện việc xử dụng điện tiết
kiệm, hiệu quả đặc biệt từ nay đến hết năm 2024.
Cần biết là vào mùa hè năm ngoái, nhiều nhà máy thủy điện ở
miền bắc Việt Nam bị thiếu nước dẫn đến tình trạng thiếu điện. Nhiều khu công
nghiệp lớn tại các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phải cắt điện luân phiên khiến
hoạt động sản xuất của các nhà máy lớn có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.
4/ HOA KỲ TĂNG THUẾ ĐỐI VỚI XE
ĐIỆN VÀ PIN TRUNG CỘNG TỪ NGÀY 1/8.
Đại diện bộ thương mại Hoa Kỳ vào hôm qua 22/5 cho biết là
một số mức tăng thuế mạnh của Hoa Kỳ đối với một loạt hàng nhập cảng của Trung
Cộng, bao gồm xe điện, pin và các sản phẩm y tế, sẽ có hiệu lực vào ngày 1
tháng 8 tới đây.
Tổng thống Joe Biden sẽ giữ nguyên các mức thuế do cựu tổng
thống Donald Trump đưa ra trong khi áp dụng các mức thuế khác, bao gồm tăng gấp
4 lần thuế nhập cảng đối với xe điện của Trung Cộng lên hơn 100% và tăng gấp
đôi thuế bán dẫn lên 50%.
Bộ thương mại Hoa Kỳ cho biết là thời gian lấy ý kiến công
chúng kéo dài 30 ngày sẽ kết thúc vào ngày 28 tháng 6. Cơ quan này đang lấy ý
kiến về tác động của việc đề nghị tăng thuế đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, gồm cả
việc mức thuế 25% được đề nghị đối với khẩu trang y tế, găng tay và ống chích.
Trang mạng của bộ cũng cung cấp mức thuế mới cho khoảng 387
danh mục sản phẩm bị ảnh hưởng và ngày giờ thực hiện.
Đề nghị tăng thuế đối với Trung Cộng bao gồm các sản phẩm
được Trung Cộng nhắm đến để thống trị hoặc là các sản phẩm trong các lãnh vực
mà Hoa Kỳ gần đây đã đầu tư đáng kể. Chính phủ Mỹ đang đầu tư hàng trăm tỷ Mỹ
kim vào trợ cấp thuế năng lượng sạch để phát triển xe điện, năng lượng mặt trời
và các ngành công nghiệp mới khác của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết là các biện pháp mới này ảnh hưởng đến
18 tỷ Mỹ kim hàng hóa nhập cảng hiện tại của Trung Cộng bao gồm thép và nhôm,
chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời và cần cẩu.
No comments:
Post a Comment