Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ THÊM MỘT QUAN CHỨC VN BỊ BẮT VÌ ỦNG HỘ QUYỀN LỢI CÔNG NHÂN
Thêm một quan chức có những nỗ lực cải cách luật lao động
Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế bị bắt giữ với cáo buộc "cố ý làm
lộ bí mật nhà nước" trong khi quốc hội nước này đang bầu thêm hai chức
danh lãnh đạo mới.
Trong thông cáo báo chí vào hôm 20/5, tổ chức Dự án 88
(Project 88) dẫn nguồn tin riêng cho hay là ông Vũ Minh Tiến, trưởng ban chính
sách và pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là một người ủng hộ
quyền của công nhân, đã bị bắt giữ.
Tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam
tiết lộ, lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Tiến trước công chúng là vào ngày
21/3 tại một buổi hội thảo ở Sài Gòn. Cho đến nay, bộ công an hoàn toàn im lặng
về vụ này.
Vụ bắt giữ ông Tiến diễn ra không lâu sau khi bộ công an
bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng vụ pháp chế của bộ lao động cùng
với cáo buộc "cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Dự án 88 khẳng định trong
thông cáo là vụ bắt giữ hai ông Tiến và Bình cho thấy mệnh lệnh của chỉ thị 24
đang được nhà nước thực hiện.
Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng ban chính sách pháp luật
của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, Tiến sĩ Vũ Minh
Tiến làm viện trưởng viện Công nhân và Công đoàn từ năm 2018.
2/ LẠI SẬP HẦM ĐƯỜNG SẮT BẮC NAM Ở TỈNH PHÚ YÊN
Hầm đường sắt bắc nam qua tỉnh Phú Yên vừa bị sạt lở vào
khoảng 10 giờ rưởi sáng hôm qua 21/5, nhưng không có thông tin về thương vong
liên quan đến vụ sập hầm này.
Ông Lê Quang Vinh, giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt
Phú Khánh, cho biết hầm đường sắt Chí Thạnh đang được phong tỏa để tu sửa thì
bất ngờ đất đá trên trần hầm sạt xuống. Khoảng 30 thước vuông đất đá từ trần
hầm đã rơi xuống đường rầy. Tuy nhiên vào khi sập hầm không có đoàn tàu nào đi
qua.
Nguyên nhân của vụ sập hầm được xác định là do đất đá lâu
ngày bị phong hóa, cộng với những ngày vừa qua tại Phú Yên có mưa lớn, nước
ngấm vào tầng đất đá trong hầm.
Hiện việc tu sửa hầm đang được thực hiện và theo dự trù vào
chiều tối ngày 21/5, hầm sẽ được thông lại.
Trước đó vào ngày 12/4, hầm Bãi Gió thuộc hệ thống hầm
đường sắt bắc nam cũng bị sạt lở khiến tuyến đường sắt bị tê liệt gần 10 ngày,
gây thiệt hại cho ngành đường sắt hơn 50 tỷ đồng.
3/ VN KÊU GỌI CÁC CÔNG TY CẮT GIẢM VIỆC DÙNG ĐIỆN
Nhà cầm quyền Việt Nam vừa lên tiếng kêu
gọi Foxconn, công ty sản xuất lớn nhất của tập đoàn Apple, hãy tự nguyện giảm
30% mức tiêu thụ điện tại các nhà máy lắp ráp, nhằm tránh tình trạng thiếu điện
như mùa hè năm ngoái.
Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn
nhất thế giới, với nhiều nhà máy đặt tại miền bắc Việt Nam. Theo một nguồn tin,
vào hôm qua 21/5, Hà Nội đã gửi yêu cầu
tiết kiệm năng lượng đến Foxconn, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng dưới
dạng “khuyến
khích” chứ không bắt buộc.
Nguồn tin nói trên không cho biết thời điểm nhà cầm quyền
gửi yêu cầu tới Foxconn, cũng như việc tự nguyện cắt giảm điện sẽ diễn ra trong
bao lâu, nhưng khẳng định điều này sẽ không gây bất kỳ tác động nào đến các
hoạt động sản xuất của công ty.
Trước đó, vào tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết
với các nhà đầu tư nước ngoài là tình trạng thiếu điện sẽ không diễn ra.
Tuy nhiên theo ước
tính sơ khởi của Ngân hàng Thế giới, đợt nắng nóng vào tháng 5 và tháng 6 năm ngoái
đã gây ra tình trạng thiếu điện, làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở miền bắc,
gây thiệt hại hơn 1 tỷ Mỹ kim. Từ đầu năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội đã tăng cường
nhập cảng than đá, yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than tạm lùi lịch bảo trì, và
khuyến khích tiết kiệm năng lượng để tránh tình trạng thiếu điện trong những
tháng cao điểm.
4/ MÁY BAY SINGAPORE BỊ NHIỄU ĐỘNG, MỘT HÀNH KHÁCH TỬ NẠN
Một hành khách thiệt mạng và 30 người bị thương sau khi một
chuyến bay của Singapore Airlines gặp nhiễu động nghiêm trọng vào hôm qua 21/5,
khiến hành khách và phi hành đoàn văng ra khỏi cabin và buộc máy bay phải hạ
cánh xuống Bangkok.
Chuyến bay đi từ London tới Singapore đã rơi vào một lỗ
hổng không khí khi phi hành đoàn đang phục vụ bữa sáng trước khi gặp nhiễu động,
khiến các phi công phải yêu cầu hạ cánh khẩn cấp.
Những hình ảnh chụp từ bên trong máy bay cho thấy có những
vết cắt lớn trên các tấm cabin phía trên, mặt nạ phòng độc và các tấm treo trên
trần nhà cũng như các vật dụng hành lý xách tay bị tung tóe khắp nơi. Một hành
khách cho biết đầu của một số người bị đập vào đèn phía trên ghế và làm thủng
các tấm xốp.
Một người đàn ông người Anh 73 tuổi đã chết trong vụ tai
nạn, có thể do bị nhồi máu cơ tim. Bảy người bị thương nặng, với một số bị
thương ở đầu. Ông cho biết thêm rằng mọi người đều bình tĩnh khi được dẫn ra
khỏi máy bay.
Singapore Airlines cho biết 18 người đã phải nhập viện và
12 người đang được điều trị tại bệnh viện. Hãng này đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn
nhân và thành khẩn xin lỗi về vụ này.
Một hành khách trên chuyến bay cho biết là biến cố này gây
ra cảm giác như bị nhấc bổng lên rồi rơi tõm xuống. Hãng hàng không cho biết chiếc máy bay Boeing
777-300ER có 211 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn khi hạ cánh khẩn
cấp.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Ủy ban An toàn Giao thông Singapore,
tai nạn hàng không liên quan đến nhiễu động là loại phổ biến nhất. Từ năm 2009
đến năm 2018, cơ quan hàng không Hoa Kỳ phát giác là nhiễu động không khí chiếm
hơn một phần ba số vụ tai nạn được báo cáo nhưng không gây hư hỏng máy bay.
No comments:
Post a Comment