Mở đầu chương trình, Vân Hà và Miên Dương mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức
1/ HỘI ĐÀM NHẬT, NAM HÀN VÀ TRUNG CỘNG TẠI SEOUL
Thủ tướng Trung Cộng Lý Cường và
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thủ đô Seoul của Nam Hàn vào hôm qua
26/5, để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua.
Các nước nói trên đã đồng ý tổ
chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm bắt đầu từ năm 2008 để thúc đẩy hợp tác khu
vực, nhưng những bất đồng và đại dịch Vũ Hán đã làm gián đoạn sáng kiến này.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên gần đây nhất là vào cuối năm 2019.
Giới chức Nam Hàn cho biết là
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol, ông Lý Cường và ông Fumio Kishida sẽ thông
qua một tuyên bố chung về sáu lãnh vực bao gồm kinh tế và thương mại, khoa học
và kỹ thuật, y tế và tình trạng lão hóa dân số .
Ông Yoon dự trù sẽ tổ chức các
cuộc đàm phán song phương với ông Lý và ông Kishida một ngày trước khi có cuộc
gặp mặt ba bên vào hôm nay 27/5.
Ông Kishida cũng có kế hoạch gặp
riêng họ Lý, trích dẫn từ chính phủ Nhật Bản, dự trù sẽ nêu lên lệnh cấm nhập
cảng hải sản của Nhật Bản và vấn đề Đài Loan.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra
trong lúc Nam Hàn và Nhật Bản đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt do
tranh chấp lịch sử, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác an ninh ba bên với Hoa
Kỳ, trong bối cảnh sự cạnh tranh Mỹ - Hoa ngày càng gia tăng.
Trung Cộng trước đây đã cảnh cáo
là những nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cao hơn nữa quan hệ với Nam Hàn và Nhật Bản có
thể làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực.
2/ HƠN 670 NGƯỜI
CHẾT TRONG VỤ LỞ ĐẤT Ở PAPUA NEW GUINEA
Liên Hiệp Quốc vào hôm qua 26/5
loan báo là hơn 670 người đã thiệt mạng trong vụ lở đất ở Papua New Guinea
trong khi các nỗ lực giải cứu vẫn tiếp tục.
Giới truyền thông ở Papua New
Guinea, một quốc gia ở Nam Thái Bình Dương, trước đó ước tính là trận lở đất
vào hôm 24/5 đã chôn vùi hơn 300 người. Tuy nhiên, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM)
cho biết là vào ngày 26/5 chỉ có 5 thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát.
Cơ quan IOM ước tính là số người
chết dựa trên thông tin được cung cấp bởi các quan chức tại làng Yambali là hơn
150 ngôi nhà đã bị chôn vùi trong trận lở đất, theo lời của ông Serhan
Aktoprak, người cầm đầu phái đoàn LHQ tại Papua New Guinea.
Bộ ngoại giao Úc cho biết là hơn
6 ngôi làng đã bị ảnh hưởng bởi trận lở đất ở vùng Mulitaka, cách thủ đô Port
Moresby khoảng 600 cây số. Đất đá vẫn tiếp tục lở, mặt đất bị nứt do áp suất
tăng liên miên và nước ngầm vẫn chảy do khu vực có nhiều nguy hiểm cho mọi
người.
Người dân đã rời bỏ hơn 250 ngôi
nhà gần đó để đến nơi trú tạm cùng người thân và bạn bè của họ, với khoảng hơn
1 ngàn người đã phải di dời. Hơn 100 ngôi nhà, một trường tiểu học, một khách
trọ, nhiều cửa tiệm và một trạm xăng đã bị chôn vùi.
Nhiều người bị chôn vùi vẫn chưa
được tìm thấy khi các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu vẫn tiếp tục ở khu vực miền
núi của đất nước, nơi có chung đảo New Guinea với Indonesia.
3/ TỔNG THỐNG
PHÁP CÔNG DU NƯỚC ĐỨC LẦN ĐẦU TIÊN SAU 24 NĂM
Tổng
thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức vào hôm
qua 26/5. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm, một tổng thống Pháp đã công du tới
Đức để thảo luận về cuộc bầu cử nghị viện Âu châu sắp tới, cùng với việc giải
quyết các bất đồng song phương.
Trong chuyến công du này, Tổng thống Macron sẽ thực
hiện một chiến dịch “vô cùng quyến rũ”. Một bức tranh biếm họa cho thấy Tổng
thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã ôm ông Macron, để chứng tỏ rằng tình hữu
nghị Pháp - Đức không thể gói gọn chỉ trong lời nói.
Cần biết là vị tổng thống Pháp rất được yêu mến ở
Đức, mặc dù “cơn sốt Macron” trong nhiệm kỳ 5 năm đầu giờ đã không còn. Nhưng
bài phát biểu bằng tiếng Đức của TT Macron tại Bundestag vào đầu năm trong lễ
tưởng niệm Wolfgang Schäuble đã gây ấn tượng tới nhiều người.
Tại Dresden, vị tổng thống Pháp muốn hướng về giới
trẻ, giống như TT Charles de Gaulle từng làm vào năm 1962. Chặng dừng ở
tiểu bang Saxe lần này cho thấy 35 năm sau khi bức tường sụp đổ, mối quan hệ
giữa hai nước không còn bị thu hẹp lại ở Tây Đức như xưa nhờ vào chính sách
hướng đông của Paris.
Những hình ảnh
mang tính biểu tượng nói trên chắc chắn sẽ gây ấn tượng với các quan chức Đức
trước cuộc bầu cử nghị viện Âu châu. Tuy nhiên, cuộc họp nội các chung vào ngày
28/5 sẽ trở lại các vấn đề hiện hữu với năm chủ đề nan giải cần giải quyết,
trong đó có việc trợ giúp dành cho Ukraine hay phòng thủ Âu châu.
4/
UKRAINA MỜI HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG THAM DỰ HỘI NGHỊ HÒA BÌNH
Tổng thống Ukraina Volodymyr
Zelensky vào hôm qua 26/5, đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo
Trung Cộng Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới, trong
khi đất nước của ông đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công không ngừng của
Nga trong cuộc xâm lược kéo dài 27 tháng qua.
Trong những tuần qua, lực lượng
Nga đã tiến thêm trên chiến trường và tăng cường không kích vào các thành phố.
Chính phủ Ukraine hy vọng cuộc họp vào tháng 6 tại Thụy Sĩ sẽ giúp gây áp lực
quốc tế lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong đoạn phim bằng Anh ngữ
được quay bên trong một nhà in bị phá hủy và cháy đen hôm 23/5 vì cuộc không
kích của Nga, ông Zelensky nói rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ cho thấy ai trên
thế giới thực sự muốn chấm dứt chiến tranh. Ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh
đạo thế giới hãy thể hiện sự lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy một nền hòa
bình thật sự. Tuy nhiên, phía Nga cho biết họ không thấy ý nghĩa của hội nghị
này mà nước Nga hiện không được mời tham dự.
Lời kêu gọi của ông Zelensky
được đưa ra hai ngày, sau khi các nguồn tin Nga cho biết là ông Putin sẵn sàng
ngưng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán để công nhận
các chiến tuyến hiện tại. Tuy nhiên ông Zelensky và những người ủng hộ Ukraina
nói rằng lệnh ngừng bắn sẽ chỉ giúp Nga tái vũ trang và tập hợp lại lực lượng.
Trong những tháng qua, quân Nga
đã đạt được những tiến bộ chậm nhưng ổn định dọc theo một số khu vực của mặt
trận phía đông rộng lớn và đang cố gắng tiến sâu hơn vào khu vực đông bắc
Kharkov, sau khi một cuộc tấn công được phát động vào đầu tháng này.
No comments:
Post a Comment