Saturday, May 4, 2024

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một người xuất thân từ trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang vào năm 1965, thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến, về sau làm Trưởng ban Văn Nghệ của đài Phát thanh và Truyền hình Quân Đội. Ông là nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với nhiều nhạc phẩm bất hủ. Ngoài ra, ông còn là ca sĩ có giọng ca truyền cảm, được xem là một trong bốn nam ca sĩ nổi tiếng thời VNCH, được nhiều người ái mộ qua ca khúc Hoa Trinh Nữ do chính mình sáng tác.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Trần Thiện Thanh sinh ngày 12/6/1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thân phụ gốc Huế, tên là Trần Thiện Hải, một nghệ sĩ kiêm soạn giả nổi tiếng vùng Phan Thiết. Thân mẫu, người gốc ở Bắc Ninh.

Thời niên thiếu, Trần Thiện Thanh học trường công lập Phan Bội Châu, sau đó chuyển sang trường Ngô Đình Khôi của giáo hội Công Giáo trong thành phố Phan Thiết. Đến năm 1958, Trần Thiện Thanh vào Sài Gòn học thêm, ra trường làm thầy giáo.

Thuở nhỏ đam mê âm nhạc và ca hát, nhưng vì nhà nghèo nên Trần Thiện Thanh tự học nhạc lý qua sách vở. Đến năm 16 tuổi, bắt đầu có những sáng tác đầu tay được nhiều người ưa chuộng, nhạc phẩm tiêu biểu nhất trong thời gian này là bài Hàn Mặc Tử.

-Năm 1964, Trần Thiện Thanh đưa vợ con về nhà cha mẹ ở Phan Thiết, ra Nha Trang thụ huấn khóa Hạ Sĩ Quan tại trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế.

-Năm 1965, mãn khóa thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chιến. Đến tháng 4 năm 1975, ông được bổ nhiệm chức Trưởng ban Văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội.

Những sáng tác của ông trong giai đoạn này viết về tình yêu và tâm sự của người lính. Ông nói: “Tôi lớn lên vào những ngày tháng khói lửa, tôi nghĩ đến những khổ đau kiêu hùng của đời lính, sự mất mát của mỗi người trong chiến cuộc là nguyên nhân chính, ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi”.

Một số nhạc phẩm tiêu biểu của thể loại này như: Tạ Từ Trong Đêm, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Đồn Vắng Chiều Xuân, Chiều Trên Phá Tam Giang, Biển Mặn, Rừng Lá Thấp, Chuyện Tình Mộng Thường, Tình Thư Của Lính .v.v.

-Sau tháng 4 năm 1975, toàn bộ các sáng tác nhạc của Trần Thiện Thanh bị cấm lưu hành, bản thân ông không những bị cấm hát, mà còn bị đi tù cải tạo vì từng làm việc cho VNCH.

Sau khi ra khỏi trại tù, ông vượt biên thất bại, bị bắt giam cho đến năm 1978 mới được ra tù. Thời gian sau đó, do bị cấm hoạt động văn nghệ, ông ẩn mình trong đoàn hát của ông bầu Ngọc Giao, để đi hát mưu sinh ở các làng xã dọc miền Trung và miền Tây Nam Phần.

-Năm 1984, mặc dù các sáng tác từ trước năm 1975 vẫn bị cấm đoán nghiêm ngặt, nhưng ông được nhà cầm quyền cho hát trở lại. Nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Trần Thiện Thanh ra đời trong giai đoạn này là bài Chiếc Áo Bà Ba.

-Từ năm 1991, nhà cầm quyền nới lỏng văn nghệ, nên các ca khúc của ông được đánh giá là “vô hại”, đơn thuần là các bản nhạc tình cảm được lưu hành trở lại như: Tình Có Như Không, Chuyện Hẹn Hò, Gặp Nhau Làm Ngơ, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối .v.v.

Sau một thời gian tạm định cư tại Hoa Kỳ, Trần Thiện Thanh dọn về sống chung với nữ ca sĩ Mỹ Lan cho đến khi qua đời vào năm 2005. Cuộc hôn phối này đã mang đến cho ông thêm một người con trai tên là Trần Thiện Anh Chí.

-Ngày 12/5/2004, Trần Thiện Thanh trở thường trú nhân, nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông được bác sĩ báo tin về căn bệnh ung thư phổi. Đúng một năm sau, vào ngày 13/5/2005, Trần Thiện Thanh qua đời tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 63 tuổi.

Tang lễ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được người nhà tổ chức với nghi thức Công Giáo và Phật giáo, thể theo lời yêu cầu của người con trai lớn là Anh Chương. Sau khi hỏa táng, tro cốt ông được gia đình đưa về Việt Nam gửi vào chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

****

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được xem là một thiên tài về văn nghệ, không những về sáng tác nhạc, mà còn là một ca sĩ có giọng ca truyền cảm với nghệ danh Nhật Trường. Những khúc tình ca của ông đã làm ấm lòng chiến sĩ Cộng Hòa và giới mộ điệu trong lúc quê hương đang chìm trong khói lửa.

Ông “ra đi” để lại nhiều thương tiếc cho mọi người. Những tác phẩm âm nhạc và tiếng hát của ông gửi gấm tình yêu quê hương, tình chiến hữu, tình yêu lứa đôi đầy tính nhân văn, đã tô điểm cho cuộc sống con người thêm tươi đẹp và có ý nghĩa.

Qua 12 năm sống ở Hoa Kỳ, ông đã góp nhiều công sức trong sinh hoạt văn nghệ hải ngoại. Và trong những năm tháng cuối đời, ông cũng đã trọn nghĩa, vẹn tình với ca sĩ Mỹ Lan và con trai Trần Thiện Anh Chí.

Tên ông sống mãi trong tâm khảm của giới mộ điệu, và nhất là trong lòng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Giờ đây ở nơi chín suối, chắc ông sẽ nở nụ cười mãn nguyện khi thấy rất nhiều người vẫn thương mến, nhắc nhớ đến tên mình: nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và ca sĩ Nhật Trường.

 

No comments:

Post a Comment