Tiếp theo đây, mời quý thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Vân Hà và Hướng Dương.
1/CĂNG THẲNG Ở BIỂN ĐÔNG, PHILIPPINES TĂNG CƯỜNG AN NINH HÀNG HẢI.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ra lệnh cho chính phủ tăng cường phối hợp an ninh hàng hải để đương đầu với một loạt thách thức nghiêm trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ vào lúc các tranh chấp với Trung Cộng leo thang.
Tổng thống Marcos Jr. đã ký sắc lệnh vào hôm thứ Hai 25/3 và được công bố hôm qua 31/3, nội dung nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền và quyền tài phán hàng hải đối với các vùng biển rộng lớn của Philippines.
Lệnh này của Tổng thống Marcos Jr. cho phép mở rộng và tổ chức lại hội đồng hàng hải của chính phủ khi cho đổi tên Hội đồng Giám sát Bờ biển Quốc gia thành Hội đồng Hàng hải Quốc gia, bổ sung cố vấn an ninh quốc gia và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia và lực lượng đặc nhiệm Biển Đông.
Cơ quan hàng hải mới này chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách và chiến lược nhằm bảo đảm sự thống nhất, phối hợp và hiệu quả cho an ninh hàng hải. Hội đồng Hàng hải Quốc gia sẽ được 13 cơ quan và bộ ngành trợ giúp, trong đó có bộ quốc phòng và cơ quan tình báo quốc gia. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm quốc gia về biển tây Philippines cũng sẽ trực thuộc Hội đồng.
Văn thư này tuy không đề cập đến Trung Cộng nhưng diễn ra sau một loạt các cuộc đối đầu và cáo buộc lẫn nhau giữa hai nước ở Biển Đông. Ông Marcos Jr. cho rằng bất chấp các nỗ lực nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh hàng hải, nhưng Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như nền hòa bình của người dân Philippines.
Sắc lệnh này được ban hành vài ngày sau khi Tổng thống Marcos Jr. cho biết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó chống lại các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn và nguy hiểm của hải cảnh và ngư dân võ trang của Trung Cộng.
Sự căng thẳng giữa Philippines và Trung Cộng ở Biển Đông sẽ là chương trình nghị sự cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của bộ ba Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines dự trù diễn ra tại Washington trong tháng 4 này. Nhân cuộc họp này, bộ ba này sẽ thông báo tổ chức các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông.
2/ ẤN ĐỘ GIẢI CỨU CÁC CÔNG DÂN BỊ LỪA ĐẢO Ở CAMPUCHIA.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đã giải cứu những công dân bị dụ dỗ sang làm việc ở Campuchia và bị buộc phải tham gia vào các âm mưu lừa đảo qua mạng.
Trong tuyên bố vào hôm 30/3, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal cho biết là tòa đại sứ Ấn Độ tại Campuchia đang làm việc với nhà cầm quyền Campuchia và đã giải cứu khoảng 250 người Ấn Độ, trong đó có 75 người trong ba tháng qua.
Ông Jaiswal cho biết như trên trong lúc các tin tức nói rằng hơn 5 ngàn người Ấn Độ bị mắc kẹt ở Campuchia và bị buộc phải thực hiện các vụ lừa đảo qua mạng nhắm vào người dân ở quê nhà. Chính phủ và tòa đại sứ Ấn Độ tại Campuchia đã ban hành một số khuyến cáo về các vụ lừa đảo trên.
https://www.voatiengviet.com/a/7550877.html
3/ PHÁP SẼ GỬI CHO UKRAINA HÀNG TRĂM XE BỌC THÉP VÀ PHI ĐẠN ASTER.
Vào hôm qua 31/3, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết sẽ chuyển giao cho Ukraina nhiều thiết bị quân sự, chính yếu là các mẫu mã cũ, để trợ giúp Ukraina chống lại quân Nga.
Trong viện trợ quân sự mới cho Ukraina, Bộ trưởng Lecornu giải thích là quân đội Ukraina cần các loại chiến cụ để chiến đấu trên những chiến tuyến rộng lớn, bao gồm các xe bọc thép để chở binh lính, hay các phi đạn Aster phòng không. Ông nhấn mạnh mặc dù là những thiết bị đời cũ nhưng vẫn hoạt động và có thể mang lại lợi ích cho Ukraina.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp cho biết sẽ thúc đẩy sản xuất phi đạn Aster và có thể chuyển giao hàng trăm phi đạn này cho Kiev trong năm nay hoặc đầu năm 2025.
Về tình hình chiến sự ở Ukraina, vào sáng Chủ nhật 31/3, lực lượng không quân Ukraina cho biết Nga đã bắn 16 phi đạn và 11 drones vào lãnh thổ nước này trong đêm trước đó. Tại thành phố Lviv, ít nhất một người đã thiệt mạng trong vụ oanh kích của Nga.
Cần biết là từ hơn một tuần qua, quân Nga đã tăng cường các chiến dịch không quân tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraina. Vào hôm thứ Bảy 30/3, công ty năng lượng lớn nhất của nước này là DTEK cho biết 5 trong số 6 nhà máy đã bị hư hại, ảnh hưởng đến 80 % công suất sản xuất điện, và việc sửa chữa thiệt hại có thể mất đến 18 tháng.
Vào hôm thứ Sáu 29/3, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại nhiều nhà máy nhiệt điện, khiến ít nhất 4 vùng của Ukraina bị mất điện.
No comments:
Post a Comment