Trong cuộc tương tranh quyền lực giữa phe công an của Tô Lâm và Vương Đình Huệ thì phe nhóm Ông Huệ đang lép vế vì đàn em của mình bị phe công an bạch hóa hồ sơ tham nhũng. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích từ báo Người Việt với tựa đề: “Vương Đình Huệ gãy ghế?” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân/Người Việt
Tin đồn bắt đầu rộ lên từ ngày 8 Tháng Tư sau khi công an bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Cổ Phần Tập Đoàn Thuận An (Thuận An Group), nhưng vụ bắt bớ được giữ kín. Ông Hưng được cho là người thân cận với ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội. Và nếu tin đồn là đúng thì ông Huệ đang gặp nguy hiểm.
Một tuần sau vụ bắt bớ, phải đến hôm 15
Tháng Tư, truyền thông trong nước mới dẫn lời Trung Tướng Tô Ân Xô, phát ngôn
viên Bộ Công An, cho biết, ông Nguyễn Duy Hưng cùng với ông Trần Anh Quang, tổng
giám đốc và ông Nguyễn Khắc Mẫn, phó tổng giám đốc, đã bị bắt, bị khởi tố điều
tra về các tội “đưa hối lộ,” “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây
hậu quả nghiêm trọng.”
Vụ bắt ban lãnh đạo tập đoàn Thuận An
Group và ông Nguyễn Duy Hưng tương tự một vụ mới đây là vụ bắt ban lãnh đạo tập
đoàn Phúc Sơn và ông Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch, hỗn danh “Hậu Pháo,” cũng về các
tội danh “đưa hối lộ” và sai phạm trong đấu thầu.
Vụ Phúc Sơn dẫn tới kết quả là lãnh đạo
cao nhất của hai tỉnh Vĩnh Phú và Quảng Ngãi bị truy tố, khai trừ đảng. Đỉnh điểm
của vụ Phúc Sơn là ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, bị bãi nhiệm tất cả mọi chức
vụ. Tuy đảng và chính quyền không công khai thừa nhận, nhưng tin đồn cho rằng,
ông Thưởng ngã ngựa vì một đàn em của ông, Đặng Trung Hoành, chánh Văn Phòng
Huyện Ủy Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long quê ông Thưởng, đã nhận của ông “Hậu
Pháo” 60 tỷ đồng ($2.3 triệu) để xây nhà thờ tộc cho ông.
Vụ bắt ông Nguyễn Duy Hưng và tập đoàn Thuận
An Group có dẫn tới một kết quả tương tự như vụ Phúc Sơn của ông “Hậu Pháo” hay
không, và ông Vương Đình Huệ có phải là người sẽ ngã ngựa tiếp theo ông Võ Văn
Thưởng hay không – đây là những câu hỏi đang được những người theo dõi tình
hình chính trị ở Việt Nam tìm câu trả lời.
Nhưng theo báo Tiền Phong hôm 16 Tháng Tư
cho biết: “Thuận An Group đã tham gia tổng cộng 51 gói thầu và đã trúng 39 gói
thầu, trượt tám gói, và bốn gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói
trúng thầu là hơn 22,600 tỷ đồng ($893.7 triệu). Trong số này, có hơn 8,200 tỷ
đồng ($324.2 triệu) thuộc về các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu với
vai trò độc lập là hơn 144,300 tỷ đồng ($5.7 tỷ).”
Một doanh nghiệp nhỏ như Thuận An mà được chính quyền ban cho nhiều hợp đồng xây cất có giá trị lớn như vậy thì chắc chắn phải có hai “thế mạnh:” Một là được chống lưng của một số quan chức ở cấp rất cao, hai là chịu bỏ ra những khoản tiền rất lớn để hối lộ. Trong ngành xây dựng ở Việt Nam, khoản “bôi trơn” hay “lại quả” mà nhà thầu phải chi cho chủ đầu tư và quan chức có thẩm quyền thường chiếm từ 10% đến 30% giá trị công trình.
Quan chức và doanh nghiệp câu kết với nhau để lũng đoạn kinh tế đất nước, bòn rút tài sản quốc gia là chuyện không mới; hầu như quan chức nào ở Việt Nam cũng có “doanh nghiệp sân sau;” quan chức càng cao cấp thì sân sau càng mạnh.
Ông Vương Đình Huệ không phải là ngoại lệ
và quan hệ của ông ta với tập đoàn Thuận An Group của đàn em đồng hương Nguyễn
Duy Hưng chắc cũng giống như quan hệ của cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc với
công ty Việt Á hoặc của cựu Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng với tập đoàn Phúc Sơn.
Ông Phúc và ông Thưởng đã bị bãi chức vì “trách nhiệm chính trị của người đứng
đầu” thì số phận của ông Huệ chắc sẽ không khác.
Ông Huệ hoàn toàn có thể bác bỏ những tin
đồn như trên và chứng minh mình trong sạch, nhưng một khi các ông Nguyễn Duy
Hưng và đặc biệt là ông Phạm Thái Hà nhận tội thì ông Huệ không thể vô can.
Cũng trên trang Tiếng Dân, tác giả Lê Văn Đoành đưa tin “Vương Đình Huệ đã viết
đơn xin thôi tất cả các chức vụ trong đảng và chức chủ tịch Quốc Hội.” Tin này
chính xác hay không thì một vài hôm nữa mới biết được.
“Chiến dịch” hạ bệ ông Võ Văn Thưởng cuối tháng trước, rồi ông Vương Đình Huệ hiện nay đều do một tay ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, đạo diễn. Như chúng tôi có lần thưa với bạn đọc, tất cả các quan chức chóp bu trong đảng và chính phủ Việt Nam đều có nhiều tội ác, và đều được Bộ Công An lập hồ sơ theo dõi, cất trong kho bí mật, khi cần thì đem ra để triệt hạ đối thủ.
Cái tội của ông Thưởng và ông Huệ là dám ngáng đường ông Tô Lâm đến chiếc ghế quyền lực nhất nước, ghế tổng bí thư đảng CSVN – thay cho ông Nguyễn Phú Trọng già nua ốm yếu, chẳng biết chết lúc nào. Vài người trích dẫn điều lệ đảng CSVN để nói rằng, ông Tô Lâm không thể lên thay ông Trọng vì ông Lâm chưa phải là một trong “tứ trụ,” rằng chỉ có ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai và ông Phạm Minh Chính có đủ “tiêu chuẩn” ngồi vào ghế tổng bí thư vì đã ngồi trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính Trị. Nói như thế không sai nhưng thực tế, điều lệ đảng CSVN chỉ như một thứ vải thưa che mắt thánh, khi cần thì người ta có thể vứt như vứt một miếng giẻ rách, miễn là đạt được tham vọng.
Thèm khát quyền lực, ông Tô Lâm sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai cản đường ông ta. Bộ Công An của ông Lâm đã trở thành một thứ kiêu binh, tác oai tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng nhưng không ai dám hé răng phản đối. Quyền hành ở Việt Nam bây giờ thực sự nằm trong tay ông Tô Lâm và guồng máy công an trị, câu kết với Trung Quốc.
Ông Huệ chẳng tốt đẹp gì nhưng nếu ông Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, độc chiếm chiếc ghế quyền lực nhất nước đất nước lại rơi vào một giai đoạn tối tăm hơn. Triển vọng một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và hòa đồng với thế giới văn minh xem ra còn xa xôi hơn nữa.
No comments:
Post a Comment