Wednesday, April 17, 2024

Những ngôi sao bay đi.

Chuyện Nước Non Mình

Bóc lột, bạc đãi và khinh khi là chủ trương của những kẻ cầm quyền ở VN trong tất cả mọi lãnh vực.

Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “ Những ngôi sao bay đi của Võ Xuân Sơn sẽ được Hải Vân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.

Võ Xuân Sơn.

Một bác sĩ, thuộc hàng đầu ngành về chẩn đoán hình ảnh, nhắn cho tôi: “Em đã nghỉ ở bệnh viện… và về bệnh viện… rồi anh nhé“. Bệnh viện mà bác sĩ ấy nghỉ là một bệnh viện thuộc hàng đứng đầu của cả nước.

Tôi thoáng buồn cho cái bệnh viện, nơi chúng tôi đã từng cùng nhau trưởng thành, cùng nhau phát triển chuyên môn. Những “ngôi sao” cứ “rơi rụng” dần. Tất nhiên, tre già thì măng mọc, “ngôi sao” này bay đi, sẽ có “ngôi sao” khác thế vô. Cái bệnh viện, nơi chúng tôi đã từng cùng nhau trưởng thành, cùng nhau phát triển chuyên môn, đã trở thành cái lò đào tạo và là nơi phát tán những “ngôi sao”.

Đó là khi tự an ủi mình, thì chúng tôi nói thế. Chứ thực ra, khi bước chân ra đi theo kiểu như chúng tôi, người ta không còn muốn coi chúng tôi là những người có mối liên quan gì với họ. Cứ mỗi lần xem thấy mấy anh chị em bác sĩ, điều dưỡng hay y tá làm việc tại đó cho đến khi nghỉ hưu, được mời đến mỗi dịp Tết, lại cảm thấy có gì đó rất bất nhẫn.

Danh tiếng mà bệnh viện có được hôm nay, đều nhờ sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên khác. Trong đó, phần đóng góp của các “ngôi sao” là không hề nhỏ. Thế nhưng, khi ai đó ra đi mà không phải là do thăng chức hay nghỉ hưu, đều bị coi như kẻ phản bội.

Tôi gọi điện thoại hỏi thăm, tại sao bạn ấy nghỉ. Bạn ấy hỏi lại tôi: “Vậy anh muốn em làm ở đó hoài sao?”. Tất nhiên là ai thì trước sau gì cũng phải nghỉ. Bệnh viện công mà. Nhưng nói chuyện một hồi, thì mới biết, bệnh viện chẳng tôn trọng gì bạn ấy. Trong khi đó thì bao nhiêu nơi mời chào, lôi kéo, với những hứa hẹn, cả về đãi ngộ, và mua sắm trang thiết bị, phát triển chuyên môn…

Khi tôi nghỉ bệnh viện công, cảm nhận không được tôn trọng của tôi không rõ ràng lắm. Sau khi nghỉ một thời gian, ra làm tư nhân, tôi dần nhận thấy, suốt thời gian 20 năm làm việc trong bệnh viện công, mặc dù tôi coi đó là ngôi nhà thân yêu, là sự nghiệp, là danh dự, thì họ, tức là nhà nước, Bộ Y tế, là các cơ quan quản trị… rất coi thường mình.

Lý do thôi thúc tôi nghỉ khỏi bệnh viện công khi đó, là tôi không thể phát triển chuyên môn được. Hơn 7 năm trời loay hoay tìm đủ mọi cách để áp dụng kỹ thuật này, kỹ thuật khác, trong một cái bệnh viện có thể nói là to nhất nước, chuyên môn hàng đầu cả nước, nhưng tôi đã không thể làm gì được. Vậy mà, chỉ với 2 năm ra ngoài, trong một bệnh viện tư nhỏ, và số vốn đầu tư ít ỏi của bản thân mình, tất nhiên là cộng với một chút may mắn, tôi đã làm được tất cả những gì ấp ủ trong 7 năm, và còn làm thêm được một số việc khác nữa.

Cái được lớn nhất của tôi là tầm nhìn được mở mang. Ngay cả trong hành nghề, mọi thứ được nhìn với con mắt chuyên nghiệp hơn, từ tạo dựng hệ thống, quy trình chuyên môn, tổ chức chăm sóc, giao tiếp… Tôi ngộ ra được nhiều điều. Và chính vì những điều tôi ngộ ra đó, tôi mới nhận ra, mình đã từng bị coi thường như thế nào.

Họ trả cho tôi đồng lương chết đói, và đòi hỏi thì vô biên. Toàn bộ nguồn sống của tôi là từ làm việc ngoài giờ. Tôi lấy tiền mình làm ra trong cái thời gian ngoài giờ đó, để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công việc của bệnh viện. Nhưng họ không quan tâm đến chuyện ấy. Lúc nào họ cũng sợ tôi lôi kéo bệnh nhân từ bệnh viện về phòng mạch của mình.

Khi gặp ông chủ tịch Rotary Club khu vực Kansai, Nhật Bản, tôi cho ông ấy biết khó khăn của mình khi muốn phát triển chuyên môn. Ông đã gợi ý sẽ tặng cho bệnh viện nơi tôi làm việc một kính hiển vi phẫu thuật loại có thể mổ thần kinh (loại hàng đầu) để tôi có thể mổ những ca phức tạp.

Đoàn của ông qua thăm bệnh viện, với ý định trợ giúp nhiều hơn so với chuyện tặng một cái kính hiển vi phẫu thuật. Nhưng gặp sự căng thẳng, nạt nộ của anh công an phụ trách an ninh của bệnh viện (vì tôi chỉ xin phép Ban Giám đốc mà không xin phép anh ấy), từ đó dẫn đến sự thờ ơ, né tránh của lãnh đạo, cái kính hiển vi phẫu thuật loại xịn đã trở thành 2 cái kính loại chỉ dùng được cho phẫu thuật nhỏ. Thực ra thì trước đó, tôi đã nói với họ rằng họ không cần phải tặng gì nữa cả.

Không chỉ cá nhân tôi không được tôn trọng, không chỉ Rotary Club Kansai không được tôn trọng, mà phẩm chất chuyên môn cũng không được tôn trọng, người bệnh lại càng không được tôn trọng.

Nghề y thì ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người, ở đâu cũng là cống hiến. Ở đâu có điều kiện phát triển, thì trụ lại. Ở đâu tôn trọng đúng mức, thì gắn bó. Không có thứ văn hóa nào, không có quy ước đạo đức nào bắt chúng ta phải trung thành với những kẻ không tôn trọng mình.

 

No comments:

Post a Comment