Kính thưa quý thính giả,
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm VN, rất nhiều trí thức tham gia kháng chiến giành độc lập cho nước nhà. Mục tiêu thì chung, nhưng chủ trương khác nhau. Có người chọn con đường võ trang nổi dậy, có người chọn giải pháp ôn hòa. Trong số chọn giải pháp ôn hòa có một người chủ trương hợp tác với Pháp để xây thêm trường học, mở mang dân trí và nâng cao dân khí, hầu mang lại ấm no cho đồng bào.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chí sĩ Phan Chu Trinh” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Phan Chu Trinh sinh ngày 9/9/1872, tại huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cha là ông Phan Văn Bình và mẹ là bà Lê Thị Chung. Năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh, học chung với các Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liệu.
-Năm 1900, đỗ Cử Nhân, một năm sau đó đỗ Phó Bảng.
-Năm 1903, được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.
-Năm 1905, từ quan, cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đi thăm miền Nam, với mục đích tìm hiểu dân tình và tìm người đồng chí hướng. Sau đó, ra Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội hội ý với các sĩ phu.
-Năm 1906, Phan Chu Trinh sang Quảng Đông gặp Phan Bội Châu trao đổi ý kiến, rồi cùng sang Nhật tiếp xúc với nhiều nhà chính trị Duy Tân của nước này.
-Mùa hè năm 1906, về nước, gửi thư cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần sai trái của chế độ thực dân, yêu cầu Pháp sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt tiến theo nền văn minh Tây phương.
Sau đó, với phương châm “tự lực khai hóa” và “tư tưởng dân quyền”, Phan Chu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận vận động cho phong trào Duy Tân với khẩu hiệu: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.
Thời gian này, Phan Chu Trinh viết bài “Tỉnh quốc Hồn ca”, kêu gọi Duy Tân theo hướng Dân chủ Tư sản. Hưởng ứng lời kêu gọi này, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận đã mở nhiều trường học, thư xã, thương nghiệp.
-Tháng 3 năm 1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ bị Pháp đàn áp dữ dội. Cụ Phan và nhiều thành viên bị bắt. Tòa Khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn xử tử, nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp trong Hội Nhân Quyền tại Hà Nội, nên Cụ chỉ bị kết án biệt xứ và đày đi Côn Đảo. Sau đó, nhờ dư luận và sự vận động của Hội Nhân Quyền Pháp, Cụ được ân xá, đưa về Mỹ Tho quản thúc.
Do muốn tìm người dạy Hán Văn tại Pháp, nhà cầm quyền Đông Dương mời cụ Phan và con trai là Phan Châu Dật sang Pháp.
-Đến Pháp, Cụ trao cho Hội Nhân Quyền bản điều trần về vụ đàn áp tại Trung Kỳ, tố cáo tình trạng các tù nhân ở Côn Sơn bị đối xử tồi tệ và nhờ Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho họ. Cụ tiếp xúc với các nhân vật cao cấp ở Bộ Thuộc Địa, đưa ra những dự án cải tổ nền chính trị tại Việt Nam nhưng không có kết quả, vì thế lực của thực dân quá mạnh. Trong khoảng thời gian này, Cụ viết cuốn “Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam”.
-Ngày 3 tháng 8, Đức tuyên chiến với Pháp. Pháp bắt Cụ và Phan Văn Trường đi lính, nhưng cả 2 đều phản đối vì không phải là công dân Pháp. Mấy tháng sau, 2 người bị Pháp bắt giam và kết tội làm gián điệp cho Đức. Thế nhưng, vì không đủ bằng chứng buộc tội, Pháp đành trả tự do cho cả 2. Sau khi ra tù, cụ Phan phát hành tuyển tập thơ “Santé thi tập” với hơn 200 bài sáng tác trong tù.
Thấy ở Pháp không hoạt động được, nhiều lần Cụ yêu cầu chính phủ Pháp cho về nước, nhưng đều không được chấp thuận. Mãi đến năm 1925, khi thấy sức khỏe Cụ quá yếu, Pháp mới cho về nước. Trong thời gian này, Cụ viết cuốn “Đông Dương chính trị luận”.
-Ngày 26/6/1925, Cụ về tới Sài Gòn. Tuy bị bệnh, nhưng Cụ cố gắng diễn thuyết thêm 2 đề tài: “Ðạo đức và luân lý Đông Tây”, “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”.
Ngày 24/3/1926, cụ Phan từ trần tại khách sạn Chiêu Nam Lầu. Cụ được một Ủy Ban gồm nhiều nhân sĩ và giới trí thức tổ chức lễ Quốc Táng tại Sài Gòn.
*****
Nhờ vào tấm lòng yêu nước thương dân, Cụ được đồng bào mến phục, nên nhiều con đường tại thủ đô Sài Gòn và các tỉnh thành được đặt tên Phan Chu Trinh.
Nhìn lại thời kỳ đen tối và hủ nát hiện nay của chế độ cộng sản, người Việt càng khâm phục chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" do cụ Phan đề ra. Nếu so với thời phong kiến thực dân thời Cụ, thì tình trạng thối nát của tập đoàn cộng sản VN đã vượt qua xa. Nền giáo dục hiện nay đã suy thoái đến độ vô phương cứu chữa, dẫn đến sự tha hóa trong xã hội và nền đạo đức bị băng hoại. Với "dân trí và dân khí" như thế thì chuyện mất nước là điều không thể tránh khỏi, nói chi đến dân sinh.
Là con cháu của một bậc tiền bối có tài năng lỗi lạc như
cụ Phan Chu Trinh, chúng ta sẽ
làm gì khi Việt
Nam đang lún sâu vào vũng lầy suy thoái, sắp trở thành quận huyện của Tàu Cộng phương Bắc? Câu trả lời xin dành cho
những người con nước Việt!!!
No comments:
Post a Comment