Friday, April 26, 2024

TRUNG CỘNG ĐANG LẤP LÓ Ở SÂN SAU CỦA VIỆT NAM

Quan Điểm
Campuchia giờ đây đang là mối đe dọa mới cho Việt Nam, khi mà tàu chiến Trung cộng đã hiện diện tại căn cứ Hải quân Ream và hỗ trợ dự án kênh đào Phù Nam Techo. Phú Quốc và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có thể khơi mào cho cuộc chiến xâm lược của Tàu cộng.Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm củaLLCQvới tựa đề:“TRUNG CỘNG ĐANG LẤP LÓ Ở SÂN SAU CỦA VIỆT NAM”, qua giọng đọc của Hướng Dương để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Sau 46 năm kể từ sau những cuộc tấn công biên giới Tây Nam nước ta, do tổ chức chính trị cộng sản cực tả Khmer Đỏ, một đàn em của Trung cộng, cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979  thực hiện, thì giờ đây một kịch bản tương tự cũng có thể đang được Tàu cộng và thế lực cầm quyền ở Campuchia âm thầm tiến hành. Tham vọng bá quyền và bành trướng của Trung cộng không thể thiếu những quốc gia bị lợi dụng và bị mua chuộc như: Campuchia, Lào hay Thái Lan.

Gây chia rẽ và khoét sâu mối thâm thù giữa các quốc gia nhược tiểu, là lá bài chiến lược mà Tàu cộng đã thực hiện trong nhiều thập niên qua và thật đáng buồn là nó đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Phù Nam tên gọi của một vương quốc cổ đã từng tồn tại trên vùng đất Nam bộ của Việt Nam ngày nay, đang được cha con nhà Hunsen và Hun Manet đặt tên cho dự án kênh đào Phù Nam Techo. Không có gì là ngẫu nhiên khi chính quyền Campuchia lại chọn tên của một vương quốc cổ đã không còn tồn tại trên thực tế cho một dự án hợp tác với Trung quốc. Chúng ta cũng cần nhắc lại lịch sử, rằng không riêng gì Khơ-me Đỏ, mà các quan chức Campuchia đều ngấm ngầm nhắc nhở người dân của họ rằng Nam Kỳ Lục Tỉnh, đảo Phú Quốc và Thổ Chu..v.v… trước đây đều là lãnh thổ của Campuchia, mà không cần nhắc đến nguyên nhân và bối cảnh lịch sử của nó. Đương nhiên không thể thiếu bàn tay lông lá của Trung cộng, khuấy đảo hoặc khuynh loát, để tạo ra những nghi kỵ, hiềm khích giữa những vấn đề sinh tử về tranh chấp lãnh thổ, thể chế, văn hóa hay tín ngưỡng. Để rồi Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi, Tàu cộng chính là kẻ hưởng lợi.

Không chỉ dừng lại ở đó, một thông tin đáng lo ngại khác đã xác nhận, là chính quyền Campuchia đã cho phép hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc có mặt tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong phần lớn thời gian của hơn bốn tháng qua. Động thái trên đây của chính phủ Campuchia cho thấy sự khắng khít về mặt kinh tế và quân sự, mang tầm vóc chiến lược giữa Campuchia và Trung quốc là không thể chối cãi. Nếu Trung cộng có khả năng điều động chiến hạm hay các khí tài quân sự khác, ra vào Vịnh Thailand với sự hợp tác của chính quyền Campuchia, thì sân sau của Việt Nam đang bị đe dọa. Không những Phú Quốc mà cả các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam cũng có khả năng lập lại kịch bản bán đảo Crime của Ukraine. Khác với Philippines, csVN không có bất cứ một liên minh quân sự nào, nên không thể hình dung được khả năng ứng phó của csVN với các cuộc tấn công chiếm đảo trên Biển Đông của Tàu cộng, nếu nó xẩy ra. Suy cho cùng thì Trung cộng đang gần như tung hoành ngang dọc trên Biển Đông và liên tục uy hiếp các quốc gia trong khối Asian. Ngoại trừ Philippines là nước có những tuyên bố đáp trả mạnh mẽ sự gây hấn và đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn trên biểnvới Tàu cộng.

Được Trung cộng hà hơi tiếp sức, chính quyền Campuchia đang tự tin hơn về tham vọng lãnh thổ của nước khác, nhưng vẫn ngụy trang với những tuyên bố mang tính xây dựng hòa bình, như hai vụ việc là: Dự án kênh đào Phù Nam Techo và Dự án mở rộng Căn cứ Ream do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại và được xúc tiến vào khoảng giữa năm 2022, theo Khmer Times loan tin. Điều đáng lo ngại là căn cứ hải quân Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville bên bờ Vịnh Thái Lan. Nơi này cách Đảo Phú Quốc khoảng 30 km và cách biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 90 km. Riêng dự án kênh đào Phù Nam Techo, theo đánh giá của các chuyên gia là nó có khả năng lưỡng dụng, nhằm phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Điều mà cựu Thủ tướng Hun Sen ngày 9 tháng Tư vừa qua đã lên tiếng cực lực bác bỏ, khi viện dẫn Hiến Pháp nước này không cho phép lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia. Tuy nhiên việc Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác với quân đội Campuchia năm 2022, cũng như thể chế chính trị của Campuchia đang dần chuyển đổi sang mô hình cha truyền con nối do Hun Sen dẫn đầu, thì không có gì đảm bảo là Hiến Pháp Campuchia không bị lèo lái, để thay đổi cho lợi ích của kẻ cầm quyền. Hun sen có lẽ đang nhìn vào tấm gương của nước Nga với Putin và Tập Cận Bình của Tàu cộng, khi Hiến Pháp của những quốc gia này nhanh chóng bị bẻ cong vì quyền lực cá nhân như thế nào.

Trung cộng đang vươn vòi bạch tuộc ra khắp thế giới và đặc biệt là tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, mà trọng tâm là tham vọng độc chiếm Biển Đông và biển Hoa Đông. Lá bài Campuchia một lần nữa được Tàu cộng sử dụng để đe dọa Việt Nam. CSVN trong tình hình hiện nay không muốn nhận sự trợ giúp quân sự từ cựu thù Hoa Kỳ, nhưng họ vẫn luôn hướng tia hy vọng và tin tưởng vào sự trợ giúp hào phóng của người bạn lớn của họ là Liên Bang Nga, tựa như những thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy vậy thời thế nay đã thay đổi. Nước Nga và Tàu cộng hiện đang khắng khít cùng nhau tạo lập một trật tự thế giới mới, trong vai trò là chủ nhân ông thay thế Hoa Kỳ và Châu Âu. Thế nên csVN giờ chỉ có thể tự mình giải quyết xung đột nếu xảy ra chiến tranh. Vậy liệu csVN có thể chống trả Tàu cộng và “đàn em” của chúng trong bao lâu, khi mà lòng dân đã quá bất mãn với chế độ này?

LLCQ

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment