Tuesday, April 16, 2024

Tin Tức: Thứ Ba 16.04.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.

1/ THÊM 1 NGƯỜI BỊ KẾT ÁN TÙ VỚI CÁO BUỘC “LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN”

Vào hôm qua 15/4, bà Nguyễn Thị Bạch Huệ 60 tuổi ở thành phố Cần Thơ đã bị bạo quyền tỉnh Long An tuyên án 12 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ bị cáo buộc từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021 đã xử dụng bảy trang mạng xã hội để liên lạc với các thành viên của nhóm “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời”. Cáo trạng cho rằng bà Nguyễn Thị Bạch Huệ tích cực hoạt động nên được thăng lên cấp trưởng nhóm và nhận được khoảng 10 triệu đồng từ tổ chức nói trên.

Bà bị cáo buộc đã nói xấu chế độ Việt Nam, xúc phạm lãnh tụ, lôi kéo thêm người tham gia tổ chức này. Bà Huệ bị bắt giam vào tháng 4 năm ngoái.

Theo ghi nhận thì từ năm 2017 đến tháng 3 năm 2023, tức trong vòng 6 năm qua, có ít nhất 60 người tại Việt Nam bị kết án với cáo buộc theo tổ chức của ông “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời” do Đào Minh Quân thành lập.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/long-an-court-sentence-a-lady-12-years-on-the-charge-of-subversion-04152024091638.html

2/ HAI TẬP ĐOÀN LUẬT THẾ GIỚI ĐỆ ĐƠN KIỆN TẬP ĐOÀN VINFAST

Hai tập đoàn luật nổi tiếng thế giới đã đệ đơn kiện hãng xe điện VinFast của Việt Nam theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ, đồng thời tìm kiếm nguyên đơn chính cho vụ kiện này. 

Thông cáo báo chí của tập đoàn luật Pomerantz vào hôm 12/4 cho biết là một vụ kiện tập thể đã được đệ trình chống lại công ty VinFast, được đệ nạp lên tòa án miền đông New York. Tập đoàn này thông báo, những ai là cổ đông đã mua hoặc mua lại chứng khoán VinFast trong thời gian từ ngày 15/8 năm ngoái đến ngày 17 tháng Giêng năm nay có thể yêu cầu tòa án bổ nhiệm làm nguyên đơn của vụ kiện.

Công ty luật Robbins Geller cũng ra thông cáo báo chí, cho biết thêm vụ kiện có tên là "Comeau kiện VinFast Auto Ltd" theo đạo luật chứng khoán năm 1933và đạo luật giao dịch chứng khoán năm 1934. 

Theo đó, công ty bị kiện tụng là công ty xe điện VinFast ở Mỹ cùng với hàng loạt các quan chức như Phạm Nhật Vượng, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Nguyễn Anh Thư và Nguyễn Thị Vân Trinh. Trong khi đó nguyên đơn là bà Jeremie Comeau và thẩm phán chủ tọa là Robert Levy. 

Tính đến hôm 12/4, cổ phiếu của công ty xe điện này đã rớt xuống chỉ còn 4 Mỹ kim.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/action-lawsuit-has-been-filed-against-vinfast-auto-04152024060659.html

3/ MỸ - VIỆT QUAN NGẠI VỀ DỰ ÁN KÊNH ĐÀO Ở CAMPUCHIA

Thông tấn xã Bloomberg vào hôm qua 15/4 cho biết là Hoa Kỳ và Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại về một dự án kênh đào ở Campuchia có tài trợ của Trung Cộng, vì dự án này có thể được xử dụng vào mục đích quân sự, gây ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Việt Nam và các nước láng giềng khác.

Theo Bloomberg, Hoa Kỳ đang thúc giục Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào trị giá 1 tỷ 700 triệu Mỹ kim mà các nhà quan sát cho rằng có thể được xử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Cộng tại Campuchia.

Với chiều dài khoảng 180 cây số từ Phnom Penh đến tỉnh Kep, kênh đào Techo Funan dự trù được khởi công xây dựng vào cuối năm nay, sau khi Tập đoàn Cầu đường Trung Cộng đạt được thỏa thuận phát triển kênh đào này tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 10 năm ngoái.

Được giới thiệu là dự án nội địa đầu tiên của Campuchia về nạo vét sông, kênh đào Techo Funan sẽ mất khoảng 4 năm để hoàn thành. Giống như nhiều dự án cơ sở hạ tầng, kênh đào này có khả năng được xử dụng vào mục đích quân sự và đang gây lo ngại từ Việt Nam. 

Đó là chưa kể đến mối quan ngại về tác động môi trường của kênh đào Techo Funan, trong đó có nguy cơ là kênh đào này sẽ chuyển dòng nước khỏi sông Mekong. Dự án đang gây tranh cãi sẽ được thực hiện trong bối cảnh Thủ tướng Campuchia Hun Manet tăng cường mối quan hệ vốn đã chặt chẽ với Bắc Kinh kể từ khi thay cha lên cầm quyền cách đây chưa đầy một năm. 

Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của quân đội Trung Cộng tại nước này, bao gồm cả việc tái phát triển căn cứ hải quân Ream do Bắc Kinh hỗ trợ.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240415-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-vi%E1%BB%87t-nam-quan-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-k%C3%AAnh-%C4%91%C3%A0o-do-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%A0i-tr%E1%BB%A3-%E1%BB%9F-cam-b%E1%BB%91t

4/ THỦ TƯỚNG SINGAPORE TỪ CHỨC, CẤP PHÓ LÊN THAY THỂ

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore thông báo sẽ rời nhiệm sở vào ngày 15/5, lên thay ông sẽ là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng thương mại Lawrence Wong.

Dinh thủ tướng Singapore vào hôm qua 15/4 loan báo là Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5 tới đây. Ông sẽ chính thức vận động tổng thống bổ nhiệm Phó thủ tướng Lawrence Wong lên kế nhiệm ông. Phó thủ tướng Wong nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các nghị sĩ đảng Hành động Nhân dân.

Ông Lý Hiển Long 72 tuổi lên làm thủ tướng Singapore từ ngày 12/8 năm 2004. Ông là con trai của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã làm thủ tướng Singapore trong 31 năm rưởi, từ năm 1959 đến 1990. Ông Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015.

Ông Lawrence Wong 52 tuổi, được bổ nhiệm làm phó thủ tướng từ năm 2022 và bộ trưởng thương mại từ năm 2021. Tên tiếng Hoa của ông là Hoàng Tuấn Tài. Tân thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 8 giờ sáng ngày 15/5 tại Istana, tức phủ tổng thống Singapore.

Đây là lần đầu tiên đảo quốc Singapore có sự thay đổi lãnh đạo trong suốt 20 năm qua. Sau khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông Lawrence Wong sẽ dẫn dắt đảng Hành động Nhân dân tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, dự trù được tổ chức vào tháng 11 năm 2025.

Đảo quốc Singapore tổng cộng đã có ba thủ tướng kể từ khi giành độc lập vào năm 1965 và tất cả đều có thời gian tại vị tương đối lâu, gồm có ông Lý Quang Diệu, ông Ngô Tác Đống và ông Lý Hiển Long làm thủ tướng từ năm 2004 đến nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1vg71j7kjo

 

No comments:

Post a Comment