Sunday, April 14, 2024

Đặc Tính Đa Dạng của Cộng Đồng VN Hải Ngoại

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần trước chúng ta nói về Quyết định 1334 của đảng Hồ-Tàu. Như đã phân tích, đây là động thái biểu hiện sự bế tắc và ngoan cố trong ý đồ thao túng cộng đồng hải ngoại kể từ cái gọi là Nghị quyết 36 ra đời vào năm 2004.

Quyết định này đã gây ra phản ứng phẫn nộ của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Phản ứng phẫn nộ này một lần nữa thể hiện rõ quyết tâm và ý chí của những người Việt hải ngoại tiếp tục làm mọi việc để giải thể chế độ Hồ-Tàu - một chế độ phản quốc, độc ác với nhân dân và hèn hạ với Bắc Kinh-Tàu Cộng.

Tuy nhiên, có một sự thực chúng ta phải thừa nhận, cộng đồng người Việt hải ngoại là một khối người rất đa dạng, với những quan điểm, hành động khác nhau, hoàn toàn không đồng nhất.

Đặc tính đa dạng này là đặc tính tất nhiên của một cộng đồng không nằm dưới sự khống chế của chế độ độc tài. Sự đa dạng và khác nhau này có thể gây lo lắng, chán nản đối với nhiều người quen sống, quen nghĩ trong xã hội độc tài. Nhưng chính sự đa dạng, khác biệt này lại làm nên sức mạnh, sức quyến rũ của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Song, dù đa dạng, khác biệt nhau như thế, chúng ta cũng thấy có hai xu hướng lớn đang tồn tại trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Xu hướng thứ nhất là xu hướng chống đối công khai chế độ Hồ-Tàu. Đây là xu hướng nổi bật và liên tục được duy trì phát triển kể từ năm 1975 tới nay. Xu hướng này ban đầu chỉ bao gồm những người di tản thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, sau gần 50 năm, xu hướng chống đối chế độ Hồ-Tàu tiếp tục được giữ gìn và phát triển không chỉ bởi thế hệ tiếp nối của những người di tản 1975 từ Việt Nam Cộng Hòa. Xu hướng này ngày nay còn thu nhận thêm các cá nhân, thành phần sinh ra và lớn lên dưới chế độ miền Bắc cộng sản hay chế độ cộng sản từ sau 1975. Sự chống đối chế độ Hồ-Tàu phát triển lan rộng ra các thế hệ không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ là điều tất yếu, bởi chống đối chế độ Hồ-Tàu phù hợp với cả lương tâm và tri thức của những con người muốn sống một cuộc đời đúng đắn. Vì lí do rất đơn giản: khi có đủ tri thức và hiểu biết, người ta sẽ nhận ra bản chất lưu manh, phản động, phản quốc của chế độ Hồ-Tàu; và khi lương tri thao thức, người ta sẽ không thể không tham gia để đấu tranh chống lại cái lưu manh, cái ác độc đối với đồng bào và dân tộc nguồn gốc của mình.

Hai lí do giản dị này gây ra vấn đề hết sức hóc búa cho bọn chóp bu Hà Nội trong việc gài đặc tình vào cộng đồng hải ngoại người Việt. Bởi trong tâm khảm của những nhân viên đặc tình luôn nảy mầm sự chống đối do họ được chứng kiến, được sống trong một môi trường trái ngược với sự tuyên truyền của chế độ. Đối phó với rủi ro này, bọn chóp bu thường lấy gia đình, cha mẹ, con cái của các đặc tình làm con tin để giảm thiểu khả năng đặc tình “tự diễn biến”. Song, về lâu dài, thủ đoạn bắt “con tin” của bọn chóp bu cũng không có nhiều tác dụng, chưa kể tới sự thận trọng của các hội đoàn, nhóm người có xu hướng chống chế độ Hồ-Tàu một cách triệt để, quyết liệt.

Xu hướng lớn thứ hai trong cộng đồng người Việt hải ngoại là xu hướng chống đối một cách kín đáo, âm thầm. Xu hướng này cũng bao hàm cả người thuộc xuất xứ Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng cả hai đều chưa muốn có nhiều rắc rối với chế độ Hà Nội vì rất nhiều lí do riêng biệt và cá biệt ví như công việc giao thương, chăm sóc cha mẹ già tại Việt Nam hay chưa muốn công khai danh tính đấu tranh để có thể ra vào Việt Nam dễ dàng. Sự kín đáo, âm thầm này lại gây ra một nan giải vô cùng cho bọn chóp bu trong việc tiêu tốn nhân lực, vật lực để kiểm soát số người chống đối âm thầm trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Có thể nói, chúng muốn nhưng việc kiểm soát là bất khả, chưa nói đến vấn đề hệ thống của chúng luôn làm việc trong tinh thần lãn công, “trên bảo dưới không nghe” và tìm mọi cách để kiếm thêm, đục khoét, vơ vét.

Trong khi đó, như những con số công khai về kiều hối đã cho chúng ta thấy cộng đồng người Việt hải ngoại ngày càng lớn mạnh về tài chính. Năm 2023 có 16 tỉ Mĩ kim kiều hối về Việt Nam, riêng về Sài Gòn là 9 tỉ. Đây là những con số rất lớn so với nền kinh tế Việt Nam vì tổng số đầu tư nước ngoài vào Sài Gòn trong năm 2023 chỉ là 3,4 tỉ.

Vì vậy sự chống đối của cộng đồng hải ngoại sẽ còn lớn mạnh, có uy lực hơn rất nhiều một khi cộng đồng huy động được mọi tiềm năng, sức mạnh cho công cuộc giải thể chế độ phản động, phản quốc Hồ-Tàu.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

14/04/2024

 

No comments:

Post a Comment