Monday, April 22, 2024

Thử đi tìm đường cứu…nước

Đất Nước Đứng Lên

Những con người thực sự yêu nước đã đề nghị những phương pháp khả thi để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho dân trong khi  đồng bằng sông Cửu Long bị vây hãm bởi thiên tai và nhân tai hiện nay.

Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:"Thử đi tìm đường cứu…nước" của Nguyễn Huy Cường qua sự trình bày của Khánh Ngọc.

Nguyễn Huy Cường.

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, có khoảng 30.000 gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu gia đình thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. Lý do chính là, do biến động bởi dòng chảy sông Mê Kông đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “trích huyết” sông Mê Kông ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Loại khó khăn này sẽ là thường trực, kéo dài. Nhiều vùng tình trạng này đã lặp đi lặp lại năm năm nay. Hiện nhà nước và các tỉnh đang tính đến nhiều dự án tạo nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng này. Nhiều biện pháp nóng như chở nước bằng xe vận tải về bán với giá hơn ba trăm ngàn một khối cho người tiêu dùng. Đã có cả một dự án bất khả thi là đem nước từ sông Đồng Nai về… Bến Tre.

Có nơi nguồn nước ngọt được chở về để bán cho người dân với giá tại bến là 100.000 đồng mỗi khối. Sau đó, tiền công thuê xe để chở mỗi khối nước đến nhà người dân nằm trong khu vực nội ô TP Bến Tre là 100.000 đồng. Như vậy, người dân tại trung tâm của TP Bến Tre phải mất 200.000 đồng mới có được một khối nước ngọt sử dụng. Mỗi tháng một gia đình 5 người dùng hết hơn triệu bạc tiền nước!

Căng lắm…

Tôi suy nghĩ nhiều về việc này và lóe lên một vài suy nghĩ (chưa thấu đáo) đem trình ra đây để anh chị em và các nhà chuyên môn cùng thảo luận.

Thứ nhất: Lấy nắng làm mưa. Đầu tư nhà máy sản xuất nước ngọt từ nước mặn. Đã có những nhà máy kiểu này bên Bắc Phi, Israel. Về nguyên lý thì nước biển được bơm qua màng lọc R.O dưới áp lực cao tạo thành dòng nước ngọt tinh khiết và dòng nước muối đậm đặc.

Giai đoạn sau đó: nước sau khi được tách muối thì được ổn định pH, sau đó được khử trùng và đưa vào sử dụng. Phương pháp thẩm thấu ngược tiêu tốn nhiều năng lượng: Khoảng 4kWh/được một mét khối nước. (Tôi chỉ sưu tầm, không có điều kiện thẩm định). Với 4 kw điện giá đắt nhất cũng chỉ tới 20.000 đồng đã cho một mét khối nước, rẻ hơn giá nước bà con ta phải mua mấy ngày nay nhiều.

Một đặc điểm nữa, mùa khô là mùa thiếu nước ở Nam Bộ nhưng lại là mùa thừa nắng ở đây. Nếu phát triển điện mặt trời rồi lấy điện sản xuất nước thì còn rẻ hơn nhiều. Nếu giá thành dưới 10.000 đ một mét khối cho sinh hoạt là giá có thể chấp nhận được.

Ở Việt Nam cũng đã có những công trình nghiên cứu thành công nhưng nó vẫn nằm trong thư viện của trường đại học:

Hai là, lấy … tượng đài, khẩu hiệu, cổng chào làm nước.

Ai đã đến Singapore đều biết đến “Cây năng lượng”. Singapore là đất nước thiếu nước ngọt quanh năm. Cách đây ba bốn mươi năm, giá một lít nước ngọt đắt không kém một lít bia. Từ đó họ có thái độ rõ ràng đến việc tích trữ nước. Họ xây dựng nhiều hầm chứa nước mưa khắp nơi. Đó là những công trình bể chứa ngầm, có cái chỉ chứa được 900 mét khối, có cái chứa 25.000 mét khối.

Những con mương dẫn nước mưa từ khắp nơi về hầm đều sạch sẽ, thoáng, không bị nghẹt. Sau mỗi cơn mưa, 43% nước mưa là hàng triệu mét khối nước được giữ lại để dự trữ và cung cấp cho cộng đồng. Điều này cũng giải quyết luôn tình trạng ngập úng.

Những cái “Cây năng lượng” là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh cáo con người về cách cư xử với nước, vừa thu gom nước mưa.

Một câu hỏi sẽ đặt ra: Tiền đâu để làm những cái này? Tôi nghĩ là có. Nếu bây giờ lấy những khoản tiền này để hướng vào hai kiểu tích nước trên đây, tôi chắc rằng muôn dân sẽ nhất trí:

Thứ nhất là tiền có cái tên rất … vô nghĩa là lấy 70% tiền BẢO HIỂM DÂN SỰ BẮT BUỘC với người đi xe gắn máy. Thứ hai là trích 70% từ “thuế môi trường” trong giá xăng dầu. Thứ ba là tiền xây tượng đài, cổng chào quá lố, quá lớn.

Nếu dùng nước để sản xuất tôi không dám bàn, nhưng với nước sinh hoạt cho vùng này, bảo đảm sẽ giải quyết khá ổn bằng 2 sáng kiến này.

Mỗi người một sáng kiến, dù là đơn giản, cho vùng Nam Bộ hết khát.

 

No comments:

Post a Comment