Sunday, April 28, 2024

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 28.04.2024.

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân:Thưa anh Hướng Dương và quý thính giả, bao lâu mà chế độ cs còn ngự trị trên đất nước VN thì vấn đề nhân quyền còn là chuyện nhức nhối cho dân tộc và quốc gia chúng ta. Vì thế cs VN luôn luôn bị Ân xá Quốc tếchỉ trích chê bai hàng năm. Xin anh cho biết thêm chi tiết về tin trên.

Hướng Dương:Vâng thưa chị và quý thính giả, vào hôm 23/4, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam vào năm 2023, với nhận định là “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp, các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm”.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại London cũng ghi nhận việc bạo quyền Việt Nam ngày càng mở rộng mạng lưới giám sát của mình, với việc xử dụng phần mềm gián điệp để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chế độ.

Báo cáo cho biết là kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2021 và sau đó đắc cử cho đến nay, hàng chục nhà báo độc lập và giới lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác “đã bị bắt giam một cách tự tiện”.

Thậm chí việc ông Võ Văn Thưởng lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc trong chiếc ghế chủ tịch nước vào tháng 3/2023 cũng không khiến tình hình nhân quyền của Việt Nam được cải thiện, theo nhận định trong báo cáo.

Báo cáo điểm lại các vụ bắt giữ và truy tố trong thời gian qua gồm nhà báo Nguyễn Lân Thắng và các nhà đấu tranh Trương Văn Dũng, Bùi Tuấn Lâm, Đường Văn Thái.

Liên quan đến án tử hình tại Việt Nam, Ân xá Quốc tế nhận định là số liệu về các vụ tử hình và án tử hình vẫn được coi là bí mật quốc gia nhằm ngăn cản sự giám sát độc lập. Tuy nhiên có ít nhất hai trường hợp bị tử hình hoặc sắp bị tử hình như vụ ông Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh.

Trước đây, báo chí lề đảng Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này “xuyên tạc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong một bài xã luận gần đây, tờ Công an vẫn tiếp tục nhấn mạnh là Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người.

Bảo Trân:Thưa anh Hướng Dương, hạn hándo thiên tai và hạn mặn do nhân tai đã làm điêu đứng người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với trẻ em đáng thương của chúng ta.Anh có thể cho quý thính giả biết thêm về việc này ra sao không, thưa anh.

Hướng Dương:Vâng,gần 74 ngàn gia đình với khoảng 77 ngàn trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long đã không có nước sạch sau nhiều tuần nắng nóng và hạn mặn kéo dài tại vựa lúa lớn nhất nước, theo thống kê của tổ chức Save The Children cho biết vào hôm qua 24/4.

Cho đến lúc này, có 3 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán và nhiễm mặn cao hơn so với mức trung bình của các năm trước, mặc dù không đến mức như năm 2016 khi Việt Nam phải trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng gần 100 năm.

Nguyên nhân của đợt hạn hán lần này được xác định là do hiện tượng El Nino, gây ảnh hưởng đến các điều kiện khí hậu. Hạn hán nghiêm trọng đã khiến nhà nước Việt Nam phải thúc giục nông dân thu hoạch lúa sớm.

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tỷ lệ nghèo đói ở giới trẻ cao nhất nước, và đây là khu vực phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp và nghề cá. Nhiều gia đình ở khu vực này hiện đang thiếu nước ngọt trầm trọng và phải mua nước với giá cao, trong khi nhà nước VN dự báo hạn hán sẽ còn tiếp tục đến tháng 5 tới đây.

Tổ chức Save The Children hiện đang trợ giúp cho khoảng 700 gia đình ở tỉnh Cà Mau bao gồm khoảng 1400 trẻ em.

Bảo Trân:Thưa anh Hướng Dương và quý thính giả, vấn đề xuất cảng hàng hóa của VN đang lao đao vì đã bị nhiều nước điều tra để bảo vệ thương mại cho nước của họ. Vấn đề này không giản dị và đang xảy ra như thế nào, thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị và quý thính giả, hàng xuất cảng của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại tại các nước bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Australia… tính đến hết tháng 12 năm 2023. Báo Nhà nước  dẫn báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại năm 2023 của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết như vậy.

Theo báo cáo, chỉ riêng trong năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với 15 vụ điều tra mới như vậy.

Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng nhiều vụ điều tra nhất với hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023, theo báo cáo, với bảy sự việc. Chính xác là Mỹ điều tra bốn vụ chống bán phá giá (CBPG), một vụ điều tra chống trợ cấp (CTC) và hai vụ điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế PVTM (CLT).

Các mặt hàng bị điều tra đa dạng gồm các sản phẩm như nhôm đùn, dây cáp nhôm, giá để đồ bằng thép, bánh xe kéo bằng thép, máy xịt rửa áp lực cao, túi giấy, tôm...

Ngoài ra, Mỹ cũng rà soát một số biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đã áp dụng trước đó, như rà soát hành chính thuế CTC với lốp xe, rà soát hành chính thuế CBPG với mật ong nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo báo cáo mới, Ấn Độ hiện cũng đang  điều tra 31 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam.

Tính đến tháng 6/2023, Canada đang điều tra 18 vụ phòng vệ thương mại với hàng hoá Việt Nam, nhưng không điều tra vụ mới trong năm 2023.

Australia đã điều tra 18 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất cảng của Việt Nam.

Tại ASEAN, bốn nước đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Hiện Việt Nam đang đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ điều tra chống bán phá giá.

 Bảo Trân:  Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã giúp cho biết rõ thêm những tin VN quan trọng trong tuần qua. Kính chúc quý thính giả luôn được mạnh khỏe, an lành.

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment