Mở đầu chương trình, Vân Hà và Miên Dương mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức.
1/ ĐỒNG KHÔ HỒ CẠN TẠI NHIỀU TỈNH THÀNH VN.
Tại các tỉnh Tây nguyên và đồng bằng nam trung bộ, các đập hồ đang cạn kiệt nghiêm trọng vì hạn hán ở mức quy mô lớn.
Tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum trên Tây nguyên, nhiều hồ đập và sông suối đều cạn khô. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Ninh Thuận ở miền nam trung bộ. Đáng chú ý là việc hạn hán đang khiến cho hàng chục ngàn mẫu hoa màu đang thiếu nước tưới, thậm chí có nơi vườn cà phê đang chết dần.
Theo dự báo thì tình trạng hạn hán còn diễn biến khốc liệt hơn trong những ngày tới với mức báo động lên đến cấp 2. Trung tâm khí tượng quốc gia cho biết là tổng lượng mưa trong hai tuần qua đã ở mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước là từ 20 đến 70 ly.
Trong khi đó, khu vực trung trung bộ, mực nước trên các sông biến đổi chậm và ở mức thấp. Một số con sông đã ở mực nước thấp kỷ lục, như sông Vu Gia ở tỉnh Quảng Nam chỉ còn khoảng 1 thước rưỡi.
Cơ quan khí tượng báo động cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán tại khu vực miền trung, với tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Thuận là ở cấp 2. Riêng khu vực Tây nguyên thì tỉnh Gia Lai cũng ở cấp 2.
2/ LŨ LỤT ĐE DỌA CẢ TRĂM TRIỆU NGƯỜI Ở MIỀN NAM HOA LỤC.
Nhà cầm quyền Trung Cộng đang gấp rút khai triển kế hoạch ứng phó khẩn cấp trước viễn cảnh lũ lụt ở tỉnh Quảng Đông, đang đe dọa hơn 127 triệu dân ở tỉnh này.
Giới chức khí tượng tỉnh Quảng Đông, thuộc miền nam Hoa Lục, vào ngày 21/4 đã báo động tình hình các con sông lớn, kênh rạch và hồ trữ nước địa phương là rất đáng lo ngại. Một số phụ lưu ở các sông Tây Giang và Bắc Gianh đã đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm qua, theo đài truyền hình nhà nước.
Cần biết là mưa lớn đã kéo dài nhiều ngày qua tại tỉnh Quảng Đông. Một trận mưa lớn kéo dài 12 tiếng, bắt đầu từ đêm 20/4, đã bao phủ bốn khu vực phía bắc và trung phần tỉnh Quảng Đông gồm Triệu Khánh, Thiều Quan, Thanh Viễn và Giang Môn.
Nhà cầm quyền địa phương đã di tản khoảng 20 ngàn người tại Thanh Viễn, trong khi hạ tầng điện lực ở Triệu Khánh bị hư hại. Trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài có nội dung cầu cứu, mô tả ngoại ô Triệu Khánh đã "chìm trong nước", còn người già và trẻ em bất lực vì không có sóng điện thoại.
Nhiều trạm thủy văn trong tỉnh Quảng Đông ghi nhận mực nước liên tục dâng cao. Đến 8 giờ sáng ngày 21/4, ít nhất 27 trạm thủy văn của tỉnh đã trong tình trạng báo động. Tại thủ phủ Quảng Châu, thành phố với hơn 18 triệu dân, hồ trữ nước đã đạt đến giới hạn xả lũ.
Bộ tài nguyên Trung Cộng báo động mực nước lũ có thể xuất hiện trên sông Bắc Giang, với khu vực chịu ảnh hưởng lũ lụt lần này của Hoa Lục có hơn 127 triệu dân.
https://thanhnien.vn/lu-lut-de-doa-ca-tram-trieu-dan-mien-nam-trung-quoc-185240421153932295.htm
3/ QUÂN ĐỘI MIẾN ĐIỆN BỊ BAO VÂY Ở VÙNG BIÊN GIỚI VỚI THÁI LAN.
Một cuộc đụng độ dữ dội trong mấy ngày qua giữa lực lượng nổi dậy và quân đội Miến Điện đã tái bùng phát tại một thị trấn quan trọng sát biên giới Thái Lan, với binh sĩ Miến Điện đang bị bao vây.
Các cuộc giao tranh dữ dội nổ ra quanh vùng trung tâm giao thương Myawaddy ở miền đông Miến Điện khi binh sĩ thuộc tập đoàn quân phiệt bị buộc phải rút khỏi các vị trí trong thị trấn. Tình hình trở nên im ắng trong tuần qua cho đến khi tái bùng phát vào ngày 19/4, theo tiết lộ của quân đội Thái Lan.
Đến rạng sáng 20/4, một đơn vị Thái Lan đóng quân ở biên giới cho biết đụng độ đang diễn ra khi lực lượng nổi dậy Miến Điện nhắm vào các binh sĩ bị mắc kẹt bên dưới cây cầu nối Myawaddy với thị trấn Mae Sot của Thái Lan.
Thông tấn xã Reuters trích lời các nhân chứng ở hai bên biên giới cho hay đã nghe thấy nhiều tiếng nổ và súng máy hạng nặng gần cây cầu ở biên giới từ khuya 19/4. Liên minh Dân tộc Karen xác nhận đang giao chiến với quân đội tại Myawaddy nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Cảnh sát trưởng của thị trấn Mae Sot vào chiều 20/4 cho biết cuộc giao tranh đang gia tăng và khoảng 2 ngàn người đã vượt biên sang Thái Lan. Giới chức trách Thái Lan đang lục soát những người này để tìm vũ khí và trao cho họ thức ăn.
Việc rút quân khỏi Myawaddy được xem là một thất bại lớn của tập đoàn quân phiệt Miến Điện sau nhiều tổn thất trong những tháng gần đây. Thị trấn này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với hơn 1 tỷ Mỹ kim hàng hóa thương mại được vận chuyển qua đây trong vòng 12 tháng qua.
4/ HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA KHOẢN VIỆN TRỢ 61 TỶ MỸ KIM CHO UKRAINA.
Kế hoạch viện trợ 61 tỷ Mỹ kim cho Ukraina bị đình trệ từ lâu do sự phản đối của các dân biểu đảng Cộng hòa cuối cùng đã được hạ viện Mỹ thông qua vào hôm 20/4.
Trong khi Ukraina và các đồng minh phương Tây hoan nghênh quyết định của Hạ viện Mỹ, nước Nga lên tiếng cảnh cáo là số tiền này sẽ chỉ “làm giàu thêm cho Mỹ”, khiến cuộc chiến kéo dài và gây tổn thất cho Ukraina.
Tổng thư ký khối NATO cho biết ông hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ mới cho Ukraina và điều này sẽ giúp củng cố an ninh của khối Âu châu. Ngược lại, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Nga gọi kế hoạch viện trợ này là sự trợ giúp trực tiếp cho các “hoạt động khủng bố” và khiến tình hình khu vực trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Về phần mình, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố chỉ ít phút sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ là khoản viện trợ này sẽ cứu được hàng ngàn sinh mạng Ukraina .
Cần biết là Ukraina đã chờ đợi quyết định này trong suốt 6 tháng qua và cũng là thời gian cầm cự chống lại quân Nga xâm lược mà không có trang thiết bị và trợ giúp tài chính của Mỹ. Chính Tổng thống Zelensky vài ngày trước đã phải thừa nhận rằng nếu khoản viện trợ 61 tỷ Mỹ kim này không được thông qua, Ukraina sẽ thua trong cuộc chiến với Nga.
Trên thực tế, những tháng bất ổn vừa qua đã khiến khả năng phòng thủ của Ukraina suy giảm và tình hình chiến sự ngày càng xấu đi. Ukraina đã phải chiến đấu với quân Nga với tỉ lệ 1 chọi 10. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ cho phép Ukraina có thêm nguồn lực để bảo vệ vùng trời của mình và đối đầu với quân đội Nga ở tiền tuyến trong điều kiện tốt hơn.
Người dân Ukraina thở phào nhẹ nhõm trước quyết định này. Nhưng đồng thời nhiều người cũng cay đắng tự hỏi là nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra sớm hơn thì có bao nhiêu thường dân và binh sĩ đã không phải bỏ mạng.
No comments:
Post a Comment