Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Miên Dương trình bày sau đây.
1/ TỈNH TIỀN GIANG BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VÌ HẠN MẶN
Hàng chục ngàn người dân Việt Nam đang thiếu nước ngọt
nghiêm trọng vì hạn hán và nhiễm mặn, khiến nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang phải
ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tiền Giang là tỉnh đầu tiên phải công bố tình trạng trên, sau
khi ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh
hoạt trong mùa khô năm 2024. Một đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã gây ra hạn
hán và nhiễm mặn tại một số địa phương của tỉnh Tiền Giang, nơi cách trung tâm
thương mại thành phố Sài Gòn 60 cây số về phía nam.
Khu vực huyện Tân Phú Đông của tỉnh, với 12 cây số bờ biển
và có đường thủy chằng chịt đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Tỉnh Tiền Giang
đã phải mở khoảng 105 vòi nước để lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân.
Riêng huyện Gò Công Đông đã mở 62 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí để phục vụ
cho gần 3 ngàn gia đình tại các xã ven biển.
Tại huyện Tân Phú Đông hiện có hơn 44 ngàn người đang thiếu
nước ngọt xử dụng, với nhu cầu khoảng hơn 10 ngàn thước khối mỗi ngày. Hiện
toàn huyện này đang thiếu gần 2 ngàn thước khối nước mỗi ngày.
Theo nghiên cứu của viện Khoa học Tài nguyên, tổng mức
thiệt hại do nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 70 ngàn tỷ đồng,
tức hơn 3 tỷ Mỹ kim. Theo dự báo của viện này, mức thiệt hại do nhiễm mặn vào
các năm tới có thể lên đến 4 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
https://www.voatiengviet.com/a/7561248.html
2/ LIÊN ĐOÀN KHMER KROM CẦU CỨU
LIÊN HIỆP QUỐC
Liên đoàn Khmer Krom (KKF) vừa kêu gọi Liên Hiệp Quốc khẩn cấp
hành động vì bạo quyền Việt Nam đang đàn áp cộng đồng Khmer Krom ở trong nước,
đồng thời kêu gọi LHQ đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng
Nhân quyền LHQ.
Trong lá thư gửi LHQ, tổ chức này yêu cầu Đại hội đồng LHQ giải quyết những vi
phạm nhân quyền nghiêm trọng do bạo quyền Việt Nam gây ra đối với cộng đồng
người Khmer Krom bản địa. Đồng thời kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của
Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền vì những hành động đàn áp nghiêm trọng đối
với cộng đồng Khmer Krom.
Lá thư nhắc đến hàng loạt các vụ xét xử và bắt bớ người
Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây như vụ bắt giam và bỏ tù các ông Thạch
Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, Đinh Thị Huỳnh và nhóm tu sĩ Thạch
Chanh Ra Đa ở chùa Đại Thọ thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa Đại Thọ, đã bị bắt
giữ và công an đã đưa một ông sư khác đến chiếm đóng ngôi chùa này. Ngoài ra
vào ngày 1/4, công an đã kéo đến để cưỡng chế và phá hủy công trình được xây
dựng tại chùa Đại Thọ.
Tổ chức này cho rằng những vi phạm nhân quyền này là bằng
chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với
tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
3/ DO THÁI GIẾT CHẾT MỘT CẤP CHỈ
HUY CAO CẤP CỦA PHE HEZBOLLAH
Một cuộc tấn công của Do Thái ở miền nam Lebanon vào ngày
8/4 đã làm thiệt mạng một tư lệnh chiến trường của nhóm phiến quân Hezbollah,
trong lúc Liên Hiệp Quốc cảnh báo pháo kích đang lan rộng và kêu gọi chấm dứt
bạo lực.
Quân Hezbollah và quân đội Do Thái đã pháo kích lẫn nhau qua biên giới phía nam
Lebanon làm tăng thêm lo ngại về cuộc xung đột lan rộng ra trong khu vực, trong
khi chiến trường Gaza vẫn đang căng thẳng.
Vào sáng sớm ngày 8/4, các chiến đấu cơ Do Thái đã không kích ngôi làng
al-Sultaniyah và giết chết một chỉ huy chiến trường thuộc đơn vị Radwan của
Hezbollah cùng hai người khác, theo nguồn tin của quân đội Do Thái và hai nguồn
tin an ninh Lebanon.
Quân đội Do Thái xác định người chỉ huy thiệt mạng là Ali Ahmed Hassin, và cáo
buộc người này đã lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào người Do
Thái. Phe Hezbollah đã ra thông báo tang lễ cho Hassin nhưng không nói rõ về
vai trò của ông ta.
Cần biết các cuộc không kích của Do Thái trong sáu tháng qua đã giết chết
khoảng 270 chiến binh Hezbollah cũng như khoảng 50 thường dân, bao gồm trẻ em,
nhân viên y tế và nhà báo. Hezbollah cũng đã bắn phi đạn làm thiệt mạng khoảng
một chục binh sĩ Do Thái.
Các cuộc pháo kích đã khiến hàng chục ngàn người mỗi bên bị
mất nhà cửa và ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến nền kinh tế nông nghiệp ở miền
nam Lebanon, với những cánh đồng bị ném bom tan nát bị bỏ hoang hoặc không thu
hoạch.
https://www.voatiengviet.com/a/israel-giet-chet-mot-chi-huy-chien-truong-hezbollah-o-lebanon/7561124.html
4/ THỦ TƯỚNG THÁI LAN CHO BIẾT CHẾ ĐỘ QUÂN SỰ MIẾN ĐIỆN ĐANG SUY YẾU
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết đây là thời
điểm tốt để mở các cuộc đàm phán với Miến Điện khi tập đoàn quân phiệt đang suy
yếu.
Cần biết là Miến Điện đang khốn đốn với các cuộc nổi dậy ở nhiều mặt trận, với
các nhóm này liên minh với nhau và được một chính phủ ủng hộ dân chủ hỗ trợ. Họ
đang nắm quyền kiểm soát một số đồn quân sự và thị trấn, bao gồm một phần của
một thị trấn then chốt nằm ở biên giới với Thái Lan vào cuối tuần qua.
Cuộc nổi dậy là thách thức lớn nhất mà tập đoàn quân phiệt Miến Điện phải đối
mặt kể từ khi họ tiến hành đảo chánh lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2021.
Trong lời phát biểu tại đảo nghỉ mát Samui vào hôm 7/4, ông
Srettha cho biết là chế độ này đang bắt đầu mất đi phần nào sức mạnh, nhưng
ngay cả khi thua cuộc, họ vẫn còn có vũ khí. Chính vì thế đã đến lúc cần tiếp
xúc để đàm phán.
Thái Lan đã tìm cách can thiệp vào Miến Điện nhiều kênh đối
ngoại kể từ khi ông Srettha lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, bao gồm cả
cung cấp viện trợ cho Miến Điện theo một sáng kiến nhân đạo nhằm mở đường cho
cuộc đàm phán giữa các phe tham chiến.
Quốc hội Thái Lan cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo vào tháng trước về tình
hình chính trị ở Miến Điên với sự tham gia của các phe phái đối lập với quân
đội Myanmar, bất chấp sự phản đối của tập đoàn quân phiệt.
Ông Srettha cho biết Thái Lan là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu Miến
Điện trở nên thống nhất, hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên chính phủ Thái Lan sẽ
không đứng về bên nào trong cuộc xung đột này và sẽ giải quyết xung đột một
cách hòa bình.
No comments:
Post a Comment