Độc tài, nhất là độc tài tại những cường quốc Bá quyền như CSTQ luôn là nguyên nhân lớn nhất đưa đến chiến tranh. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân/ Người Việt với tựa đề: “Nguy cơ đụng độ trên Biển Đông đang đến gần” sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân/Người Việt
Vào Thứ Tư, 10 tháng Tư, ông Joe Biden, tổng
thống Mỹ, đón tiếp hai nguyên thủ quốc gia Châu Á là ông Fumio Kishida, thủ tướng
Nhật, và ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines. Cuộc họp thượng đỉnh
giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines diễn ra vào lúc trên Biển Đông, Hải
Quân ba nước cũng bắt đầu chiến dịch tuần tra chung.
Cả Nhật và Philippines đều là đối tác có hiệp ước an ninh chung với Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên Hải Quân ba nước phối hợp tuần tra chung trên một vùng biển là hải lộ huyết mạch của kinh tế thế giới đồng thời là một điểm nóng xung đột do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hải Quân Trung Quốc.
Ngoài ra, hai ông Kishida và Marcos cũng nhân dịp này sẽ bàn bạc và kết luận một hiệp ước quốc phòng song phương Nhật-Philippines, gọi là Thỏa Thuận Tiếp Cận Đối Ứng (RAA), theo đó hai bên sẽ cho phép khai triển quân đội trên lãnh thổ của nhau, chủ yếu là cho phép lực lượng Phòng Vệ Nhật sử dụng các căn cứ quân sự của quân đội Philippines khi hữu sự. Manila đã ký kết một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ khai triển ở chín căn cứ như vậy. Các kế hoạch tập trận chung Mỹ-Philippines và cử chuyên gia quân sự Mỹ huấn luyện quân đội Philippines cũng đang được gấp rút thực hiện.
Trước đó, Nhật đã cải tổ quân đội, nâng gấp
đôi mức chi tiêu cho quốc phòng lên 2% GDP mỗi năm, đặt mua 400 hỏa tiễn
Tomahawk và vũ khí mới của Mỹ, đồng thời cho phép quân đội “đánh phủ đầu” ngay
khi phát hiện đối phương có kế hoạch tấn công nước Nhật. Đối ngoại, Nhật nhắm đến
vai trò quân sự mạnh mẽ hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương qua hợp tác quân sự
với Mỹ và Philippines. Gần đây Nhật đã cung cấp cho Philippines tàu tuần tra,
radar giám sát bờ biển và máy bay không người lái và có kế hoạch cung cấp những
thiết bị tương tự cho các quốc gia Đông Nam Á khác có tranh chấp chủ quyền với
Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.
Và thế là các nạn nhân của Trung Quốc đã
ngồi lại với nhau, hình thành một liên minh quân sự không chính thức, tạm gọi
là JAROPUS (Japan + Republic of Philippines + US) như cách nói của ông Rahm
Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật, cùng đối phó với sự bành trướng hung hăng của
Trung Quốc. JAROPUS bây giờ mới đặt ra thì đã quá trễ, nhưng muộn còn hơn
không. Cũng nên để ý rằng tám tháng trước, một liên minh quân sự tương tự giữa
Washington, Tokyo và Seoul cũng đã được bàn bạc tại David Camp giữa nguyên thủ
quốc gia ba nước Mỹ, Nhật và Nam Hàn. Cùng với QUAD (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ),
AUKUS (Mỹ, Anh và Úc) các liên minh mới tạo thành một vành đai quân sự ở Biển
Đông để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tính
toán cẩn thận trước khi thực hiện những hành vi chèn ép, xâm lấn gây bất ổn
trong khu vực.
Trong lúc các ông Biden, Kishida và Marcos hội họp ở Washington thì tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đón tiếp và hội đàm với ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, khi ông Lavrov đến thăm Trung Quốc trong hai ngày 8 và 9 Tháng Tư để bàn về mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow. Chuyến đi của ông Lavrov cũng được cho là nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, vào Tháng Năm sắp tới để hội đàm với ông Tập Cận Bình. Nếu diễn ra thì đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Putin kể từ khi tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử giả hiệu hồi tháng trước.
Trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, giám đốc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, vào sáng Thứ Ba, 9 Tháng Tư, ông Lavrov nhấn mạnh vào mối quan hệ sắt đá Nga-Trung và cả hai không tiếc lời lên án Mỹ và cái trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt trong 70 năm qua. Chống Mỹ tới cùng là chất keo gắn kết hai nhà độc tài Putin-Tập Cận Bình, hai thể chế chuyên chế toàn trị lớn nhất cùng thoát thai từ đống tro tàn của chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đứng về phía
Nga, chẳng những không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của ông Putin tại
Ukraine mà còn cáo buộc Tây phương và NATO gây ra cuộc chiến tranh đó. Tuy
không viện trợ vũ khí và trang bị quân sự cho Nga, Trung Quốc vẫn là chỗ dựa vững
chắc cho Moscow về ngoại giao và kinh tế, giúp Nga né tránh có hiệu quả các biện
pháp cấm vận và cô lập của Hoa Kỳ và đồng minh.
Bất chấp tổn thất trầm trọng ở chiến trường
Ukraine, quân đội Nga vẫn thường xuyên tổ chức tập trận với quân đội Trung Quốc
ở Thái Bình Dương, chuẩn bị cho cuộc đối đầu trong tương lai với Nhật và khối đồng
minh được Hoa Kỳ dẫn dắt.
“Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày
mai,” Thủ Tướng Kishida của Nhật thường nói sau khi xảy ra cuộc chiến ở
Ukraine. Một cuộc chiến tương tự có thể xảy ra ở Đài Loan, ở Biển Đông hay biển
Hoa Đông, giữa một bên là các liên minh quân sự Mỹ, Nhật, Philippines với một
bên là Trung Quốc, Nga và có thể cả Bắc Hàn hay không là chuyện chưa thể đoán
trước được. Nhưng có điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng độc
chiếm Biển Đông và sắm vai cường quốc khu vực, đặt ra “luật chơi” cho tất cả
các nước khác. Mỹ và các đồng minh có thể buộc Bắc Kinh phải lùi bước, phải
nhân nhượng và tuân thủ luật pháp quốc tế hay không cũng là chuyện chưa biết
trước được nhưng sự răn đe là cần thiết.
“Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng hành vi của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong không gian này có thể đưa chúng ta đến gần hơn với những hậu quả thực sự, không lường trước được,” một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc lo lắng. Một vụ đụng độ chết người, chìm tàu giữa các lực lượng, dù vô tình hay cố ý, cũng có thể dẫn tới những xung đột ngoài tầm kiểm soát mà hậu quả sẽ hết sức khủng khiếp.
No comments:
Post a Comment