Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:
1)THÊM 2 NHÀ ĐẤU TRANH BỊ KẾT ÁN TÙ VÌ PHÊ PHÁN CHẾ ĐỘ .
Vào hôm qua, thứ Ba ngày 26/11, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên án ông
Nguyễn Chí Vững 6 năm tù giam và 2 năm quản chế với cáo buộc “chống
phá chế độ”. Đồng thời tại Thanh Hóa, TAND cũng tuyên án ông Phạm Văn
Điệp 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với cùng tội danh nêu trên.
Theo cáo trạng mà báo chí lề đảng trích dẫn, từ tháng 5 năm ngoái,
ông Nguyễn Chí Vững đã đưa lên mạng 5 bài viết có nội dung “xuyên tạc
các chính sách của đảng và nhà nước cộng sản”. Ngoài ra ông Vững cũng bị
cáo buộc tham gia các nhóm thù nghịch với chế độ để thảo luận về cách
thức biểu tình, vận động người dân xuống đường phản đối dự luật đặc khu
và an ninh mạng. Ông Vững, 38 tuổi, quê ở Cà Mau, đã bị công an bắt
giam vào ngày 23/4/2019.
Cùng lúc đó, tòa án ND Thanh Hóa vào hôm qua đã tuyên án ông Phạm
Văn Điệp 9 năm tù và 5 năm quản chế chỉ vì có những bài viết phê phán
chế độ trên facebook. Phát biểu tại phiên tòa, ông Điệp khẳng định là
chỉ “góp ý để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn” theo đúng quyền tự do
ngôn luận được ghi nhận trong hiến pháp Việt Nam.
2) BỐN NGƯỜI DÂN ĐỒNG NAI BỊ BỎ TÙ VÌ CHỐNG ĐỐI VIỆC TĂNG GIÁ ĐIỆN.
Tòa án tỉnh Đồng Nai vào hôm thứ Ba 26/11 đã tuyên án tù đối với 4
người với cáo buộc là âm mưu phá hoại các trạm biến thế để phản đối việc
tăng giá điện.
Theo phán quyết thì hai ông Đoàn Viết Hoan 35 tuổi và Võ Thường Trung
42 tuổi bị kết án 3 năm tù, trong khi hai ông Ngô Xuân Thành 49 tuổi và
Nguyễn Đình Khuê 41 tuổi bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam. Theo cáo trạng
thì họ có âm mưu dùng chất nổ phá hoại các trạm biến thế và trụ điện
vào dịp 30/4 vừa qua.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Khuê,
cho biết là tòa án không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào về việc nhóm
này có ý định gài chất nổ vào ngày 28/4. Lý do là ba ngày trước đó, họ
đã bị bắt giam với cáo buộc “kêu gọi người dân xuống đường vào ngày 30/4
tại Biên Hòa”.
3) ÔNG HÀ VĂN THÀNH CÓ THỂ BỊ NHÀ CẦM QUYỀN CSVN KẾT ÁN 15 NĂM TÙ.
Nhiều ngày sau khi bị Hoa Kỳ trục xuất về Việt Nam, nhà đấu tranh Hà
Văn Thành có nguy cơ bị TAND Hà Nội kết án 15 năm tù với cáo buộc “đưa
người vượt biên”.
Như tin đã loan, vào hôm 16/11, bộ công an Việt Nam loan tin là ông
Hà Văn Thành đã thừa nhận tội làm môi giới để đưa 48 người ở tỉnh Nghệ
An vượt biên đến Tân Tây Lan sau khi băng qua Lào, Thái Lan và Nam
Dương. Theo bản tin này ông Thành đã đưa được 41 người sang Nam Dương
với giá “rẻ mạt” là 1 ngàn Mỹ kim mỗi người. Nhóm vượt biên này sau đó
bị Nam Dương bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.
Cũng theo bản tin, vì lo sợ bị công an bắt giữ, ông Thành trốn sang
Mỹ và bị trục xuất về nước vào ngày 23/10. Theo một điều luật của Việt
Nam, ông Thành sẽ lãnh án đến 15 năm tù nếu bị kết tội “đưa người vượt
biên”.
4) VIỆT NAM PHỦ NHẬN 200 MẪU ĐẤT Ở ĐÈO HẢI VÂN ĐÃ RƠI VÀO TAY TRUNG CỘNG.
Trong cuộc họp báo vào chiều chủ Nhật ngày 25/11, ông Phan Thiên
Định, phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã bác bỏ nguồn tin là Trung
Cộng đang sở hữu 200 mẫu đất ở đèo Hải Vân.
Trả lời chất vấn của báo chí, ông Định khẳng định nguồn tin trên là
hoàn toàn sai sự thật vì trên núi Hải Vân không có bất cứ dự án nào đang
tiến hành sau khi nhà cầm quyền tỉnh này hủy bỏ dự án khu nghỉ mát
quốc tế có tên World Shine.
Vào năm 2013, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên đã bán 200 mẫu đất ở khu
vực Cửa Khẻm cho công ty World Shine – Hongkong – để xây dựng một khu
nghỉ mát quốc tế. Tuy nhiên dự án này bị dư luận chống đối vì đây là một
vị trí có tầm quan trọng đối với nền an ninh quốc gia.
5) TRUNG CỘNG LẬP BỘ TƯ LỆNH ĐỐI PHÓ LÀN SÓNG PHẢN KHÁNG Ở HỒNG KÔNG.
Trong một chiều hướng cho thấy Trung Cộng sẽ mạnh tay đàn áp dân
biểu tình Hồng Kông, một bộ tư lệnh đã được thiết lập với mục đích
chỉ huy chiến dịch đàn áp làn sóng phản kháng ở Hồng Kông. Đồng thời
Trung Cộng đang cân nhắc đến việc thay thế ông Vương Trí Dân, trưởng Văn
phòng Liên lạc tại Hồng Kông.
Bộ tư lệnh này được bố trí trong một biệt thự ở thành phố Thẩm Quyến,
cách Hồng Kông khoảng 30 cây số. Cơ quan này sẽ thay thế Văn phòng Liên
lạc, một guồng máy giám sát Hồng Kông suốt 20 năm qua; là nơi mà các
quan chức cao cấp của Trung Cộng đã cư ngụ để thảo luận biện pháp đối
phó với cuộc biểu tình Dù Vàng ở Hồng Kông vào năm 2014.
Hiện nay, Bắc Kinh đang bối rối sau khi phe dân chủ chiến thắng
trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào hôm Chủ nhật ngày 25/11.
6) NAM DƯƠNG BẮT GIAM 85 CÔNG DÂN TRUNG CỘNG VỀ TỘI TỐNG TIỀN.
Trong cuộc bố ráp vào tối Chủ nhật ngày 25/11, giới chức Nam Dương đã
bắt giữ 85 công dân Trung Cộng và 6 người Nam Dương về tội lừa đảo và
tống tiền các nạn nhân ở Hoa Lục.
Cuộc bố ráp diễn ra sau khi giới chức Nam Dương nhận được mật báo từ
Trung Cộng. Chiến dịch truy quét này diễn ra chỉ vài ngày sau khi giới
chức Mã Lai bắt gần 700 công dân Trung Cộng với tội danh nói trên.
Hai nhóm tội phạm nói trên đều có chung thủ đoạn là giả danh công an
và an ninh Trung Cộng khi họ gọi điện thoại hù dọa các nạn nhân ở Hoa
Lục để yêu cầu chi tiền nếu không muốn bị bắt giữ. Một hình thức lừa đảo
khác là giả danh nhân viên ngân hàng để dụ dỗ các nạn nhân bỏ vốn đầu
tư.
7) TAI NẠN TRỰC THĂNG Ở MALI 13 BINH SĨ PHÁP THIỆT MẠNG.
Mười ba binh sĩ Pháp đã thiệt mạng khi hai chiếc trực thăng húc vào
nhau trong cuộc hành quân diệt trừ khủng bố ở Mali vào hôm Chủ nhật
25/11.
Đây là sự tổn thất lớn nhất về nhân mạng kể từ khi nước Pháp đưa quân
đến Mali, một cựu thuộc địa của Pháp ở Phi châu, để giúp chính phủ
nước này tiêu diệt các phiến quân khủng bố vào năm 2013. Ngoài ra, cuộc
nội chiến ở nước láng giềng Lybia đã khiến nhiều nhóm khủng bố tràn
sang Mali và các nước lân cận.
Hiện có khoảng 4500 binh sĩ Pháp đang giúp quân đội Mali càn quét các
nhóm phiến quân nhưng vẫn chưa tiêu diệt được toàn bộ, đặc biệt là
chiến sự vẫn dằng co ở miền Bắc và miền Trung Mali. Vào đầu tháng 11
này, một chuẩn tướng Pháp cùng hàng chục binh sĩ Mali đã tử trận khi
đoàn công xa của viên tướng này bị tấn công.
No comments:
Post a Comment