Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:
1) BẢY GIA ĐÌNH Ở HÀ TĨNH MUỐN NHẬN THI HÀI THÂN NHÂN THAY VÌ TRO CỐT.
Bảy gia đình ở Hà Tĩnh vào hôm qua đã rút lại đơn xin nhận tro cốt
của các thân nhân chết trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh, bất chấp sự
ép buộc của giới chức địa phương.
Cần biết là theo tuyên bố của nhà cầm quyền Hà Tĩnh, toàn bộ phí tổn
mang tro cốt thân nhân về nước sẽ do nhà nước VN đài thọ. Tuy nhiên có 7
gia đình chỉ muốn nhận thi hài con em mình, với lý do muốn nhìn mặt lần
cuối trước khi an táng. Một lý do khác nữa là các gia đình này cảm thấy
bất an khi nhà cầm quyền địa phương kêu họ ký tên vào lá đơn soạn sẵn
nhưng không có dòng chữ nào khẳng định là sẽ được miễn toàn chi phí nhận
lãnh tro cốt.
Trong khi đó, trái ngược với nhiều nguồn tin trong nước, giới chức
Anh và ngay cả nhà nước VN cũng chưa cho biết là bên nào sẽ gánh phí tổn
về việc đưa thi hài hay tro cốt của 39 nạn nhân tử nạn ở Anh về VN.
2) GIỚI CÔNG AN XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH ĐÒI ĐẤT Ở HÀ NỘI.
Lần đầu tiên trong lịch sử csVN, hàng chục công an Hà Nội đã phẫn nộ xuống đường vì bị cướp đoạt đất đai ở huyện Đông Anh.
Cuộc biểu tình được quay phim và tung lên mạng cho thấy hơn 10 công
an huyện Đông Anh đã giương cao biểu ngữ phản đối việc chiếm đoạt khu
đất cấp phát cho họ để xây nhà. Một biểu ngữ tố cáo là “bọn sâu mọt” đã
cưỡng đoạt khu đất mà họ đã chi tiền để được quyền sở hữu từ năm 2002
đến nay. Tuy nhiên nhóm công an này không nêu đích danh “bọn sâu mọt” là
ai.
Một tờ báo lề đảng cho biết thêm, vào năm 2002, công an huyện Đông
Anh được cấp hơn 2 mẫu đất để xây dựng nhà cửa cho 198 công an viên của
huyện. Mỗi công an phải đóng 125 triệu đồng chi trả cho phí tổn xây dựng
nhà cửa mà công ty tư nhân An Thịnh là nhà thầu. Tuy nhiên đến hôm nay,
các ngôi nhà vẫn chưa xây xong nhưng đất thì được bán cho người khác.
Ngay sau đoạn phim được tung lên, dư luận trên mạng xã hội mỉa mai là
sau mấy thập niên xuất hiện “dân oan”, nay có thêm thành phần “công
oan” trong xã hội.
3) HÀ NỘI LỌT VÀO DANH SÁCH CÁC THỦ ĐÔ Ô NHIỄM NHẤT THẾ GIỚI.
Hà Nội đứng thứ 12 trong danh sách các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới,
đồng thời VN lọt vào danh sách 20 nước ô nhiễm trầm trọng nhất, theo xếp
hạng của tổ chức AirVisual.
Bảng xếp hạng được công bố ngay trong ngày mà bầu trời Hà Nội đầy bụi
mù, với chỉ số ô nhiễm không khí lên đến 344 AQI, tức mức nguy hiểm quá
cao, vào sáng sớm hôm qua, thứ Ba ngày 12/11.
Tổ chức AirVisual cho biết là mức độ ô nhiễm đang tăng cao ở các nước
Á châu, nghiêm trọng nhất là ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Nguyên
nhân chính yếu là do lưu lượng giao thông dày đặc, khói bụi từ các nhà
máy nhiệt điện và kỹ nghệ nặng. Khác với Trung Cộng, nông dân các nước
như VN và Ấn Độ có thói quen đốt rơm rạ khi thu dọn đồng ruộng, khiến
tình trạng ô nhiễm không khí càng tăng cao hơn.
4) QUỐC HỘI VN CHO PHÉP VAY MƯỢN THÊM 20 TỶ MỸ KIM ĐỂ TRẢ NỢ VÀ CHI TIÊU.
Vào chiều hôm qua, thứ Ba ngày 12/11, quốc hội VN đã thông qua nghị
quyết cho phép vay mượn hơn 20 tỷ Mỹ kim để trả nợ và chi tiêu trong năm
2020.
Nghị quyết nói trên cũng đồng ý nâng lương tối thiểu lên mức 1 triệu
600 ngàn đồng một tháng từ đầu năm tới, đồng thời gia tăng thêm mức trợ
cấp dành cho cái gọi là thành phần “có công với cách mạng”. Nghị quyết
cũng đề nghị tăng thêm tiền hưu trí cho những quan chức về hưu trước năm
1993 với lý do là những quan chức này có mức hưu trí quá thấp vào thời
điểm đó.
5) MỘT NHÀ THẦU NGA ĐỆ ĐƠN KIỆN TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VN.
Tổng công ty Power Machines của Nga đã đệ đơn kiện Tập đoàn Dầu khí
VN (PVN) lên tòa án quốc tế ở Singapore, với lý do là tập đoàn VN đã
không trả tiền đầy đủ cho họ trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện
Long Phú 1.
Cần biết là tập đoàn Nga này đã phải rút lui khỏi dự án xây dựng này
sau khi Hoa Kỳ ra lệnh trừng phạt một số công ty Nga vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên phía VN đã lợi dụng việc này để cho rằng tập đoàn PM của Nga
phá vỡ hợp đồng nên không thanh toán các phí tổn được thực hiện ở nhà
máy nhiệt điện Long Phú 1.
Cần nói thêm, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 được tập đoàn PVN đầu tư
xây dựng tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, với công suất
lên đến 4400 megaWatt, tức gấp đôi công suất của đập thủy điện Hòa Bình.
Tuy nhiên công trình này chỉ hoàn tất khoảng 75% các hạng mục sau 9 năm
xây dựng.
6) VN ĐOẠT GIẢI GẠO NGON NHẤT THẾ GIỚI 2019.
Vào hôm qua, thứ Ba ngày 12/11, hạt gạo ST24 đã đánh bại gạo Thái Lan
để đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” trong cuộc thi của tổ
chức The Rice Trader.
Đây là lần thứ 11 mà cuộc thi giải gạo ngon nhất thế giới được tổ
chức, bên lề hội nghị mua bán gạo thế giới diễn ra tại thủ đô Manila của
Philippines, kéo dài từ ngày 10 đến ngày 13/11. Hội nghị có sự tham gia
của hàng trăm tập đoàn buôn bán gạo trên thế giới.
Về cuộc thi giành giải nói trên, các đầu bếp quốc tế đã nếm thử mỗi
loại gạo nấu thành cơm và đa số đều đồng ý hạt gạo ST24 của VN là ngon
nhất, trong khi Thái Lan giành giải nhì. Cần biết là vào tuần trước,
loại gạo ST24 do kỹ sư Hồ Quang Cua lai giống cũng chiếm giải nhất tại
VN.
7) GIỚI SINH VIÊN HỌC SINH HỒNG KÔNG LẠI BÃI KHÓA, THAM GIA BIỂU TÌNH.
Sau một ngày bạo lực leo thang tại nhiều nơi, đặc biệt là vụ cảnh sát
nổ súng bắn hạ một thanh niên và màn tưới xăng đốt cháy một người ủng
hộ Trung Cộng, tình hình căng thẳng tại Hồng Kông càng gia tăng với giới
sinh viên học sinh đồng loạt bãi khóa, tham gia biểu tình và giao chiến
với cảnh sát.
Cuộc biểu tình vào hôm thứ Ba ngày 12/11 đã chuyển thành cuộc phản
kháng Trung Cộng một cách rõ rệt sau cái chết của sinh viên Alex Chow,
một du học sinh đến từ Hoa Lục. Trong mấy ngày qua, để tránh bị trả thù
vì bất đồng chính kiến với sinh viên Hồng Kông, rất nhiều sinh viên Hoa
Lục đã gấp rút quay về quê nhà, đặc biệt là những sinh viên không nói
tiếng Quảng Đông như dân Hồng Kông.
No comments:
Post a Comment