Wednesday, October 11, 2023

Tin Tức: Thứ Tư, 11.10.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

1) VIỆT NAM BỊ TỐ CÁO CÀI PHẦN MỀN GIÁN ĐIỆP VÀO ĐIỆN THOẠI CỦA QUAN CHỨC HOA KỲ VÀ LHQ

Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc các tin tặc liên kết với nhà cầm quyền CSVN đã cố gắng cài đặt phần mềm gián điệp vào điện thoại của hàng chục quan chức quốc tế cấp cao, bao gồm các nhà lập pháp của Hoa Kỳ, các quan chức của Liên Hiệp Quốc và các ký giả của cơ quan thông tấn CNN.

Theo các nhà điều tra của Tổ chức Ân xá, công cụ hack này được thiết kế để lấy dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn từ điện thoại và nhắm vào các tài khoản mạng xã hội của các nhân vật có ảnh hưởng về chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Michael McCaul và Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên của Ủy ban Đối ngoại và chủ tịch tiểu ban về Trung Đông. Ngoài ra, còn có các chuyên gia châu Á tại các tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington và các nhà báo của CNN, bao gồm Jim Sciutto, nhà phân tích an ninh quốc gia chính của cơ quan này và hai phóng viên ở châu Á.

Các hacker đã sử dụng mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, để cố gắng lôi kéo các chính trị gia và những người khác truy cập các trang web được thiết kế để cài đặt phần mềm hack có tên Predator.

Predator là một chương trình giám theo dõi nguy hiểm và khó phát hiện, có thể bật micrô và camera của các loại điện thoại di động, lấy tất cả các tài liệu và đọc tin nhắn riêng tư, ngay cả khi chúng được mã hóa.

Theo các tài liệu được cung cấp cho hãng tin Mediapart có trụ sở tại Paris và tuần báo Der Spiegel có trụ sở tại Hamburg, các nỗ lực tấn công mới diễn ra sau các cuộc đối thoại kéo dài và chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan Việt Nam và các công ty con của những kẻ tạo ra phần mềm gián điệp.

Theo các nhà điều tra của Meta, công ty mẹ của Facebook, một tài khoản Facebook có tên Anh Trâm, nhắm vào người nói tiếng Việt, được liên kết với một số trang Predator tương tự. Tài khoản này gần đây đã bị xóa.

Những công cụ này đang được xuất khẩu từ EU sang các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Khi đó, họ không chỉ quay sang chống lại các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền mà còn chống lại các chính trị gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền. 

2) HOA KỲ ĐIỀU HÀNG KHÔNG MẪU HẠM ĐẾN GẦN DO THÁI

Hoa Kỳ tuyên bố đang điều một hàng không mẫu hạm, tàu và máy bay phản lực tới phía đông Địa Trung Hải và cũng sẽ cung cấp thêm thiết bị và đạn dược cho Do Thái.

Cuộc điều quân này xảy ra sau cuộc tấn công của phiến quân Hamas vào Do Thái.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ cũng đang nỗ lực xác minh các báo cáo cho biết công dân của họ nằm trong số những người bị giết và bị bắt giữ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford, một tuần dương hạm và 4 khu trục hạm có trang bị hoả tiễn đang trên đường tới khu vực này. Máy bay chiến đấu của Mỹ cũng sẽ được đưa đến.

Tòa Bạch Ốc cho biết thêm sự viện trợ quân sự cho Do Thái sẽ được gửi đi trong những ngày tới và rằng Mỹ đang nỗ lực bảo đảm rằng kẻ thù của Do Thái sẽ không cố gắng trục lợi từ tình hình này.

Phiến quân Hamas cho biết sự hỗ trợ từ Iran đã giúp họ thực hiện cuộc tấn công, bao gồm hỏa tiễn, drone.

Tuy nhiên, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Iran đã phủ nhận liên quan đến vụ tấn công của phiến quân Hamas. 

3) MANILA: HẢI CẢNH TRUNG CỘNG KHÔNG CẢN ĐƯỢC XUỒNG VŨ TRANG CỦA HẢI QUÂN PHILIPPINES

Hôm 10/10, Tư lệnh quân đội Philippines bác bỏ tuyên bố của hải cảnh Trung Cộng rằng họ đã xua đuổi một xuồng vũ trang của hải quân Philippines ra khỏi bãi đá ngầm có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo ông Romeo Brawner, người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Philippines thì lực lượng hải cảnh Trung Cộng đã có mặt ở đó và tìm cách cản đường. Nhưng tàu hải quân của Phi vẫn tiếp tục hành trình và không bị xua đuổi và vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình là tuần tra hàng hải.

Lực lượng Hải cảnh Trung Cộng trước đó cho hay họ đã thực hiện “các biện pháp cần thiết” để xua đuổi xuồng vũ trang của Philippines ra khỏi bãi ngầm Scarborough sau khi họ phớt lờ những cảnh báo nhiều lần. Người phát ngôn hải cảnh Trung Cộng Cam Vũ cho rằng hành động của Philippines cũng vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi Trung Cộng cảnh báo Philippines không được tiếp tục “khiêu khích” tại một bãi ngầm ở Biển Đông, nói rằng những hành động như vậy đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, trái luật pháp quốc tế và phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực.

Bãi ngầm Scarborough là nơi có nhiều tranh chấp nhất ở châu Á và là điểm bùng phát các tranh chấp về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.

Khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng Trung Cộng tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với nơi mà họ gọi là đảo Hoàng Nham và các vùng biển lân cận.

No comments:

Post a Comment