Wednesday, October 18, 2023

Kiến nghị thư yêu cầu đảm bảo điều kiện sống và quyền liên lạc gia đình

Đất Nước Đứng Lên

Thưa quý thính giả, việc nhà cầm quyền CSVN ngày càng lộng hành trù dập những công dân của mình, đặc biệt những người dám công khai vận động cho một xã hội công bằng, tự do. Thậm chí, họ cũng không được yên thân ngay cả khi bị bắt giam. Trước sự đối xử tàn bạo của chế độ đối với những tù nhân lương tâm này, nhiều gia đình của họ đã mạnh dạn công khai một bản kiến nghị gởi rộng rãi đến dư luận trong và ngoài nước hầu mong mỏi một sự đồng hành của tất cả con dân Việt… Trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên hôm nay, mời quý thính giả theo dõi “Kiến nghị thư yêu cầu đảm bảo điều kiện sống và quyền liên lạc gia đình” sẽ do Khánh Ngọc tuyên đọc sau đây 

Kiến nghị thư yêu cầu đảm bảo điều kiện sống và quyền liên lạc gia đình

Kính gửi:
- Bộ trưởng Bộ Công an;
- Cục trưởng Cục C10 - Quản lý trại giam;
- Ban giám thị trại Nam Hà, trại số 6 Nghệ An, trại An Điềm, trại Gia Trung, và trại Xuyên Mộc;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Nam, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Gia Lai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Văn phòng Dân nguyện Quốc Hội;
- Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Nam, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Gia Lai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;


Chúng tôi, gia đình của các tù nhân lương tâm trên khắp đất nước Việt Nam và những người ký tên ủng hộ, tham gia bức thư chung này với yêu cầu Chính phủ Việt Nam đảm bảo điều kiện sống trong trại giam và quyền được thăm gặp gia đình của thân nhân chúng tôi.

Việt Nam là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc. Việt Nam ký Công ước chống tra tấn vào ngày 07/11/2013 và Quốc hội đã phê chuẩn Công ước vào 28/11/2014. Theo như Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Bộ Công an viết vào năm 2017, Việt Nam tương đối đã có một khung pháp lý cơ sở đảm bảo điều kiện sống của người tù nhân. [1] Tuy nhiên, thân nhân chúng tôi vẫn đã và đang phải trải qua những điều kiện giam giữ hết sức khắc nghiệt về tinh thần lẫn thể xác.

Chỉ riêng ở Trại 6 Nghệ An, tính từ năm 2019 đã có 3 tù nhân chết trong lúc giam giữ, bao gồm thầy giáo Đào Quang Thực vào năm 2019, ông Đỗ Công Đương vào năm 2022, và mục sư Đinh Diêm vào năm 2023. Thân nhân của họ nhiều lần lên tiếng yêu cầu quyền thăm khám sức khoẻ nhưng đều bị từ chối. Cái chết của họ đã nói lên sự thiếu trách nhiệm từ phía trại giam trong một thời gian dài.

Gần đây, sức khoẻ của mục sư Nguyễn Trung Tôn ở trại giam Gia Trung, ông Vũ Quang Thuận ở Nam Hà, và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn ở trại Xuyên Mộc cũng đang trong tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, yêu cầu được thăm khám tại bệnh viện của gia đình cũng bị từ chối. Riêng trường hợp của kỹ sư Trần Văn Bang chỉ được bác sĩ chẩn đoán khối u của ông là triệu chứng thoát vị bẹn. Tuy nhiên, ông không được kiểm tra sinh thiết để biết đây là u lành hay ác tính cũng như thực hiện cách biện pháp điều trị khác.

Bên cạnh đó, thân nhân của chúng tôi còn bị đe dọa tới tính mạng và bị đánh đập trong trại giam. Tại trại số 6 Nghệ An, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Đặng Đình Bách, ông Nguyễn Trọng Bằng và ông Nguyễn Thanh Quang gửi đơn cho giám thị yêu cầu trại giam phải niêm yết công khai định mức khẩu phần ăn ở Phân trại số 1. Sau đấy, họ bị một nhóm người mặc đồ phạm nhân cầm dao đe doạ tính mạng. Riêng ông Đặng Đình Bách thì bị đánh vào đầu và có vết thương trên tay. Tại trại An Điềm, sáng ngày 09/9/2023, ông Trịnh Bá Phương cùng ông Trương Văn Dũng, ông Phan Công Hải và ông Phạm Văn Điệp biểu tình lên tiếng phản đối các vi phạm nhân quyền. Sau đó, cán bộ trại An Điềm đã đánh ông Trịnh Bá Phương gây nên một vết bầm tím ở vùng ngực bên phải và cùm hai chân ông cho đến ngày 19/9/2023.

Thân nhân chúng tôi ở trong trại giam đã nhiều lần phản đối điều kiện giam giữ khắc nghiệt. Tháng 9/2022, vì bảo vệ quyền thăm khám của ông Đỗ Công Đương trước khi ông ấy chết, ông Trịnh Bá Tư đã bị kỷ luật và cùm chân, đồng thời ông cũng bị cắt quyền liên lạc và nhận tiếp tế từ gia đình. Ông Trịnh Bá Tư sau đó đã tuyệt thực 22 ngày để phản đối kỷ luật này của trại giam. Đối với trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, tháng 7/2023, Cán bộ Trại 6 Nghệ An đã tịch thu máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, và chiếc quạt chạy bằng pin của ông sau khi ông phản đối Văn bản số 253 của Toà án nhân dân tối cao. Cũng trong tháng 7, ông Đặng Đình Bách vừa kết thúc 31 ngày tuyệt thực để đòi công lý cho các tù nhân. Gần đây, ngày 03/9/2023, ông Lê Trọng Hùng bắt đầu tuyệt thực để yêu cầu quyền thăm khám sức khoẻ và điều kiện sống đảm bảo trong trại giam. Ngày 12/10/2023, ông Hoàng Đức Bình vừa kết thúc 4 ngày tuyệt thực để phản đối sự giam giữ hà khắc ở trại An Điềm.

Bên cạnh việc bị từ chối quyền thăm khám sức khỏe, thân nhân của chúng tôi còn không được cung cấp nước sạch và thực phẩm có dinh dưỡng. Gần như mỗi ngày, thân nhân chúng tôi chỉ được ăn “canh đại dương" [2] và cơm trắng, hiếm lắm mới có một ít thịt. Vì thế, họ phải phụ thuộc vào tôm, cá, thịt, trái cây, đồ ăn và thậm chí là nước sạch mà chúng tôi gửi vào hằng tháng. Mỗi lần vượt hàng trăm hoặc thậm chí cả nghìn cây số, chúng tôi luôn gửi tối đa đồ ăn vì thân nhân chúng tôi còn hay san sẻ với anh chị em bạn tù khác do điều kiện dinh dưỡng quá thiếu thốn trong trại giam.

Tuy nhiên, không phải khi nào thân nhân cũng nhận được mọi nhu yếu phẩm chúng tôi gửi. Trong suốt một thời gian dài, trại Nam Hà chỉ cho vợ ông Lê Văn Dũng gửi tiền lưu ký. Mãi về sau do các tù nhân cùng phản đối bằng cách tuyệt thực hoặc không nhận khẩu phần ăn thì trại Nam Hà mới cho ông Lê Văn Dũng nhận đồ khô như bánh kẹo, lạc rang. Đối với trường hợp ông Lê Hữu Minh Tuấn ở trại Xuyên Mộc, ông không được nhận thuốc gia đình gửi. Ngược lại, ông phải uống loại thuốc đã bị trại giam đánh tráo, sau đó nhận thấy tình hình bệnh ngày càng trầm trọng.

Không những thế, quyền liên lạc với gia đình của thân nhân chúng tôi cũng không được đảm bảo. Ông Trịnh Bá Tư đã không được gọi điện về trong hơn hai tháng vào cuối năm 2022 do phản đối việc Trại 6 Nghệ An từ chối chăm sóc sức khoẻ của tù nhân. Gần đây, trong cuộc gọi cuối tháng 8/2023, ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ có thể nói chuyện với gia đình trong 3 phút về việc bị đe doạ trong trại giam trước khi bị ép tắt máy. Hay đã hơn nửa năm, gia đình ông Lê Trọng Hùng chưa hề nhận được bất kỳ lá thư nào ông gửi về mặc dù ông vẫn gửi định kỳ hằng tháng.

Với điều kiện giam giữ đã nêu trên, trong lá thư này, chúng tôi yêu cầu các cơ quan hữu trách và Chính phủ Việt Nam tuân thủ luật pháp hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các điều kiện giam giữ, quyền được sống và quyền thăm gặp gia đình của các tù nhân, cụ thể:

Điều 20 Hiến pháp Việt Nam về việc mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

Điều 52 và 54 Luật Thi hành án hình sự về quyền được thăm gặp và liên lạc gia đình của phạm nhân.

Điều 48 và điều 55 Luật Thi hành án hình sự và điều 7 và điều 9 Nghị định 133/2020/NĐ-CP về điều kiện sống, chế độ ăn và chế độ chăm sóc sức khoẻ của phạm nhân.


Sau cùng, xét về nghĩa tình, nếu Chính phủ Việt Nam và trại giam không đủ khả năng chăm sóc thân nhân chúng tôi, hãy trả tự do để họ về với gia đình. Chúng tôi chắc chắn có đủ điều kiện và tình yêu để chăm sóc họ một cách tốt nhất.

Chú thích:

[1] https://bocongan.gov.vn/KND/TT/Lists/TinTuc/Attachments/24805/0.B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20CAT%20c%E1%BB%A7a%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%20g%E1%BB%ADi%20%E1%BB%A6y%20ban%20CAT.pdf

[2] “Canh đại dương" là từ lóng để chỉ những bát canh toàn nước, không có rau và thịt.

 

No comments:

Post a Comment