Thursday, October 12, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 12.10.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Thiên An trình bày sau đây.

1/ QUAN CHỨC TỈNH QUẢNG NINH NHẬN HÀNG CHỤC TỶ TIỀN HỐI LỘ

Một số quan chức cầm đầu ở tỉnh Quảng Ninh đã nhận hối lộ vài chục tỷ đồng từ công ty AIC, theo lời khai của bà Hoàng Thị Thúy Nga, người được xem là phó chủ tịch cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tại phiên tòa hôm qua 11/10, bà Hoàng Thị Thuý Nga đã phủ nhận việc mang một vali có chứa 4 tỷ rưởi đồng tới tặng cho giám đốc sở giáo dục Quảng Ninh là bà Vũ Liên Oanh nhân dịp Tết năm 2020. Theo bà Nga thì trong vali không hề có tiền mà chỉ có cái gọi là “đôi ba món quà nhỏ”.

Bà Hoàng Thị Thuý Nga một mực bác bỏ tội “đưa hối lộ”, nhưng lời khai của bà cho thấy quan hệ thân thiết và liên tục của bên trúng thầu các hợp đồng thiết bị giáo dục và các quan chức Quảng Ninh.

Ngược lại ba quan chức khác là Vũ Liên Oanh, Ngô Vui và Hà Huy Long đều xác nhận họ đã nhận tiền nhiều lần, lên đến hàng chục tỷ đồng trong mấy năm liền từ bà Nga, người mà báo chí lề đảng gọi là “phó tướng của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn”. Cả ba người đều cho biết là khi nhận tiền thì chỉ nghĩ đơn giản là quà cảm ơn.

Theo cáo trạng thì bà Thuý Nga chung tiền để cảm ơn cho ba quan chức nói trên lên đến gần 19 tỷ đồng và 500 ngàn Mỹ kim.

Cần biết là bà Nhàn đã bị truy tố vì các hoạt động vi phạm pháp luật xảy ra tại Quảng Ninh và Đồng Nai nhưng không rõ bà đang ở đâu.

2/ BỘ CÔNG AN VN PHONG TỎA MỎ ĐẤT HIẾM Ở YÊN BÁI

Bộ công an VN vào ngày 9/10 vừa qua đã phong tỏa mỏ đất hiếm do công ty Thái Dương đang khai thác tại tỉnh Yên Bái với lý do “hoài nghi vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho biết việc phong tỏa được thực hiện bởi cục cảnh sát điều tra về tham nhũng thuộc bộ công an vào ngày 9/10. Cục này đã làm việc với ban giám đốc và một số người trong công ty này để điều tra về dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên bộ công an không cho biết vi phạm này là gì.

Cần biết là công ty tư nhân Thái Dương được cấp phép thăm dò đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Phú, từ tháng 6 năm 2013. Diện tích được giao là hơn 6 mẫu đất, với mức khai thác sâu  hơn 35 thước và thời gian khai thác là 8 năm.

Vào tháng 5 vừa qua, sản lượng đất hiếm khai thác của Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 10 lần so với năm trước đó, khi nhiều công ty thế giới tìm đến mua nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Cộng. Sản lượng đất hiếm của Trung Cộng cao gấp đôi VN, đứng thứ nhì thế giới với khoảng 22 triệu tấn.

3/ HƠN 3 NGÀN NGƯỜI CHẾT TRONG CUỘC XUNG ĐỘT HAMAS VÀ DO THÁI

Cuộc đụng độ giữa Do Thái và quân Hamas trên dải Gaza, tính đến ngày hôm qua 11/10 đã bước sang ngày thứ năm. Theo thống kê sơ khởi, hơn 3 ngàn người thiệt mạng từ cả hai phía bao gồm cả thường dân, quân nhân Do Thái và tay súng Hamas.

Phía Do Thái khẳng định cuộc tấn công của phe Hamas cách nay năm ngày đã làm cho hơn 1200 người chết và gần 3 ngàn người khác bị thương. Chiến sự bùng nổ đã làm cho hơn 263 ngàn người sinh sống trên dải Gaza buộc phải di tản. 

Nhiều nước bắt đầu tổ chức hồi hương các công dân của họ vào lúc quân đội Do Thái mở nhiều cuộc oanh kích mới vào dải Gaza, nhắm vào hơn 200 mục tiêu tại một khu phố, mà theo chính quyền Do Thái là đã được phe Hamas dùng để tiến hành đợt tấn công chưa từng có.  

Quân đội Do Thái từ hôm thứ Bảy 7/10 đã tiêu diệt ít nhất một ngàn người Palestine có võ trang xâm nhập vào Do Thái từ dải Gaza. Ngoài việc oanh kích vào dải Gaza và phía nam Lebanon, quân đội Do Thái cũng đã đáp trả các vụ nã pháo từ Syria.

Có tin cho biết là tư gia của ông Mohamed Deif, người cầm đầu chiến dịch quân sự của Hamas, là mục tiêu tấn công.

Do Thái cũng huy động một con số kỷ lục là 360 ngàn quân dự bị. Các đội quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ ở dải Gaza. Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Jake Sullivan, cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với Do Thái và Ai Cập về việc mở một lối thoát an toàn cho thường dân ở dải Gaza.

Ý định này của Mỹ được đưa ra trong lúc Ai Cập vào ngày 10/10 thông báo đóng cửa biên giới Ai Cập với phía nam dải Gaza trước các đợt oanh kích từ Do Thái nhắm vào vùng lãnh thổ này. 

4/ TRUNG CỘNG PHÓNG THÍCH MỘT NHÀ BÁO ÚC GỐC HOA

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết nhà báo Cheng Lei, một công dân Úc gốc Hoa bị Trung Cộng cầm tù với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia suốt ba năm qua, đã trở về Úc vào hôm qua 11/10.

Bà Cheng 48 tuổi bị bắt vào tháng 8 năm 2020 với cáo buộc chia xẻ bí mật quốc gia với một quốc gia khác. Khi ấy bà là người dẫn chương trình truyền hình kinh doanh của đài truyền hình nhà nước Trung Cộng.

Thủ tướng Albanese nói trong một cuộc họp báo là bà Cheng, người bị xét xử bí mật vào tháng 3 năm ngoái, đã về đến Melbourne và đoàn tụ với gia đình. Ông Albanese cho biết bà này được trả tự do sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý ở Trung Cộng.

Bộ công an Trung Cộng cho biết bà Cheng đã nhận tội gửi trái phép bí mật nhà nước ra nước ngoài, liên quan đến công việc của bà tại một cơ quan truyền thông nhà nước. Bà bị trục xuất sau khi chấp hành bản án hai năm 11 tháng.

Các nhà ngoại giao Úc không được phép tham gia phiên tòa xét xử trên và bà Cheng chưa bao giờ bình luận công khai về vụ việc này. Nước Úc đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về việc bà Cheng bị bắt giữ trong lúc Trung Cộng mở rộng các lệnh cấm nhập cảng các sản phẩm Úc vào thời đó.

Công chúng Úc gây áp lực lên ông Albanese để đòi trả tự do cho bà Cheng trước bất kỳ chuyến thăm chính thức nào tới Trung Cộng. Ông Albanese trước đó cho biết ông đã nêu trường hợp của bà Cheng với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.

Ông Albanese cho biết thêm là Úc đang can thiệp cho một nhà báo Úc khác bị giam giữ là Yang Hengjun, người đã bị giam giữ từ tháng Giêng năm 2019.

5/ KHỐI NATO SẼ CÓ PHẢN ỨNG NẾU ĐƯỜNG ỐNG BALTIC BỊ PHÁ HOẠI

Khối NATO sẽ xem xét thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt và cáp dữ liệu nối liền các quốc gia thành viên Phần Lan và Estonia, đồng thời có phản ứng cứng rắn nếu nguyên nhân được xác định là một cuộc tấn công có chủ ý, theo tuyên bố của Tổng thư ký Jens Stoltenberg vào hôm 11/10.

Thiệt hại trên đường ống Baltic Connector và cáp viễn thông được xác nhận hôm 10/10 sau khi một trong hai nhà khai thác đường ống, Gasgrid của Phần Lan, ghi nhận áp suất giảm và có thể bị rò rỉ vào tối Chủ nhật 8/10 trong một cơn bão.

Hôm 10/10, chính phủ Phần Lan cho biết thiệt hại có thể do “hoạt động bên ngoài” gây ra và nguyên nhân đang được điều tra, làm dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng khu vực và đẩy giá khí đốt lên cao.

Các công ty điều hành đường ống này cho biết là việc lập kế hoạch và tiến hành sửa chữa đường ống sẽ mất ít nhất 5 tháng, với việc vận chuyển khí đốt có thể sẽ tiếp tục trở lại sớm nhất vào tháng 4 năm sau. Điện Cẩm Linh mô tả vụ việc này là “đáng lo ngại” và cho biết họ đang chờ thêm thông tin.

Nội vụ hôm 8/10 xảy ra khoảng một năm sau khi các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream lớn hơn, nối liền giữa Nga và Đức, bị hư hại do vụ nổ mà chính quyền cho là do phá hoại.

No comments:

Post a Comment