Wednesday, May 2, 2018

Về đâu những ‘cánh tay nối dài của đảng?’

Bình Luân

Đảng CSVN và các ngoại vi như một đảng ký sinh trùng, sống trên xương tủy và huyết mạch của dân tộc. Sự tinh giản và loại bỏ các ngoại vi này sẽ đem đến sự diệt vong của chính đảng CSVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: “Về đâu những cánh tay nối dài của đảng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Một khi Bộ Công An – được biệt danh là “thanh kiếm và lá chắn” và thực chất là “cánh tay gắn liền của đảng” – mà còn phải sa vào cơn xáo trộn “cải tổ” trong năm 2018, thân phận những đoàn thể chính trị – xã hội vốn chỉ là “cánh tay nối dài của đảng” sẽ đi đâu, về đâu?

Tình thế thu không đủ chi và ít nhất 30% công chức viên chức bị dư luận xem là “ăn bám” đã trở nên bĩ cực đến mức đảng phải tìm nhiều cách nhằm “bóp” lại ngân sách với ưu tiên tối thượng là duy trì bằng được sự tồn tại của các cơ quan đảng. Nhưng không còn cách nào khác, muốn thắt chặt ngân sách thì phải “siết” biên chế.
Sau một thời gian dài giằng co níu kéo có vẻ đầy nuối tiếc, rốt cuộc một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản chính là các đoàn thể chính trị – xã hội, từng có thời được đảng sủng ái nhưng giờ đây không còn quá quan trọng với đảng.
Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam và Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam – 6 tổ chức chính trị xã hội từng được ưu ái hàng đầu ấy – đang nhìn thấy cái vực thẳm “tiền đâu” lồ lộ dưới bóng chợ chiều chính thể.
Không trả lời được câu hỏi quá thiết thân ấy, và nhất là chẳng làm gì để kiếm tiền tự nuôi thân, “cánh tay nối dài” nào cũng phải chịu rủi ro bị thu ngắn, thậm chí còn có thể bị đảng chặt phăng không thèm đoái hoài.
Đầu Tháng Tư, 2018, Ban Tổ Chức Trung Ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm:
Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án hai, nhất thể hóa chức danh chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị – xã hội gồm Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên, Liên Đoàn Lao Động, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh thành Các Ban của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.
Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân Vận và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Việc 3 trong số 4 phương án trên nhằm mục tiêu “tinh giản” cho thấy phương án cuối cùng được chọn rất nhiều khả năng sẽ không phải là giữ nguyên hiện trạng mô hình tổ chức hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội như hiện nay. Mà sẽ phải “gom lại”.
Nhưng “gom” như thế nào? “Gom” làm sao để vừa đạt được mục tiêu tiết giảm đến mức tối đa phần ngân sách phải chi ra, đồng thời hài hòa được tình trạng “ghế ít đít nhiều” khi phải “tái cơ cấu” một khối đoàn thể khổng lồ không chỉ về năng khiếu “ăn” ngân sách mà còn quá nhiều năng lực bày biện ghế ngồi cho giới quan chức?
Đề tài nghiên cứu “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” phát ra trong bối cảnh chủ trương “tinh gọn biên chế” và “giảm 10% biên chế” của Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.
Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.
Và nếu tinh gọn được bộ máy “cánh tay nối dài của đảng,” đảng sẽ loại được hàng trăm ngàn nhân sự “chỉ biết ăn, không biết làm” – một con số rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh khốn khó hiện thời.
Giáo Sư Nguyễn Đình Cống – một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam – còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Cho đến nay, “thành tích” lớn nhất của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam là giúp đảng cầm quyền ngăn chặn và loại hầu hết các ứng cử viên độc lập, mà bằng chứng sống động nhất đã hiện hình trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào Tháng Năm, 2016, chủ yếu qua những màn đấu tố thô bạo không khác mấy so với thời cải cách ruộng đất cách đây đến 70 năm: Số người tự ứng cử lọt vào Quốc Hội đã giảm đi phân nửa so với những kỳ bầu cử Quốc Hội trước đó. Cũng trong cuộc bầu cử Quốc Hội này, thậm chí tỉ lệ người ngoài đảng đã rớt xuống chỉ còn khoảng 4%, so với “10% theo tiêu chí.”
Trong khi đó, một cựu quan chức cấp sở cũng nói công khai là có thể giải tán Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng trở nên vô tích sự và phản cảm không kém Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Từ khi có Luật Lao Động, tổ chức này đã chưa hề chủ động tổ chức một cuộc đình công hoặc lãn công nào cho công nhân, bất chấp vô số khó khăn và bất công trùm phủ lên đầu lớp công nhân vừa nghèo vừa đói cùng hàng ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân nổ ra hàng năm.
Trong tương lai gần, rất gần, có lẽ không ít công chức và viên chức của đoàn thể nhà nước – những người đã quen “gật” trong các cuộc họp chi bộ trước đường lối nghị quyết cực kỳ sáo rỗng của đảng, đã quen với những danh từ “sẵn sàng”, “nhất trí” với các phong trào vừa hình thức vừa vô bổ mà đảng phát động, sẽ phải ngậm đắng nuốt cay rời nhiệm sở – nơi họ đã có thể ngồi không nhiều năm qua hoặc gần như thế trong lúc đều đều hưởng những đồng tiền vắt kiệt từ mồ hôi và cả nước mắt của dân chúng.
Thế nhưng, lại có chuyện “rời biên chế, chúng tôi biết sống bằng gì?” – một loại tán thán rất đặc trưng rất điển hình mà chính Tổng Bí Thư Trọng đã nghe được từ giới cử tri “trung thành” của ông và được ông thuật lại.
Biết đâu đấy, chính cái thành phần thất nghiệp bắt buộc ấy sẽ phát sinh và trở thành nhân tố đả kích “chế độ bất công” nhiều nhất, mạnh nhất, có khi còn mạnh hơn cả giới đấu tranh dân chủ nhân quyền.
Phạm Chí Dũng

No comments:

Post a Comment