Wednesday, May 23, 2018

Nói Với Người Cộng Sản, 20.05.2018

Nói Với Người CS

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Như anh chị em và quí vị và chúng ta đều đã thấy, vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam coi như đã chấm dứt với kết quả Trịnh Xuân Thanh bị hai án chung thân. Tuy nhiên, xì-căng-đan bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Các thủ tục pháp lí và các phiên tòa tại Đức xoay quanh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang tiếp diễn với nhiều tình tiết chứng tỏ có sự dính líu trực tiếp của nhiều tướng công an, không loại trừ trong đó có cả Bộ trưởng Tô Lâm. Đó là xét trên phương diện pháp lí và sự can dự trực tiếp vào vụ bắt cóc. Còn về mặt thực tế, cuộc bắt cóc trắng trợn và liều lĩnh ở ngoài phạm vi quốc gia và ngay trên một quốc gia có nền tảng dân chủ, pháp quyền vững chắc như Đức, chắc chắn không thể là quyết định của một vài tướng tá, hay bộ trưởng công an. Quyết định liều lĩnh này chắc chắn phải xuất phát từ những kẻ nắm quyền lực cao nhất. Mà hiện nay kẻ đang nắm quyền lực cao nhất của bộ sậu cộng sản Việt Nam chính là Nguyễn Phú Trọng. Sau khi Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng chính là kẽ đã khẳng định công khai rằng Trịnh Xuân Thanh ‘không trốn được đâu’.
Xem lại các tình tiết trong vụ Trịnh Xuân Thanh, chúng ta thấy rõ Nguyễn Phú Trọng chính là kẻ đã bị Trịnh Xuân Thanh khinh thường và sỉ nhục trước khi Trịnh Xuân Thanh trốn chạy khỏi Việt Nam. Đây cũng là trường hợp hi hữu từ trước tới nay trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam có một tổng bí thư bị một đảng viên cấp dưới bỉ mặt và cho tiết lộ ra công luận. Xét về mặt cả tình lẫn lí, Nguyễn Phú Trọng bị Trịnh Xuân Thanh khinh thường và sỉ nhục là hoàn toàn đúng đắn. Bởi Nguyễn Phú Trọng đã kỉ luật, tấn công Trịnh Xuân Thanh chỉ vì động cơ phe phái nhưng Trọng lại dùng các lí do rất cao thượng, như làm trong sạch đảng, chống tham nhũng, để che đậy cho hành động tiểu nhân của Trọng.
Không những thế, bản thân Trọng cũng là một tay tham quan, đã âm thầm vơ vét, tích trữ rất nhiều tiền bạc, nhà cửa kể từ thời Trọng còn làm tổng biên tập tờ Tạp chí cộng sản. Trọng có thể khéo léo, dùng mẽ bề ngoài có vẻ thanh liêm của mình để che mắt thiên hạ, nhưng đối với những quan chức khác cùng nằm trong hệ thống như Thanh, Trọng không thể nào che giấu được. Càng tỏ vẻ thanh liêm, càng ra vẻ cao đạo, Trọng sẽ càng bị những quan chức khác cười khẩy và khinh bỉ. Do đó, việc Thanh trốn đi và để lại bức thư với vài dòng chữ khinh bỉ cho Trọng là một phản ứng tự nhiên và cần thiết đối với xã hội. Một kẻ tham quan và bám gót Tàu như Trọng hoàn toàn không thể đủ bất cứ tư cách gì để kêu gọi chống tham nhũng hay làm trong sạch bất cứ điều gì. Trọng cần phải bị các đảng viên khác coi thường, khinh bỉ.
Chỉ đáng tiếc, sự phản kháng của Trịnh Xuân Thanh đã cũng chỉ dừng lại ở mức độ giống như Trọng, tức cũng chỉ là phản ứng, đối lập trong khuôn khổ của những kẻ tham quan, trộm cắp nhưng khác bang hội mà thôi. Chính trong cái khuôn khổ vụ lợi thấp hèn như thế, Trịnh Xuân Thanh đã không thể thoát khỏi cái khuôn hèn yếu cộng sản. Thanh đã tự coi thường, sỉ nhục bản thân khi bị Nguyễn Phú Trọng tóm được và trả thù bằng cách đưa ra ‘xét xử’.
Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu giữa Trọng và Thanh, chúng ta đều thấy rõ bắt buộc phải có vai trò của công an. Thiếu sự giúp sức của công an, Thanh không thể nào đào thoát khỏi Việt Nam khi đã có lệnh kỉ luật và nằm trong tầm ngắm của Trọng.
Ngược lại, nếu không có lực lượng công an, Trọng cũng không thể nào triển khai, thực hiện được ý đồ bắt cóc Thanh từ Đức trở về Việt Nam.
Như vậy, điều chắc chắn là trong bộ công an đã có ít nhất hai lực lượng cùng tồn tại, một lực lượng ủng hộ Trịnh Xuân Thanh và phe phái của Thanh và một lực lượng kia ủng hộ Nguyễn Phú Trọng cùng với thân hữu của Trọng. Nhưng cũng có một giả thuyết khác, trong bộ công an chỉ có một lực lượng nhưng lực lượng này sẵn sàng phục vụ bất cứ bên nào nếu thấy có lợi.
Dư luận trong anh chị em an ninh, cảnh sát bấy lâu nay đã có nhiều bàn tán từ khi xảy ra những vụ đào thoát bí ẩn của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm, rồi sau đó cả hai lại đều bị lực lượng công an tổ chức đi bắt trở lại. Với những cách thức hoạt động và nguyên tắc như hiện tại, những người như Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Nhôm không thể rời khỏi tư gia. Nhưng cho đến nay, không chỉ có Thanh hay Vũ Nhôm đã từng đi thoát mà hiện tại vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu có những nhân vật khác có thể đi thoát một cách êm đẹp.
Thưa anh chị em và quí vị, tới đây chúng ta đã thấy nổi lên một câu hỏi, Tô Lâm bộ trưởng là người của phe nào, hay không là người của phe nào, đã đóng vai trò gì trong vụ Trịnh Xuân Thanh và các vụ đào thoát khác?
Đây là một câu hỏi chúng ta chưa thể có câu trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn, những người như Tô Lâm hiện đang đóng vai trò rất quan trọng đối với những kẻ như Trọng. Có thể nói, thiếu sự trung thành của Tô Lâm, Trọng sẽ không thể ngủ yên. Nhưng, điều nghịch lí tổng bí thư cộng sản luôn chỉ coi chức vị bộ trưởng công an là kẻ hạ cấp, làm lá chắn chúng mà thôi. Bất cứ lúc nào chức vị bộ trưởng công an cũng có thể bị thay đổi, thanh trừng. Ví dụ, đối với Tô Lâm rất có thể một ngày nào đó lại phải ra ‘tòa’ vì can tội ‘thiếu trách nhiệm’ trong việc để xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức làm tổn hại tới ‘quan hệ quốc tế của Việt Nam’.
Đây chính là thân phận bấp bênh, đáng thương, đôi khi bi thảm, của bộ trưởng công an nói riêng và lực lượng công an nói chung trong chế độ độc tài cộng sản. Phải làm gì để tránh cái thân phận đáng buồn này là điều anh chị em chúng ta cần phải suy nghĩ kĩ và hành động trước khi quá muộn.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
Tiến Văn

No comments:

Post a Comment