Wednesday, May 23, 2018

Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đối xử thế nào với ‘phe ta?’

Bình Luân

“Phe ta” là một khái niệm chính trị học mới toanh xuất phát từ dân gian đương đại, hàm ý nhắm đến giới quan chức các ngành, các địa phương và ở các cấp có mối quan hệ “tư bản thân hữu” với “phe đốt lò” – cũng là một khái niệm dân gian dành cho “người đốt lò vĩ đại” cùng những quan chức cận thần của ông.
Bất chấp chiến dịch tấn công “phe củi” thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có “chống tham nhũng công bằng” hoặc phải “chống tham nhũng cả phe ta” như người dân mong mỏi và đòi hỏi? Hay ông Trọng chỉ “chống tham nhũng một bên” nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng hầu kéo được ngày nào hay ngày nấy cho chế độ độc đảng của ông ta?
Bởi tới nay vẫn còn khá nhiều dư luận cho rằng những kẻ đã phải tra tay vào còng như đại gia Trầm Bê, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng là những người gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và do đó ông Trọng chỉ “chống tham nhũng thời kỳ trước” tức “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng” hay “chống tham nhũng một bên”.
Nhưng lại có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng “chống tham nhũng cả phe ta”.
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh và Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa; Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là “cánh hẩu” với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 mới hé lộ vài dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng dường như muốn phát đi thông điệp “chống tham nhũng công bằng,” thay cho “chống tham nhũng một bên” trước đây.
Tháng Ba và Tháng Tư, 2018, ông Trọng chỉ đạo vụ bắt Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa – cựu cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của Bộ Công An, Trung Tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Bộ Công An và Trung Tướng Phan Hữu Tuấn – cựu tổng cục phó Tổng Cục Tình Báo Bộ Công An, thông báo công khai ngay sau đó cho báo chí.
Cuối Tháng Ba, 2018, Cục Quản Lý Dược, Bộ Y Tế có cục trưởng mới là ông Vũ Tuấn Cường, thay cho ông Trương Quốc Cường. Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường trước đó kiêm luôn chức cục trưởng Cục Quản Lý Dược.
Từ vài năm qua và đặc biệt trong năm 2017, Thứ Trưởng Y Tế Trương Quốc Cường có nhiều dấu hiệu dính trực tiếp đến đường dây nhập khẩu thuốc ung thư giả mà khiến nhiều bệnh nhân ung thư rước phải “cái chết thứ hai”. Rất nhiều dư luận đòi hỏi ông Cường phải từ chức và phải bị truy tố về vụ việc quá nhẫn tâm này…
Nhưng bằng chứng hiển lộ nhất để cho thấy ông Trọng có chống tham nhũng cả “phe ta” hay không là trường hợp Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn. Vào Tháng Ba, 2018, đã nổ ra vụ “Mobifone mua AVG,” đặc biệt liên đới trách nhiệm của Trương Minh Tuấn – nhân vật từng được ông Trọng sủng ái và chỉ định kiêm phó trưởng ban tuyên giáo trung ương vào năm 2016. Với bản kết luận thanh tra khá rõ ràng về mối liên đới của Trương Minh Tuấn khi ký phê duyệt chủ trương mua bán giữa Mobifone mua AVG, trách nhiệm hình sự của Trương Minh Tuấn là rõ ràng không kém. Nhưng nếu Trương Minh Tuấn được cho “hạ cánh an toàn” trong vụ này, ông Trọng sẽ đương nhiên bị dư luận đánh giá rất thiếu công tâm khi bao che cho “phe ta.”
Ngoài tình trạng tham nhũng chất chồng như núi trong “phe địch” lẫn “phe ta” ở Việt Nam, còn một nguồn cơn khác, không kém nguy biến, khiến Nguyễn Phú Trọng ngày càng lo lắng và tìm cách gia tăng cơ chế “kiểm soát quyền lực” đối với cả “phe ta”: Nạn cát cứ quyền lực.
Từ cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không chỉ là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, “thế lực thù địch” hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng Bí Thư Trọng đã phần nào “trấn” được cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm “vua tập thể” mà cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ví von trước đây 10 năm đã trở nên quá lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.
Vào năm 2017, hiện tượng một số trạm thu phí BOT huy động lực lượng cảnh sát cơ động có cả súng ống như một cách khủng bố tinh thần lẫn trấn áp cánh lái xe phản đối tình trạng lạm thu là một minh họa điển hình cho những dấu hiệu bắt đầu manh nha “lực lượng vũ trang riêng” ở một số tỉnh thành, trong đó tiêu biểu là Đồng Nai của Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Phan Thị Mỹ Thanh.
Đó là lý do chắc chắn để không còn cách nào khác, trong ít ra vài năm tới ông Trọng phải xử cả “phe ta” nhằm “kiểm soát quyền lực” và củng cố chế độ “trung ương tập quyền”./.
Phạm Chí Dũng

No comments:

Post a Comment