Saturday, May 6, 2017

Giáo dục hỏng thì xã hội tiêu vong

QuanĐiểm

Thưa quí thinh giả,
Tháng 5 ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác là thời điểm rộn ràng của học sinh, sinh viên chuẩn bị kết thúc một năm học. Người tốt nghiệp ra trường, người chuẩn bị lên lớp cao hơn trong niên học tới. Trong không khí vui tươi phân khởi của tuổi học trò, ôm ấp những giấc mơ, những hoài bão cho một tương lai tốt đẹp kia, thì lại thấp thoáng những lo âu những trở ngại trước mặt. Bởi con đường phía trước không bằng phẳng trơn tru như họ tưởng. Ở đây chúng tôi không đề cập đến những khó khăn của phụ huynh và học sinh, sinh viên, bởi những thứ ấy ở đâu và lúc nào cũng có. Điều chúng tôi muốn bàn đến là một triết lý, một chính sách, một đường lối cho nền giáo dục Việt Nam, làm sao đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước và nâng cao cuộc sống của con người về tinh thần lẫn vật chất.

Từ hơn 20 năm qua, đã có quá nhiều những dự án, những đề nghị của cá nhân, của tổ chức, đóng góp những ý kiến tích cực vào việc cải tổ giáo dục, nhưng vẫn không thấy có những thay đổi gì đáng kể. Phải chăng những phân tích, nhận xét và đánh giá các sự kiện không chính xác, dẫn đến những giải pháp không phù hợp, nên không đem lại hiệu quả nào. Cũng như bác sĩ không định bệnh chính xác, nên cho thuốc sai, đã không hết bệnh, còn có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Nền giáo dục của VN hôm nay cũng ví như một con bệnh chưa có thuốc chữa.
Quan sát hiện tượng giáo dục hiện nay, ai cũng phải thừa nhận rằng học sinh sinh viên ở nước ta đang phải học hết sức vất vả, để đạt được như chương trình đề ra. Muốn vậy, học sinh phải học ngày học đêm, học thêm các lớp bổ túc. Cha mẹ phải tốn quá nhiều tiền bạc và công sức cho con ăn học. Nhưng kết quả của những công lao mồ hôi nước mắt kia lại không đưa đến những kết quả như mong đợi. Những thứ học được đó không thích ứng vào cuộc sống thực tế, không giúp nâng cao khả năng chuyên môn, không xây dựng được một tư duy cá nhân tự chủ, không ăn khớp với guồng máy phát triển của quốc gia. Trong khi ấy tệ nạn chuộng bằng cấp, theo đuổi thành tích không hề suy giảm, dẫn tới nạn chạy điểm chạy lớp, học giả bằng thật, gian lận thi cử … đó là những hình thức dối trá và tham nhũng trong giáo dục.
Xem quả thì biết cây, nhìn vào thành tích giáo dục, người ta đã so sánh giữa giáo dục của Việt Nam với các nước trong khu vực, căn cứ trên nấc thang các trường đại học, và các sáng kiến đóng góp cho thế giới; trong hai lãnh vực này, VN đã thua sút quá xa. Theo GS Nguyễn Đăng Hưng thì đã từ lâu không có trường đại học nào của Việt Nam lọt vào danh sách 500 trường được xếp hạng quốc tế. Cũng theo GS Hưng thì trong năm 2011, Việt Nam với dân số hơn 80 triệu, nhưng không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại Hoa Kỳ. Trong khi đó Singapore có 647 bằng, Malaysia có 161 bằng. Thái Lan có 53. Philippines: 27 và Indonesia có 7 bằng sáng chế. Những con số trên đây cho chúng ta thấy toàn cảnh sa sút của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Như trên đã nói, hiện có vô số những đề nghị cải tổ giáo dục, nhưng những đề nghị ấy đã không được cứu xét để áp dụng, nếu có thì chỉ là những chắp vá nửa vời, thiếu kế hoạch toàn diện, nên càng sửa, càng sai, càng trệch hướng! Sở dĩ không thể cải tổ toàn diện bởi nhiều lý do, vì tự ái, vì quyền lợi, vì những người có trách nhiệm không muốn, hoăc không có đủ khả năng thực hiện các cải tổ ấy. Nhưng nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân là chỉ vì đảng CSVN nhất quyết giữ độc quyền giáo dục.
Chủ trương giáo dục do đảng CS đề ra là uốn nắn con người trở thành công cụ để phục vụ cho lợi ích và mục đích của đảng. Từ căn bản ấy con người sinh ra lớn lên dưới chế độ CS, được nhồi nhét những thứ họ dọn sẵn, con người phải tiếp thu và đi theo những lối mòn nhất định. Nên những sáng kiến cá nhân, những tư duy độc lập, bị xem là trật hướng, là trái chiều, nếu không chịu khuất phục, ắt sẽ bị loại trừ.
Vậy làm sao cải tổ được nền giáo dục Việt Nam đây? Trong cuộc phỏng vấn của BBC Việt Ngữ hồi tháng 6/2015 nhân dịp nhóm Đối Thoại Giáo Dục gồm các nhà khoa học trẻ, do giáo sư Ngô Bảo Châu tổ chức, nhằm đưa ra khuyến nghị cho đại học Việt Nam; trong ấy giáo sư Nguyễn Khắc Mai, cho rằng: “Giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối, triết l‎ý giáo dục, kéo theo khủng hoảng về phương thức và quản lý tổ chức giáo dục”. Ông còn nói thêm:
“Nếu căn cứ vào những người quản lý, lãnh đạo thì tôi không hy vọng. Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, giáo điều nhất, kiến thức hẹp nhất. Họ lại rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không thích hoài nghi khoa học thì làm sao họ có thể là người chủ xướng cho một sự khai phóng trong giáo dục, để cho mỗi học sinh là một nhân phẩm tự do, một thuyết khách tự do, để trưởng thành thành một con người – con người chính nó, của nó và riêng nó và đấy là một vấn đề lớn”
Vì vậy nền giáo dục Việt Nam chỉ có thể cải thiện, nếu nó không còn là công cụ riêng của đảng CS nữa; nó phải được mở rộng để các nhà giáo dục có tâm huyết đóng góp xây dựng, trong ấy vai trò của các tôn giáo, với một hệ thống trường tư, song hành với hệ thống trường công, sẽ tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh, tất cả đều đi theo một hướng dựa trên một triết lý giáo dục nhân bản và khai phóng và khoa học, dẫn tới mục đích phát triển toàn diện con người, trong một xã hội tiến bô và văn minh. Đó là con đường bắt buộc phải theo.
Cám ơn quí thinh giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment