Wednesday, May 24, 2017

Ngoài Lợi Ích Quốc Gia Hoa Kỳ Còn Phải Bảo Vệ Cả Lợi Ích Quốc Tế

BìnhLuân

Có vẻ như ngày nay, người Mỹ muốn quay về với những khái niệm “lợi ích quốc gia” theo nghĩa hẹp. Không hẳn là một chủ nghĩa cô lập (isolationism) mà đúng hơn là một trạng thái bình thường.
Thật ra ngày nay người Mỹ muốn rũ bỏ những trách nhiệm mà những thế lực trước của đất nước đã nhận lãnh trong Thế Chiến II và trong toàn thời gian của Chiến Tranh Lạnh. Giờ đây, người Mỹ muốn trở thành một “quốc gia bình thường” như những quốc gia khác, muốn quan tâm nhiều hơn tới những nhu cầu riêng tư, và giảm bớt sự chú ý tới những nhu cầu của thế giới.

Chiến thắng của cuộc cách mạng dân chủ tự do Đông Âu và sự̣ sụp đổ của Liên Sô đã khiến cho Francis Fukuyama khẳng định là “lịch sử đã cáo chung”.
Giờ đây nước Mỹ không còn nhiều thời gian để suy đi tính lại. Thế giới chuyển biến nhanh hơn sức tưởng tượng của con người. Hoa Kỳ là siêu cường dân chủ duy nhất đứng đằng sau sân khấu để cứu vãn thế giới.
Năm lý do khiến Mỹ không thể mất vị thế bá chủ hiện nay.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc nhiều người, trong đó có cà người Mỹ, tiên đoán rằng không bao lâu nữa Hoa Kỳ sẽ bị Trung Quốc thay thế trong ngôi vị cường quốc bá chủ của thế giới. Sự tiên đoán này khó đứng vững. Khó đứng vững vì nếu nhận xét một cách thực tế và khoa học thì Trung Quốc chưa thể có năm điều kiện sau đây để trở thành bá chủ.
Thứ nhất là điều kiện kinh tế. Gần đây nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng khả quan nhưng sự tăng trưởng đó mới chỉ là một sự tăng trưởng vể kích thước chứ chưa phải là một sự tăng trưởng về chất lượng. Và ngay cả về kích thước thì số lượng tăng trưởng ấy cũng chỉ chạy vào túi một số người trong giai cấp lãnh đạo.
Thứ hai là điều kiện về quân sự. Sức mạnh và sự tân tiến của quân đội Hoa Kỳ hiện nay vẫn chưa bị nước nào qua mặt. Ngân quỹ quốc phòng Mỹ vẫn là bốn lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và là 37% ngân quỹ quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ này sẽ không suy xuyển trong thời gian ngắn.
Thứ ba là điều kiện chính trị. Sức mạnh chính trị của một quốc gia phải được lượng định theo nhiều chiều kích. Đối với nước Mỹ ngoại viện là chất xi măng gắn liền Washington với các thủ đô khác trên thế giới. Từ lâu ngoại viện Mỹ đã trở thành quen thuộc trên khắp nẻo đường của nhân loại và đã đánh bạt được nhiều cảnh nghèo đói khổ cực.
Thứ tư là điều kiện khoa học tiên tiến. Trong chín công ty có trình độ kỹ nghệ cao của thế giới thì tám công ty là của Mỹ. Nếu ta chú ý đến trình độ kỹ thuật siêu đẳng của công nghệ thì phải thấy con số tám nói trên là qúy trọng.
Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Hoa Kỳ cho đến nay lúc nào cũng là quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa và khí đốt nhất thế giới. Các đại học và định chế khoa học của Mỹ được cả thế giới ngưỡng mộ và lúc nào cũng cung cấp cho nước Mỹ đầy đũ những điếu kiện cần thiết để phát triển. Hơn 30% số tiền nghiên cứu khoa học của thế giới đã được chi tiêu tại Hoa Kỳ.
Thứ năm là điều kiện văn hóa và văn minh. Có thể nói là Mỹ có một nền văn minh và văn hóa tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Con số người di cư, bỏ quê cha đất tổ đến Hoa Kỳ sinh sống chứng tỏ tính ưu việt của hiện tượng này.
Sự phát triển văn minh và văn hóa của Hoa Kỳ là không ai bì kịp. Nếu nhắm mắt lại để tưởng tượng sức mạnh của sự liên hợp của bốn yếu tố kinh tế, quân sự, ngoại giao và khoa học nói trên rồi đem so sánh những điểm này với những gì đã và đang xày ra tại Trung Quốc thì ta có thể tin rằng Trung Quốc nếu khôn ngoan thì đừng có tham vọng dại dột là chiếm chỗ của Hoa Kỳ.
Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương hồi đầu tháng giêng 2017 phát biểu rằng: “Chính Mỹ mới là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Trung Quốc không có ý định hay khả năng thách thức vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ”.
Thật ra hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày nay không hề đối nghịch mà trái lại càng ngày càng nối kết với nhau chặt chẽ hơn, càng ngày phụ thuộc vào nhau mật thiết hơn.
Cấu trúc chính trị thế giới ngày nay về cơ bản đã thay đổi vì vậy nó khiến cho ý định làm bá chủ thế giới trở nên lạc hậu để không nói là còn bất khả thi.
Thế giới của chúng ta ngày nay có thể tồn tại và phát triển thịnh vượng mà không cần quốc gia nào làm bá chủ, bất kể quốc gia đó là ai. Nếu cả Washington lẫn Bắc Kinh đều ý thức được vấn đề này thì cơ hội hoà bình cho thế giới sẽ sớm được thực hiện và bảo đảm./.
Nguyễn Cao Quyền

No comments:

Post a Comment