Monday, May 15, 2017

Kiểm soát quyền lực hay tranh giành quyền lực

BìnhLuân

Cách đây gần một năm, ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư.) đã làm dư luận ồn ào với loạt bài về “Kiểm soát Quyền lực” (Tuần Việt Nam, 22/9/2016). Những gì ông Hoàng đề cập về cơ bản là đúng (tuy không mới). Chỉ có điều cứ như “đến hẹn lại lên”, dư luận ồn ào rồi lại xẹp xuống, nóng lên rồi lạnh nguội đi. Nay “quả bom Đồng Tâm” lại gây chấn động dư luận, thức tỉnh mọi người như cảnh báo: Cái gì phải đến sẽ đến!

Hội nghị Trung ương 5 sắp họp để chuẩn bị thay đổi giữa kỳ. Dư luận lại nóng lên như một cơn sốt định kỳ với chủ đề “nhất thể hóa” vai trò của đảng và chính quyền. Đằng sau câu chuyện về tranh giành và thâu tóm quyền lực còn có một sự thật trần trụi. Vì thu không đủ chi và nợ công chồng chất nên ngân sách thâm hụt ngày càng nan giải, không thể bao cấp mãi một bộ máy nhân sự chồng chéo khổng lồ nhưng thiếu hiệu quả. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối, và nguồn lực cuả đất nước cũng “cạn kiệt tuyệt đối”.
Mỗi khi tranh cãi về chủ đề quyền lực, người ta thường hay đề cập đến mấy khái niệm cơ bản như: Bản chất của quyền lực (nature of power), giới hạn của quyền lực (limits of power), chuyển dịch của quyền lực (power shifts), tham nhũng quyền lực (power corruption), tranh giành quyền lực (power struggle) và giám sát quyền lực (power supervision).
Trong thực tế cuộc sống, nhiều người bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền và quyền lực, nên dẫn đến sùng bái quyền lực. Các nhóm lợi ích thân hữu (nhất là “con ông cháu cha” và “đồ đệ”) thường được hưởng đặc quyền đặc lợi, nên việc kiểm soát quyền lực rất khó. Người dân thường sợ quyền lực nên hay bị chính quyền lợi dụng bắt nạt. Muốn không bị lợi dụng và bắt nạt thì người dân phải “thoát khỏi nỗi sợ” (như bài học Đồng Tâm).
Chính quyền nào cũng phải dựa vào quyền lực (thường là quyền lực cứng). Nhưng bên cạnh “quyền lực cứng” (hard power) còn có “quyền lực mềm” (soft power). Quyền lực cứng thường “đẻ ra từ nòng súng”, nên dễ dẫn đến chuyên quyền và độc tài, cực đoan và vô cảm. Chính quyền không lắng nghe dân, vì coi dân chúng chỉ như công cụ.
Muốn kiểm soát quyền lực thì trước hết phải thực sự tôn trọng con người và lắng nghe dân. Cơ chế quyền lực phải xây dựng trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, độc lập và cân bằng với nhau để giám sát lẫn nhau (checks and balances). Cơ chế đó phải dựa trên “pháp trị” (rule of law) và tự do dân chủ, để người dân có quyền bầu ra người cai trị mình. Muốn có “quyền lực mềm” để bổ xung cho “quyền lực cứng” phải có xã hội dân sự.
Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một kế sách để đối phó tình huống nhằm lý giải cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị. Nó bắt chước dập khuôn theo khái niệm “kinh tế thị trường XHCN” của Trung Quốc, nhưng “sáng tạo” bằng cách thêm hai chữ “định hướng” cho mềm đi. Về nguyên lý, đó là một khái niệm tối nghĩa, phản quy luật và duy ý chí. Nó cũng giống như khái niệm “làm chủ tập thể” của ông Lê Duẩn và khái niệm “chủ thể” (Juche) của ông Kim Nhật Thành trước đây (mà bây giờ chẳng ai còn nói đến).
Các chính đảng truyền thống và lãnh đạo đang bị đe dọa bởi sự thối nát của quyền lực. Điều đó càng rõ khi các chính đảng lớn phải chuyển giao quyền lực cho các nhóm lề trái. Quyền lực không còn nằm yên trong mô hình truyền thống khi các đảng phái lề trái tại phương Tây đang trỗi dậy mạnh mẽ, khi vai trò của các thế lực quân sự phi truyền thống ngày càng lớn. Ngày nay, người ta có thể giành quyền lực một cách khá dễ dàng, nhưng lại khó giữ và khó vận dụng nó. Các “megapowers” đang bị gạt ra ngoài lề bởi các “micropowers”.
Có thể nói Đồng Tâm là một “micropower” mới và là một hiện tượng đặc biệt như một tác nhân làm thay đổi tư duy của nhiều người, và (dù muốn hay không) làm thay đổi “đột biến” bàn cờ cải cách thể chế tại Việt Nam.
Sự kiện Đồng Tâm vừa phản ánh đặc thù của một địa phương tại Việt Nam, vừa phản ánh xu hướng và quy luật chung trên thế giới. Xu hướng này đang diễn ra tại Anh (Brexitism), tại Pháp (Le Penism), tại Philippines (Duterteism), và tại Mỹ (Trumpism). Nó phản ánh sự thối nát và “đột biến” của quyền lực, có thể dẫn đến sự “kết thúc” của quyền lực.
Hệ quả tất yếu của sự “diễn biến” và “suy thoái” trong nội bộ đang làm hệ thống quyền lực của đảng và nhà nước mục ruỗng, làm mất tính chính danh của chế độ và lòng tin của dân. Muốn ngăn chặn “hiệu ứng domino” làm cả hệ thống “đột biến” một cách nguy hiểm (nên đánh chuột lại “sợ vỡ bình”) thì phải sức rửa bình cho sạch, hoặc thay bình mới. Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ còn một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể chế toàn diện, trước khi quá muộn./.
Nguyễn Quang Dy

No comments:

Post a Comment