Saturday, May 27, 2017

Việt Nam lại hoãn thảo luận Luật Biểu Tình

QuanĐiểm

Trong cuộc họp báo chiều ngày 19 tháng 5 vừa qua, Tổng thư ký Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự luật Biểu Tình vẫn tiếp tục bị trì hoãn là do “chất lượng dự luật”. Mời quí thinh giả theo dõi quan điểm của LLCQ liên quan đến việc Việt Nam tiếp tục trì hoãn Luật Biều Tình, bài do….trình bày sau đây.
Thưa quí thinh giả, Quyền bày tỏ quan điểm, lập trường, ý kiến riêng của con người, nói nôm na là quyền biểu tình; là một quyền căn bản thiêng liêng bất khả xâm phạm, phải được các định chế xã hội tôn trọng. Văn hào Pháp Voltaire (1694-1778) đã nói một câu để đời: “Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói ra, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền phát biểu của anh cho đến cùng” (I do not agree with what you have to say, but I’ll defend to the death your right to say it). Vì thế hầu hết các quốc gia tiến bộ đều tôn trọng và lập luật để bảo vệ quyền này.
Tại Việt Nam, nhà cầm quyền do đảng Cộng Sản nắm giữ, cũng nhìn nhận quyền biểu tình của người dân, và đã được minh định trong điều 25 bản Hiến Pháp năm 2013 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Ngược dòng lịch sử, ngày 19 tháng 8 năm 1945 Việt Minh cướp được chính quyền, đến ngày 2 tháng 9 năm ấy, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tuy đang trong cảnh nhiễu nhương lúc ấy, nhưng ngày 13 tháng 9 năm 1945 Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31, quy định thể thức tổ chức các cuộc biểu tình. Cho dù chủ đích của Hồ Chí Minh lúc ấy, là lợi dụng các cuộc biểu tình của quần chúng để đạt dược mục tiêu mà họ mong muốn. Dù sao sắc lệnh ấy cũng đã thừa nhận quyền biểu tình của người dân.
Đến nay đã hơn 70 năm sau ngày Việt Minh cướp được chính quyền, thế mà cái chính quyền ấy vẫn không thể đưa ra được một bộ luật để bảo vệ quyền biểu tình của công dân nước mình, thì thật là lạ lùng.
Trước khi bàn xa hơn, chúng tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác, đó là quan niệm làm luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khác xa với quan niệm làm luật của các nước văn minh tiến bộ trên thế giới. Tại Việt Nam, làm luật là nhằm để cấm đoán, kiểm soát, kềm kẹp và bỏ tù, thay vì để bảo vệ, khuyến khích nhằm làm thăng tiến đời sống con người và xã hội.
Trở lại với dự luật biểu tình, đến nay vẫn tiếp tục trì hoãn nhiều lần, dựa vào nhiều lý do không có tính thuyết phục, chẳng hạn lời ông tổng thư ký quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng vì lý do “chất lượng dự luật”, thì quả thật ông đã coi thường cử tri và coi thường trí tuệ của 90 triệu người dân Việt Nam quá đáng. Một bản dự luật của một quốc gia, dù do Bộ Công An, bộ Tư Pháp, hay một cơ quan nào soạn thảo đi nữa, thì đó cũng là sự đóng góp tim óc và trí tuệ của những người hiểu biết luật pháp, đâu có phải là cái bàn cái ghế, sợi bún, hay gói mì ăn liền, mà nói là “kém chất lượng” được!?
Trong cuộc phỏng vấn ông đại biều quốc hội Trương Trọng Nghĩa dành cho báo Thanh Niên về việc trì hoãn nói trên, ông cho rằng cả bên đảng và quốc hội đều không thi hành nghiêm các nghị quyết đã thông qua. Ông Ngĩa nói nguyên văn: “Nghị quyết Đảng và Quốc hội đề ra từ 10 năm nay. Cử tri sẽ hỏi: thời gian không quá ngắn, chuyên gia, học giả không thiếu, vậy tại sao nghị quyết lại không hoàn thành?”(hết trích). Và ông cũng nhìn nhận rằng, ông không thể có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri khi bị chất vấn về việc trì hoãn này.
Việc đẩy qua đùn lại chỉ là kịch bản do sự chỉ đạo của Bộ Chính Trị, quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của đảng, các ông bà đại biểu là đảng viên, do đảng sắp đặt vào ngồi đó làm cảnh, nên chẳng lo phải trả lời cử tri thế nào, như ông Trương Trọng Nghĩa nói, vì họ có quyền và có tự do bầu các ông bà đâu mà sợ.
Thật ra các lý lẽ của nhà cầm quyền cũng như của quốc hội nêu ra để bào chữa cho việc trì hoãn luật biểu tình, đều không phải là sự thật. Sự thật là nhà nước CSVN không dám đưa ra luật này, vì sẽ không có đủ công an, cảnh sát, dân phòng để kiểm soát các cuộc biểu tình. Khi đã có luật, khắp cả nước đâu đâu cũng xuống đường, chỗ ít, chỗ nhiều, lúc đó chỉ còn cách huy động quân đội để tàn sát dân, như Đặng Tiểu Bình đã giết sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989. Trong tình huống ấy chì đảng và nhà nước CS cũng chẳng có thể tồn tại được.
Từ 10 năm qua, dù chưa có luật biểu tình, nhưng khắp nơi vẫn diễn ra những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, chống cướp đất trái phép….. vì người dân căn cứ vào hiến pháp đã nhìn nhận quyền biểu tình, và những gì không có luật cấm thì dân làm. Còn nhà cầm quyền thì đàn áp biểu tình với lý do chưa có luật, thì chưa được biểu tình. Mà ngay khi có luật, thì chắc chắn luật ấy cũng không được tôn trọng dưới sự cai trị độc tài của đảng CS, vì còn có vô số những văn bản dưới luật, như nghị định, pháp lệnh, chỉ thi…. để kìm hãm việc thi hành luật ấy.
Tóm lại, quyền biểu tỏ lập trường, quan điểm của người dân qua các cuộc biểu tình là một quyền bất khả xâm phạm, không thể bị qui chụp những tôi danh phi lý như đã từng xảy ra. Cho dù có luật hay chưa, nhà cầm quyền phải bảo đảm những quyền tự do căn bản này, không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để ngăn cản các cuộc biểu tình của ngưởi dân, và việc trì hoãn luật này là việc làm mờ ám, không phù hợp với tư cách của một nhà nước pháp quyền.
Cám ơn quí thinh giả đạ theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment