Nói đến cuộc chiến tranh chống Pháp của dân Việt, người ta thường tô bóng phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh như ngọn lửa cách mạng do cộng sản Việt Nam đốt lên. Nhưng lịch sử đã bị bóp méo, cần tìm hiểu để có một cái nhìn chính xác hơn.
Thật vậy, Sô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong năm 1930-1931, mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1930 của công nhân khu công nghiệp Bến Thủy và nông dân thuộc 5 xã ven thành phố Vinh. Từ đó đến tháng 8 năm 1930, ở vùng Nghệ Tĩnh đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, làm chính quyền đô hộ tan rã nhiều nơi, và chính quyền mới được thành lập rập khuôn theo Sô viết.
Thế đó! Sô Viết Nghệ Tĩnh là phong trào đấu tranh của dân Nghệ Tĩnh, nhưng rất tiếc, phong trào đó chỉ có cái vỏ bọc chống thực dân Pháp, mà thực chất là đòn bẫy hình thành chế độ cộng sản tại Việt Nam. Lợi dụng phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ Chí Minh kết hợp ba đảng cộng sản Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc kỳ, để thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Như thế, Sô Viết Nghệ Tĩnh là bàn đạp thành lập đảng cộng sản Việt Nam qua chiêu bài chống thực dân đế quốc.
Từ vết đen Sô Viết Nghệ Tĩnh, hôm nay dân Nghệ Tĩnh lại hứng chịu Thảm Họa Vũng Áng, nơi sản xuất gang thép của Formosa, Tập đoàn này được Phó Thủ tướng gốc Tàu Hoàng Trung Hải cho phép với nhiều đặc quyền, như thuê đất đến 70 năm, vượt quá 20 năm so với Luật Đất đai năm 2003; miễn tiền thuê đất trong 15 năm, miễn thuế các mặt hàng tạm nhập tái xuất; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định..
Hoàng Trung Hải còn cho phép Formosa xây dựng nhà ở cho công nhân thuê hoặc mua. Còn Nguyễn Tấn Dũng thì đồng ý cấp cho Hà Tĩnh gần 300 tỷ đồng để hỗ trợ dự án xây nhà ở cho công nhân, đặc biệt là hàng nghìn công nhân Trung Quốc.
Điều đáng nói là Formosa đã tàn phá môi trường, làm cá chết hàng loạt từ hôm 6/4, làm cho dư luận phẫn uất cực độ.
Diane Wilson là nhà báo, năm 2006 được nhận giải thưởng cao quý nhất của Eth-Econ Foundation, mang tên “Hành Tinh Xanh 2006” cho biết, năm 2009 Formosa buộc phải nhận bằng khen mang tên “Hành Tinh Đen 2009” coi như một vết nhơ trên thương hiệu để toàn thế giới nhận rõ mặt nhơ bẩn và xa lánh.
Chuyện Formosa gây ra thảm họa Vũng Áng làm cho cá chết, biển chết và người chết chuyện hiển nhiên. Nhưng đáng buồn thay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tỏ ra vô trách nhiệm, lấp liếm, chạy tội cho Formosa, đến nỗi Cánh Cò phải lên tiếng phẫn uất “Một tháng trôi qua không một đơn vị nào chịu trách nhiệm về cách ứng phó với thảm họa. Người ta nhìn nhau và lấm lét nhìn dân. Những cái nhìn thiếu lương thiện chỉ cốt chạy trốn trách nhiệm và tìm cơ hội cứu lấy chiếc ghế của mình”.
Uất ức và phẫn nộ, dân chúng đã xuống đường biểu tình đòi chính quyền CS làm sáng tỏ vấn đề, lại bị công an đàn áp đẫm máu, rồi còn đổ tội cho dân chúng bạo động gây rối..
Đặc biệt, thảm họa Vũng Áng đã tác động mạnh vào lương tri của những lãnh đạo tinh thần như Đức Giám Mục Vinh Nguyễn Thái Hợp đã lên án tội ác hủy hoại môi trường, gây nên cái chết trên thân xác của đồng bào 4 tỉnh miền Trung, mà còn tạo nên cái chết về văn hóa và giáo dục kéo dài nhiều thế hê. Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng nhấn mạnh đến nỗi chết trong tâm hồn, với cái chết của lương tâm, của luân lý, của lý trí và chính trị.
Thái độ bạo ngược của cộng sản cũng đánh động con tim của người cầm bút, tiêu biểu như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh “Ngày hôm qua họ đã đánh vào má trái của phụ nữ và trẻ em, hôm nay chúng ta đưa luôn cả mặt cho họ đánh thêm. Liệu họ có đủ sức nuôi lòng thù hận dài lâu để có thể đánh hết người Sài Gòn? Tôi, Huỳnh Ngọc Chênh, đang có mặt tại Sài Gòn để sẵn sàng đưa mặt ra cho họ đánh. Cứ đánh vào mặt tôi nhưng trả biển và quyền làm mgười lại cho dân”.
Đáng nói nhất là cô giáo Lam, một nhà giáo chỉ biết vui với phấn trắng bảng đen, nay cũng phải buông phấn nhập cuộc với phong trào đấu tranh bảo vệ môi sinh Vũng Áng. Cô giáo Lam đau lòng nhìn biển chết:
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Tại hải ngoại, ngoài những cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ đồng bào Vũng Áng, tiếng nói của thơ văn cũng tác động mạnh vào dư luận. Nhà thơ Ngô Minh Hằng đã thốt lên những lời thật cảm động:
Anh hỡi, xin anh nhìn Vũng Áng
Để chia niềm hận với quê hương
Ai dâng sông núi cho Tàu cộng?
Ai giết dân ta đủ mọi đường!?
Thế đó! Sô Viết Nghệ Tĩnh đã một lần vùng lên làm bàn đạp cho cộng sản phản dân hại nước. Rồi đây lịch sử lại tái diễn, với Quỳnh Lưu Vũng Áng, sẽ giúp rửa sạch vết nhơ xưa, để xứng danh với non nước Hồng Lam địa linh nhân kiệt đó sao./.
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment