Tuesday, November 15, 2016

Tự do ngay cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh!

BìnhLuận

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, đã bị bắt giam từ ngày 10/10/2016. Vậy mà trong cuộc họp Trung ương lần thứ 4, Khóa XII, không một ai nhắc đến chuyện chấn động này của bộ máy chuyên chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không nhắc đến cái tên Formosa. Hai sự kiện được người dân bàn tán nhiều nhất thì Bộ Chính trị tránh né, như sợ phạm húy. Cuộc họp Trung ương tập trung vào vấn đề chống tham nhũng và chấn chỉnh đảng đang suy thoái.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một chiến sĩ dân chủ luôn đứng ở hàng đầu tập thể các bloggers tự do ở Việt Nam, đấu tranh không mệt mỏi cho dân chủ và nhân quyền, bênh vực dân oan mất đất, ngư dân bị mất nghề sinh sống, tự do cho các giáo dân của mọi tôn giáo, hoạt động rất năng động và có hiệu quả trong việc vận động các tổ chức dân chủ quốc tế và các nhà ngoại giao ủng hộ nhân dân ta.
Gần đây Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một mũi nhọn đấu tranh chống những kẻ gây nên thảm họa môi trường, đòi truy tố và đóng cửa Formosa, đòi dẹp bỏ dự án Nhà máy thép Cà Ná, Ninh Thuận.
Chính quyền CS coi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một nhân vật nguy hiểm cho chế độ và đã mạnh tay đàn áp. Nhưng Hà Nội đã vấp ngay sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Tổ chức các nhà báo không biên giới, Tổ chức bảo vệ Nhà báo thế giới và giới truyền thông quốc tế. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang tuyệt thực để đòi gặp luật sư; sức khỏe và tính mạng của cô đang bị đe dọa. Nữ tù nhân 37 tuổi này lại đang có một khối u và bệnh loãng máu.
Làm thế nào để cứu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra khỏi cảnh tù đày sớm nhất?
Trước hết, mạng lưới bloggers tự do mà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là thành viên đầu đàn, cần sớm tìm ra phương án khả thi cấp bách nhất và đi đầu thực hiện. Tất cả các tổ chức xã hội dân sự – đã lên đến con số hơn 30 – từ Hội Tù nhân lương tâm, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội bầu bí tương thân, Hội Lao động Việt, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập… cần chung sức tìm ra phương pháp đấu tranh dành tự do ngay cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Các hiệp hội dân oan các địa phương và trong cả nước nên cùng nhau tham gia đông đảo hành động chung thống nhất, đáp lại sự nhiệt thành của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đối với bà con dân oan và đông đảo nông dân và ngư dân bị mất đường sống. Bà con giáo dân thuộc mọi tôn giáo, từ Công giáo, Tin Lành, đến Phật giáo, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, đạo Hồi… hãy đoàn kết trong cuộc đấu tranh này. Giới thông tin báo chí và giới luật sư nhạy cảm với quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, chế độ pháp quyền hãy nhận rõ việc đảng CS, Nhà nước truy tố Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là vi hiến, phạm pháp, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Quốc tế về Nhân quyền.
Về hành động chung, nên tổ chức những cuộc xuống đường đông đảo, trong trật tự và với quyết tâm cao, ý chí bền bỉ, tập trung vào 2 vấn đề: Truy tố Formosa và thả ngay các tù nhân dân chủ, trước hết là 5 người tiêu biểu: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), Nguyễn Ngọc Già, Trần Huỳnh Duy Thức và Bùi Minh Hằng.
Chúng ta đã có những cuộc xuống đường khá lớn tập hợp gần 20 ngàn giáo dân Nghệ An và Hà Tĩnh, cùng hàng ngàn dân oan. Ở Tuy Hòa hàng chục ngàn người đã xuống đường làm tắc nghẽn đường số 1, hoặc một cuộc xuống đường mới đây ở Hải Dương làm tắc đường số 5. Ở quận Bình Tân, Sài Gòn, 90 nghìn công nhân của hãng Pou Yuan do người Trung Quốc làm chủ đã đứng lên đấu tranh. Kinh nghiệm tổ chức các cuộc xuống đường kéo dài có trật tự đã được nhiều bạn đúc kết thành bài bản, chỉ dẫn và phổ biến.
Trí thức sinh viên là ngòi nổ. Các tổ chúc xã hội dân sự là nòng cốt. Các nhà báo tự do là tiếng nói. Nông dân ta, ngư dân ta, lao động ta là đội quân xung kích và dự bị. Bà con các tôn giáo dưỡng thiện trừ ác là tâm linh, linh hồn của cuộc đấu tranh.
Cảnh sát và quân đội sẽ choáng ngợp trước ngàn vạn người sát cánh đòi quyền sống và sẽ ngả về phía nhân dân. Đó là «quyền lực vô tận của những kẻ không có quyền lực» khi biết đồng tâm, cùng hành động chung.
Tất cả mọi người Việt Nam thật lòng yêu nước thương dân đi cùng thời đại dân chủ văn minh, đều là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh./.
Bùi Tín

No comments:

Post a Comment